"Xuất khẩu" cầu thủ: Bóng đá Việt Nam đang lạc lối

20:58 Thứ bảy 15/02/2020

TinTheThao.com.vnVì sao người Thái thành công còn Việt Nam liên tục nếm trái đắng khi “xuất khẩu” cầu thủ?

Bỏ qua những ganh đua theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là bóng đá Việt Nam đi sau Thái Lan ở chiến lược mang chuông đi đánh xứ người. Chấp nhận sự thật này, bóng đá nước nhà mới hy vọng tiến bộ và thành công trong tương lai. Cũng đừng tự huyễn hoặc, lừa dối bản thân khi cho rằng tuyển thủ Việt Nam sang châu Âu là tốt còn cầu thủ Thái chỉ quanh đi quẩn lại ở J-League.

Thực tế là người Thái đến lục địa già từ rất sớm khi bóng đá Việt Nam còn nghiệp dư. Huyền thoại bóng đá xứ Chùa vàng Kiatisak từng sang Anh thử sức một mùa giải 1999-2000 cùng đội hạng Nhất Huddersfield. Gần nhất là tiền đạo kỳ cựu Teerasil Dangda có thời gian thử việc cùng Manchester City năm 2007 sau đó sang Grasshopper (Thụy Sĩ). Năm 2014, Dangda quyết định tìm vận may cùng Almeria ở La Liga nhưng không thành công đành quay lại Thai-League. Từ trường hợp Thái Lan có thể thấy bóng đá chuyên nghiệp tại trời Âu thời điểm hiện tại chưa phù hợp với cầu thủ Đông Nam Á.

 - Bóng Đá

Người Thái thành công hơn Việt Nam trong việc "xuất khẩu" cầu thủ.

Tại sao lại nói rằng bóng đá Việt Nam đang lạc lối? Đơn giản là các câu lạc bộ V-League gần như mạnh ai nấy làm, chưa có đường hướng phát triển căn cơ và phù hợp. Lấy HAGL làm đơn cử điển hình. Bầu Đức từng đưa Công Phượng, Tuấn Anh sang J-League và thất bại. Sau đó là trường hợp Xuân Trường, Công Phượng sang K-League và nếm trái đắng.

Thậm chí ở môi trường được đánh giá vừa tầm đẳng cấp như Thai-League, Xuân Trường cũng không thể gây ấn tượng. Thương vụ Nguyễn Công Phượng chuyển đến Sint Truidense (Bỉ) và “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị là sự tái khẳng định, các câu lạc bộ V-League đang “tự bơi” và đuối sức trong tham vọng xuất khẩu cầu thủ. Bầu Đức “đẩy” quân đi 1 vòng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ để rồi quay lại điểm xuất phát V-League.

Thương vụ Đoàn Văn Hậu đến SC Heerenveen được cho là có triển vọng thành công nhất... cũng đang đi vào vết xe đổ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Nguyên nhân thất bại theo thông tin hậu trường từ báo chí châu Á và nội bộ Heerenveen là tuyển thủ Việt Nam chưa giỏi ngoại ngữ nên không thể giao tiếp trên sân.

 - Bóng Đá

Bầu Đức vẫn đang nỗ lực đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài.

Cầu thủ Việt Nam liên tục thất bại chứng tỏ 1 điều, hệ thống đào tạo bóng đá trẻ nước nhà chưa thật sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Cầu thủ trẻ HAGL ăn ngủ với trái bóng, được học ngoại ngữ, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại thất bại từ Âu sang Á. Câu lạc bộ Hà Nội với mô hình đào tạo trẻ vệ tinh, cung cấp nhiều tuyển thủ tài năng cho các đội tuyển quốc gia song chưa trang bị vốn tiếng Anh đủ tốt để Văn Hậu sớm thích nghi tại Hà Lan.

Khi nào bóng đá nước nhà chưa có “công thức” chung cho chiến lược xuất khẩu cầu thủ sang nước ngoài, tuyển thủ Việt Nam chắc chắn sẽ còn đối mặt tình trạng “vừa ra ngõ đã gặp núi”.

Tiểu Phương | 20:28 15/02/2020
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục