Vui thì cứ vui...

16:09 Chủ nhật 11/11/2012

Mấy ngày qua không khí làng thể thao rôm rả ra trò, sau sự kiện đoàn Việt Nam thắng lợi trong cuộc chạy đua đăng cai Asiad 18-2019. Ngày xưa được đăng cai SEA Games, rất nhiều quan chức thể thao nước nhà đã phải mất ăn mất ngủ vì sung sướng, hạnh phúc. Giờ chúng ta nâng tầm lên cả Asiad - sân chơi thể thao số 1 châu lục, chỉ đứng sau Olympic, thì không khỏi vui mừng, hạnh phúc và mất ăn, mất ngủ một lần nữa.

Trong niềm vui ấy, chúng tôi thực sự chia sẻ với các nhà quản lý. Đặc biệt là ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam, người được xem là "cha đẻ” của đề án đăng cai Asiad 18.

Thế nhưng, nên nhớ Asiad là một sân chơi khác hẳn với SEA Games hay AIG mà Việt Nam đã tổ chức thành công. Chưa kể, chúng ta đăng cai ở thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại, thậm chí có những dự đoán cho rằng còn đi xuống hơn nữa, thì việc đăng cai một Đại hội thể thao lớn, lại là một thách thức không nhỏ.

Thành công trong việc giành quyền đăng cai Asiad 2019 liệu có "vui"? Ảnh: Alec.

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Việt Nam nên xin đăng cai lùi lại vài năm nữa để nền kinh tế khá lên. Ông Minh thẳng thắn cho biết: "Thực tế, việc Việt Nam giành quyền đăng cai không làm tôi bất ngờ, bởi Đài Loan (Trung Quốc), UAE bất ngờ bỏ cuộc phút chót cho thấy họ cũng dự báo được những khó khăn về kinh tế phía trước. Chưa ai biết 7 năm nữa sẽ như thế nào. Đó sẽ là một thách thức lớn. Ngoài ra, việc chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, đội ngũ điều hành, cũng là vấn đề quan trọng của mỗi kỳ Đại hội thể thao lớn như Asiad”.

Nhưng dù sao thì đoàn Việt Nam đã thuyết phục được OCA và 45 nước thành viên bằng kế hoạch rất chi tiết và khả quan. Cá nhân ông Minh không phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua, nhưng đã đưa ra lời cảnh báo: "Tôi nghĩ chúng ta đã ngồi trên lưng hổ rồi thì phải đi tiếp. Vấn đề còn lại là sẽ phải làm thế nào để có sự chuẩn bị tốt nhất. Theo tôi việc làm ngay bây giờ chính là phải chuẩn bị lực lượng, chứ với lực lượng hiện tại không thể đáp ứng được chuyên môn. Cụ thể, ngành thể thao sẽ phải xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV nếu không sẽ không kịp. Nên nhớ tại SEA Games 22, chúng ta cũng phải chuẩn bị VĐV mất gần 10 năm. Tôi xin nhắc lại là tất cả vẫn ở phía trước, có làm tốt hay không, chỉ 7 năm nữa mới có câu trả lời đúng nhất”.

Trong niềm vui sướng với kết quả đạt được tại Hội nghị OCA, phát biểu của ông Minh chẳng khác nào "ném đá Hội nghị”. Tuy nhiên, từng là người có nhiều năm quản lý, với thành công nhất là lần tổ chức SEA Games 22 trên sân nhà, những ý kiến của ông Minh không phải là không có lý. Rất nhiều kế hoạch của Việt Nam vẫn chỉ là... kế hoạch nằm trên bàn giấy. Tức là mọi thứ có thể thay đổi, có thể tốt hơn và xấu đi. Chúng ta tổ chức thành công SEA Games và AIG 3, nhưng Asiad lại là một tầm khác, quy mô gấp hàng chục lần.

Tất nhiên, mọi thứ nếu chỉ nhìn bằng con mắt bi quan, lo lắng sẽ khó giải quyết được việc gì. Việt Nam có nhiều niềm tin khi có sự ủng hộ của Chính phủ và người dân. Nhưng nói như ông Minh, thì việc giành quyền đăng cai, mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Chúng ta cần phải có những suy nghĩ thực tế và lường trước mọi tình huống, diễn biến có thể xảy ra.

Vì vậy, vui thì cứ vui, nhưng ngay sau đây, Việt Nam sẽ phải làm những gì để tổ chức thành công một sự kiện thể thao lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn, lại là một thách thức vô cùng lớn.
Việt An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục