Vụ lùm xùm của Taekwondo TP.HCM: Chuyển tiền vào tài khoản huấn luyện viên

07:21 Chủ nhật 01/02/2015

Sáng 31-1, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Mai Bá Hùng đã chủ trì cuộc họp với phòng thành tích cao Trung tâm Huấn luyện & thi đấu, bộ môn, VĐV và ban huấn luyện đội tuyển taekwondo xung quanh chuyện lùm xùm của bộ môn tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014.

Trưởng bộ môn taekwondo TP.HCM Nguyễn Thanh Huy phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: N.K.

Cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện Ban tuyên giáo Thành ủy, phòng tài chính và thanh tra Sở VH-TT TP.HCM, báo chí cùng đại diện phụ huynh các VĐV. Mở đầu cuộc họp, ông Mai Bá Hùng cho biết buổi họp sẽ xoay quanh hai vấn đề: 1 - Chuyện cho mượn VĐV lấy thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. 2 - Có hay không chuyện nhượng và mua bán huy chương tại đại hội?

Việc cho mượn VĐV đã có từ lâu

Trưởng bộ môn taekwondo và cũng là HLV trưởng đội tuyển quyền TP.HCM Nguyễn Thanh Huy phủ nhận chuyện nhường hay mua bán huy chương ở nội dung quyền đồng đội nam. Việc TP.HCM bỏ cuộc trong trận chung kết để Cà Mau (cũng là những VĐV của TP.HCM) giành HCV là do có VĐV bất ngờ bị chấn thương. Còn về việc cử VĐV của TP.HCM đi thi đấu cho các tỉnh khác, ông Huy nói đó là chuyện thường xuyên và đã làm từ trước đây rất lâu. Ông Huy dẫn chứng thời ông Trần Quang Hạ còn làm trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng đội tuyển TP.HCM, TP.HCM đã cử VĐV của mình đi thi đấu cho tỉnh khác và lấy HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc 2006 và 2010.

Giải thích thêm về việc cử 17 VĐV của TP.HCM đi thi đấu cho ba đoàn Cà Mau, Bình Phước và Quân Đội tại Đại hội TDTT toàn quốc, ông Huy nói đây là việc làm cần thiết nhằm giúp VĐV có cơ hội cọ xát chứ không phải để lấy thành tích cho địa phương khác. Ông Huy nói: “Tôi đã tham mưu và xin ý kiến VĐV đi giúp đỡ các địa phương vẫn phải được lĩnh lương của TP.HCM chứ không thể cắt hợp đồng, vì như thế thì càng sai hơn khi dám chuyển nhượng VĐV do TP.HCM đào tạo”.

Nghe ông Huy nói xong, ông Mai Bá Hùng đặt ra hàng loạt câu hỏi: Anh có văn bản xin ý kiến không và ai là người đồng ý với chủ trương này? VĐV đi thi đấu cho các tỉnh khác thì họ có nhận chế độ ở đó không? Nếu VĐV đồng thời nhận chế độ ở hai nơi có được phép không?

Hợp đồng chỉ nhằm hợp thức hóa?

Theo điều lệ Đại hội TDTT 2014, VĐV muốn thi đấu cho đơn vị khác phải có hợp đồng có thời hạn một năm và được ký trước ngày 1-1-2014. Trong hợp đồng Cà Mau nộp lên ban tổ chức đại hội mà chúng tôi có được, các VĐV TP.HCM được cho mượn đều ký hợp đồng VĐV với giám đốc Trung tâm TDTT Cà Mau Trần Thế Giang vào ngày 1-2-2013 với mức lương khoán 4,5 triệu đồng/tháng (bao gồm cả bảo hiểm và trang thiết bị tập luyện) và việc nhận lương kéo dài đến 31-12-2014.

Tại cuộc họp, VĐV Phạm Chí Khanh khẳng định không nhận lương ở các đơn vị mà mình khoác áo - Ảnh: N.Khôi.

Tương tự, Bình Phước nộp lên ban tổ chức đại hội ba quyết định đối với VĐV Nguyễn Quốc Minh: 1 - Tái ký hợp đồng đào tạo và sử dụng VĐV (do giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Võ Quốc Thắng ký với VĐV ngày 1-1-2011) có thời hạn năm năm với mức lương 3,3 triệu đồng/tháng và thêm phụ cấp tiền ăn trong thi đấu, tiền thưởng, tiền đẳng cấp (nếu có). 2 - Hợp đồng VĐV (ký ngày 15-10-2013) có thời hạn đến 31-12-2014 với mức lương 5 triệu đồng/tháng và thêm phụ cấp tiền ăn trong thi đấu, tiền thưởng, tiền đẳng cấp (nếu có).

3 - Hỗ trợ tiền thuốc và dinh dưỡng (ký ngày 28-10-2014) cho VĐV với số tiền 5 triệu đồng/tháng, từ ngày 1-11 đến 31-12-2014.

Lý giải về những bản hợp đồng này, ông Huy cho biết không hề có chuyện VĐV TP.HCM nhận chế độ hai nơi: “13 VĐV (5 VĐV quyền và 8 VĐV đối kháng) cho Cà Mau mượn không nhận được bất cứ tiền chế độ nào. Phía Cà Mau chỉ cho bốn suất (4,5 triệu đồng/tháng) để bồi dưỡng cho các em và tiền chuyển vào tài khoản của tôi. Sau đó tôi chia cho đội đối kháng hai suất và quyền hai suất, tính ra mỗi em được nhận 1,5-2 triệu đồng/tháng. Còn VĐV Nguyễn Quốc Minh cũng không hề nhận chế độ gì của Bình Phước cả. Những bản hợp đồng đó của Cà Mau và Bình Phước chỉ là nhằm giúp các tỉnh hợp thức hóa, đủ điều kiện cho VĐV thi đấu theo quy định của điều lệ đại hội”.

Sau phần giải thích của ông Huy, ông Hùng mời ông Huy và ban huấn luyện đội tuyển taekwondo tạm thời ra ngoài để nghe ý kiến của VĐV, phụ huynh lẫn báo chí tham dự cuộc họp. Ông Hùng hỏi những VĐV thi đấu cho các đoàn có mặt trong cuộc họp: Các em có nhận chế độ tại đơn vị mà mình khoác áo hay không?

Các VĐV Phạm Chí Khanh, Nguyễn Trương Phước Đại (Cà Mau), Nguyễn Quốc Minh (Bình Phước) đều khẳng định mình không nhận lương ở đơn vị khác mà mình khoác áo. Chí Khanh, Phước Đại thừa nhận có nhận tiền bồi dưỡng (được chia khoảng 1 triệu đồng/tháng) chứ không hề nhận lương 4,5 triệu đồng/tháng như trong hợp đồng đã ký. Còn Quốc Minh nói lãnh đạo thể thao Bình Phước kêu ký vào để thi đấu ở đại hội chứ cũng không đọc hợp đồng để biết mức lương thế nào. Ông Hùng hỏi tiếp: Các em đều lớn rồi, ký mà không biết hoặc biết mà không được nhận số tiền ghi trong hợp đồng cũng không thắc mắc gì hay sao? Trước câu hỏi này, tất cả VĐV đều im lặng.

Đặc biệt là khi báo chí lên tiếng về việc ký hợp đồng cho dù là để hợp thức hóa thì cũng liên quan đến pháp luật do gián tiếp giúp các tỉnh làm giả giấy tờ để đủ điều kiện thi đấu tại đại hội, sau khi trở lại phòng họp báo, ông Huy giải thích: “Tôi có sơ ý về chuyện không kiểm tra lại hợp đồng mà các tỉnh ký với VĐV của TP.HCM. Vì hợp đồng VĐV bây giờ không cần phải ghi tiền vào đó như yêu cầu trước đây dẫn đến hiểu lầm như thế này”.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nam Nhân, nguyên phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện & thi đấu TDTT TP.HCM và là người đã ký công văn đồng ý để các VĐV TP.HCM đi thi đấu cho tỉnh khác tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, cũng thừa nhận mình sai khi đồng ý với đề nghị của trưởng bộ môn Nguyễn Thanh Huy về chuyện này. Ông viện dẫn việc đồng ý là do TP.HCM có ký kết liên tịch hợp tác với các tỉnh, muốn VĐV được thi đấu. Còn chuyện hợp đồng giữa các VĐV này ký với tỉnh như thế nào thì ông không biết.

Trưởng phòng thể thao thành tích cao và là người điều hành cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Khoa nói thêm TP.HCM có ký kết hợp tác với 12 tỉnh phía Nam nên việc cho mượn VĐV là điều bình thường nhằm giúp các VĐV trẻ có điều kiện thi đấu và không bị mai một tài năng. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng thủ tục cho mượn VĐV đã cho thấy sai về chế độ chính sách vì không thể nhận tiền song song ở hai nơi được.

Tiếp tục làm rõ chuyện hợp đồng của VĐV

Đại diện phòng tài chính Sở VH-TT, ông Đinh Mạnh Tường cho biết theo lệnh của giám đốc sở, ông đã yêu cầu Trung tâm Huấn luyện & thi đấu TDTT trích xuất danh sách, chứng từ chế độ HLV và VĐV từ năm 2013 trở lại để kiểm tra. Ông Tường nói: “Giữa tuần tới tôi mới có thể có báo cáo cũng như đề xuất cho giám đốc sở hướng xử lý”.

Kết luận cuộc họp, ông Mai Bá Hùng nhấn mạnh các điểm: “Ban giám đốc sở đã yêu cầu tạm ngưng chi tiền cho 21 VĐV có liên quan để làm rõ bởi VĐV nhận chế độ ở hai nơi nếu có thì đã sai. Kế đến, phòng hành chính phối hợp với phòng nghiệp vụ nghiên cứu, rà soát, tham mưu cho ban giám đốc để khắc phục tình trạng cho mượn VĐV. Bộ môn cần hoàn chỉnh báo cáo: thu thập hợp đồng các tỉnh ký với VĐV và việc tại sao VĐV ký hợp đồng mà ban huấn luyện lại giữ hợp đồng, giấy tờ chứng minh những gì trưởng bộ môn Nguyễn Thanh Huy đã nói trong cuộc họp (chứng minh Cà Mau ký 13 hợp đồng VĐV nhưng chỉ chuyển bốn suất vào tài khoản của mình). Ngoài ra, trung tâm tổ chức cuộc họp với VĐV và HLV vào ngày 2-2 để tiếp tục làm rõ...”
Nguyên Khôi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục