Vụ tiêu cực của nhóm cầu thủ Đồng Nai: Những câu hỏi nhức nhối

18:44 Thứ tư 23/07/2014

Sự việc tại Đồng Nai, chỉ tính riêng trong trận đấu với Than QN, có tính chất nghiêm trọng hơn cả vụ việc ở Ninh Bình. Vì thế, ngoài phạm tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, các cầu thủ còn có thể bị truy tố tội “nhận hối lộ” do chủ động sử dụng vị trí của mình (cầu thủ đá bóng trực tiếp) để làm lợi cho bên thứ 3 (bên ra kèo để tổ chức cá độ).

Câu hỏi thứ nhất: Răn đe không đủ?

Thông tin còn cho biết, đây không phải là trận đấu duy nhất mà các cầu thủ Đồng Nai thực hiện hành vi phạm pháp này. Có thể kết luận, những gì mà các cầu thủ Ninh Bình bị trừng phạt hầu như chẳng đủ để khiến cầu thủ Đồng Nai phải e dè, lo sợ. Thậm chí, họ còn thực hiện với qui mô lớn hơn, thủ đoạn phức tạp hơn.

Chân dung 6 cầu thủ của Đồng Nai chính thức bị cơ quan điều tra bắt giam.

Một con người có thói quen hoặc có “máu đánh bạc” trong người thì có thể “đánh bạc” ở bất kỳ đâu. Nhưng nếu người ta “đánh bạc” bằng chính nghề nghiệp của mình thì trách nhiệm của những nhà quản lý bóng đá là không thể vô can. Thường thì người ta đi làm, kiếm tiền để cờ bạc, rượu chè. Đến mức thực hiện điều đó ngay chỗ làm thì cần xem lại môi trường mà họ làm việc đã tạo điều kiện ra sao?

Câu hỏi thứ hai: Bóng đá “dạy” thói xấu?

Trước đây, ngoài chuyện tập luyện thể chất, các phụ huynh hay cho con mình chơi thể thao cốt là để tránh xa thói hư tật xấu. Có những thời điểm, ở vài địa phương, cứ thấy đứa trẻ nào không chơi thể thao là y như rằng đã vướng vào cờ bạc, hút chích. Những gia đình có con chơi thể thao và nhất là đá bóng, luôn cảm thấy may mắn.

Trong số các cầu thủ dính chàm tại Ninh Bình và Đồng Nai, chỉ có vài người là gia đình quá nghèo khó, 70% đều khá giả, thậm chí còn được xem là “thiếu gia”. Nhiều người từng khoác áo U23, U21 quốc gia nên cũng từng nhận tiền chuyển nhượng bạc tỷ vài năm trước. Nói cách khác, họ không đến mức “túng quá làm liều”.

Động cơ làm bậy của họ đôi khi đơn giản là vì “dễ làm quá”. Như chúng tôi đã phân tích, nhiều đội bóng không biết “ông chủ” thực sự là ai, không có doanh nghiệp sở hữu, việc quản lý giao hết cho BHL nên cầu thủ hầu như chẳng ràng buộc gì cả, nhất là với các CLB sử dụng phần lớn cầu thủ ngoài địa phương. Đến khi thi đấu, phần lớn mùa giải đá trong tình trạng thắng - thua không ảnh hưởng gì đến thu nhập sau khi đã đủ điểm trụ hạng. Cầu thủ không đá vì địa phương, càng chẳng vì khán giả, tự nhiên họ sẽ đá …cho chính mình. Chỉ cần khôn khéo móc nối với nhau, họ có thể vừa giúp đội nhà chiến thắng mà vẫn bỏ túi tiền thắng độ. Thậm chí, như trường hợp của Đồng Nai trong trận đấu với Than QN, nếu không có công an vào cuộc, nhiều khi còn được khen là đã cố gắng hết sức để gỡ hòa dù ở những phút cuối cùng.

Chính cái nền bóng đá “nghiệp dư lãnh lương cao” đã là một phần tác nhân biến một thanh niên ngoan hiền, con nhà khá giả thành tội phạm.

Câu hỏi cuối cùng: Bóng đá đem lại điều tốt đẹp gì?

Nói như vậy không phải cho rằng bóng đá là môi trường xấu xa, cần dẹp bỏ. Thực tế thì không thiếu những tấm gương tốt trong bóng đá với sự nghiệp dài lâu và cuộc sống tốt đẹp nhờ đá bóng. Nhưng chính cách quản lý của những người có trách nhiệm đã khiến môi trường bị vẫn đục.

Cách tốt nhất là trả bóng đá về với đúng bản chất của một môn chơi thể thao có ý nghĩa. Bắt đầu từ khâu đào tạo mà ở đó, dạy văn hóa phải song song, thậm chí còn chú trọng hơn dạy chuyên môn. Khi cầu thủ đã qua thời gian đào tạo cơ bản, các CLB khi tiếp nhận lại phải có trách nhiệm trang bị kỹ năng ứng xử với cuộc sống ngay từ các tuyến U. Đến lúc là cầu thủ chuyên nghiệp thì chính môi trường thi đấu của nền bóng đá và sinh hoạt trong CLB sẽ quyết định nhân cách.

Thường một cầu thủ chuyên nghiệp, từ bé đến lớn đều sống trong môi trường tập trung, thế nên các nhà quản lý bóng đá không thể tránh né trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của một công dân - cầu thủ được. Thành ra, nhiều cầu thủ hư, nhiều CLB có vấn đề, cũng đồng nghĩa là nền bóng đá đã mục từ bên trong mất rồi.

Còn ai trong đống rơm?

Một chuyên án kéo dài từ tháng 4 tới tận bây giờ và có thể vẫn chưa kết thúc Cả chục cầu thủ đang chơi ở V-League phải đối mặt với những án tù, hoặc chấm dứt sự nghiệp sớm. Nhưng, có vẻ như những án tiêu cực của Ninh Bình hay mới nhất là Đồng Nai mới chỉ là phần rất nhỏ của giải đấu…

Như đã từng đề cập, việc V-League có quá nhiều trận đấu bất thường, và không phải chỉ xảy ra ở mùa giải năm nay đã khiến dư luận phải đặt ra nhiều câu hỏi về sự trong sạch của giải đấu. Để tới giờ, sau khi C45 phá án từ vụ Ninh Bình đến mới nhất, tất cả đã có câu trả lời: V-League đã nát bấy bởi vấn nạn cá độ, làm độ. Và chắc chắn một điều, con số hơn chục cầu thủ của cả hai đội bóng vừa kể chưa phải là cuối cùng khi vẫn còn hàng loạt trận đấu khác, điển hình là ở vòng đấu thứ 17 kết thúc cách đây chưa lâu.

Có thể khẳng định được điều đó, bởi thật ra khi mà các cầu thủ vừa dính chàm đều làm chủ được cuộc chơi của chính mình. Tức có nghĩa, họ vừa “đá bóng, vừa thổi còi” được thì chẳng ai dại gì mà từ chối những lời rủ rê vốn rất nhiều từ bạn bè xấu xung quanh. Thêm vào đó, mảnh đất dành cho dân cá độ chuyên nghiệp như World Cup vừa kết thúc với quá nhiều bất ngờ xảy ra, chuyện nợ nần vì làm kinh tế xấu là khó có thể tránh khỏi. Thành thử, nhiều người mới tin rằng không chỉ có nhóm cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai mới cần tiền mà còn rất nhiều đồng nghiệp khác nữa.

Càng có cơ sở để tin rằng, con số hơn chục cầu thủ sẽ xộ khám, hoặc chấm dứt sự nghiệp sớm ấy chỉ là rất nhỏ, khi bóng đá Việt Nam nhiều năm qua đã có “truyền thống” về sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ của giới quần đùi áo số. Và tất nhiên, cũng đã có khá nhiều tấm gương rơi vào vòng lao lý từ bao năm qua thì càng không thể chắc rằng những cầu thủ của Ninh Bình hay Đồng Nai là những người cuối cùng, có chăng những cái tên vừa được lôi ra ánh sáng bị… xui mà thôi.

Mới đây, trong cuộc nói chuyện với HLV Trần Bình Sự, thuyền trưởng của Đồng Nai đã chia sẻ rằng: “Cầu thủ giờ khó kiểm soát khi những mối quan hệ ngoài xã hội là quá rộng. Điều quan trọng là do họ tự điều chỉnh mà thôi…”. Nhưng liệu rằng có thể điều chỉnh, và tự giác với nghề nghiệp của mình hay không khi mà cả nền bóng đá, cả môi trường bóng đá cũng đã mục rỗng, hay nôm na rằng hỏng gần như hết. Và thế mới nói rằng, còn rất nhiều cái tên khác chưa được phanh phui mà thôi…

Hà Mây
Hồ Việt | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục