1 tuần trải nghiệm tuyệt vời tại Myanmar

06:41 Thứ hai 20/01/2014

Hôm nay (20-1), Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 2014 sẽ bế mạc, khép lại một tuần trải nghiệm đầy ý nghĩa của chúng tôi - những VĐV đoàn thể thao người khuyết tật VN - trên đất nước Myanmar.

Các VĐV đội tuyển bơi lội khuyết tật VN chụp hình lưu niệm với tình nguyện viên nữ Myanmar. Ảnh: Thành Trung

Là VĐV bơi lội, khi đã lao mình xuống nước, tôi luôn nỗ lực hết sức để giành những tấm huy chương. Tại giải, tôi đã giành 2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, phá hai kỷ lục châu Á.

Nhưng với tôi, thắng - thua chưa bao giờ là điều quan trọng nhất. Mà hơn tất cả, những giải đấu dành cho VĐV khuyết tật là cơ hội thể hiện ý chí của con người VN, đồng thời cũng là nơi để chúng tôi có cơ hội giao lưu với bạn bè quốc tế.

Có lẽ chỉ tại những giải đấu dành cho người khuyết tật mới có chuyện các VĐV vui vẻ trò chuyện, tặng nhau đồ lưu niệm như đồng phục thể thao, kỷ niệm chương, quốc kỳ... Sau khi thi đấu, chúng tôi luôn “tay bắt mặt mừng” như những người anh em cùng sống chung trong một ngôi nhà. Làm sao chúng tôi có thể quên được những buổi tối bên cạnh các tình nguyện viên Myanmar, anh tài xế... Chúng tôi ngồi bệt quây quần trên nền đất ximăng trong làng VĐV cùng nhau ca hát, trò chuyện. Họ dạy chúng tôi những bài hát của Myanmar, chúng tôi chỉ cho họ hát quốc ca VN, thậm chí chỉ họ ca vọng cổ...

Đất nước và con người Myanmar thật thân thiện. Bạn đi đến đâu, làm gì cũng được người dân sẵn lòng giúp đỡ. Các tình nguyện viên phục vụ ASEAN Para Games thì khỏi phải nói, họ chu đáo tận tình từng li từng tí đến độ làm chúng tôi cảm thấy ái ngại! Hầu hết tình nguyện viên Myanmar là sinh viên. Ít ai biết rằng nhiều người trong số họ cũng chật vật khó khăn không kém các sinh viên VN. Họ phải làm thêm đủ công việc để trang trải chi phí sinh hoạt.

Trong đoàn VN, hầu hết VĐV đều có cuộc sống hết sức khó khăn, có người phải làm thuê làm mướn, có người phải thêu vá, sửa chữa điện thoại, không ít người phải bán vé số, nhưng tựu trung họ đều tự lập trong cuộc sống.

Tác giả bài viết tại Myanmar.

Tôi ấn tượng nhất với anh bạn cùng phòng Danh Hòa (27 tuổi). Danh Hòa là người Khmer thuộc diện gia đình nghèo khó, đông con ở Kiên Giang. Bệnh sốt bại liệt cướp đôi chân của anh từ năm 3 tuổi nhưng không cướp được ý chí của anh. Tuy bị liệt nhưng Danh Hòa quyết không làm gánh nặng cho cha mẹ mà tự lập bằng nghề nuôi gà. Mùa nước nổi, Danh Hòa lặn ngụp để bắt cá kiếm sống. Đây là lần đầu tiên Danh Hòa dự ASEAN Para Games nhưng đã có chiếc HCB môn bơi lội. Anh mừng lắm và đã rơi nước mắt khi báo tin cho gia đình.

Tạm biệt Myanmar - tạm biệt một quốc gia đang mở cửa với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Nguyễn Thành Trung | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục