Vòng 10 V-League 2012: Bao giờ hết “loạn”?

11:26 Thứ hai 19/03/2012

Sau sự cố sân Chi Lăng (vòng 9), cuối tuần qua người ta lại phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm tại Kiên Giang và đâu đó vẫn còn những tiếng kêu ai oán về… trọng tài.

Trọng tài đã trở thành điểm nóng, 9 vòng đấu với 10 sự cố. Điều đó buộc VFF phải họp khẩn với Ban Trọng tài. Nhiều giải pháp tình thế đã được đặt ra. Nhưng phương án thuê trọng tài ngoại chưa được thông qua, cho dù chỉ mang tính thử nghiệm.

Cầu thủ Thanh Hóa định hành hung nhân viên Y tế sân Kiên Giang

Theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, thuê trọng tài ngoại lúc này chưa cần thiết, bởi có nhiều hạn chế lẫn vướng mắc về cơ chế, trong đó cần phải xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước. Phía VPF cũng không mấy mặn mà với phương án này.

Vậy vướng mắc nằm ở đâu? Người ta không tin việc thuê trọng tài ngoại điều hành V-League sẽ hạn chế sự phát triển của trọng tài nội. Nhưng người ta hiểu rằng, nếu thuê trọng tài ngoại cũng đồng nghĩa VFF và Ban Trọng tài động đến “nồi cơm” và sự tự ái của đội ngũ cầm còi trong nước.

Có thông tin cho rằng, đội ngũ trọng tài trong nước sẽ đồng loạt “xin nghỉ” nếu thuê trọng tài ngoại. Các trọng tài nội sẵn sàng nhường lại sân chơi V-League cho VPF với các trọng tài ngoại. Tất nhiên, đấy là những ý kiến mang tính tiêu cực và không phải đại diện cho toàn bộ trọng tài Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đó cũng là tâm tư chung của rất nhiều “vua” sân cỏ khi mà dường như đằng sau những cái sai của trọng tài không đơn thuần chỉ là chuyên môn.

Vấn đề còn ở chỗ, theo tính toán VPF sẽ phải chi khoảng 4.000 USD cho 1 tổ trọng tài ngoại/trận. Số tiền bỏ ra để thuê trọng tài ngoại sẽ rất lớn và phải thanh toán ngay, trong khi chưa ai dám đảm bảo trọng tài ngoại sẽ không sai, hoặc trận đấu sẽ không vỡ.

HLV Triệu Quang Hà vào sân là vi phạm luật chơi

Đấy mới là điều mà VPF buộc phải chấp nhận nói “không” với trọng tài ngoại.

Nhưng trọng tài vẫn trở thành nơi cho các đội bóng trút giận. Trên sân Hàng Đẫy, CĐV SLNA chỉ trích kịch liệt trọng tài Võ Quang Vinh khi không thổi 11m sau tình huống Trọng Hoàng bị trung vệ CLB BĐ Hà Nội đốn ngã trong vòng 16m50.

Tại Thống Nhất, trọng tài Đào Văn Cường cũng có nhiều quyết định chưa chính xác, đặc biệt là trong phối hợp với trợ lý Thành Hưng. Nhưng nóng nhất vẫn là sân Kiên Giang. Trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh đã bị cả đội chủ nhà lẫn đội khách Thanh Hóa chỉ trích kịch liệt sau trận đấu.

K.Kiên Giang cho rằng trọng tài đã xử lý thiếu quyết đoán trước hành vi câu giờ “thô thiển” của cầu thủ Thanh Hóa. Phía bên kia, đội bóng xứ Thanh “tố” trọng tài non tay trước những pha bóng thô bạo của đội chủ nhà. Thậm chí, ông này đã từ chối 1 bàn thắng hợp lệ của đội Thanh Hóa trong hiệp 1.

Để rồi đỉnh điểm của sự cố là việc HLV Triệu Quang Hà và các cầu thủ dự bị Thanh Hóa tràn vào sân ngăn cản cầu thủ đội nhà thì ít mà phản đối cách cầm còi của trọng tài là nhiều. Phó Chủ tịch CLB Thanh Hóa cũng nhảy vào sân chỉ thẳng tay vào mặt “vua” sân cỏ với thái độ như ăn sống, nuốt tươi.

Ở đây chưa vội bàn về cách cầm còi của trọng tài Công Khanh đúng hay sai, có ưu ái đội nào không? Nhưng có nhiều cái sai và hành động phản cảm rất rõ ràng. Trong đó có cảnh ông sếp Phó Thanh Hóa vào sân chửi mắng trọng tài và HLV Triệu Quang Hà dẫn quân dự bị tràn vào sân như là để gây sức ép…

Đội Thanh Hóa rời sân trong hàng rào an ninh

Chưa hết, do có hành động không đẹp với cầu thủ nằm sân Thanh Hóa nên nhân viên Y tế sân Kiên Giang đã bị cầu thủ xứ Thanh đuổi đánh. May mà anh này là VĐV điền kinh nên nhanh chân chạy thoát.

Sau trận, khán giả Kiên Giang quây đội Thanh Hóa. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã cảnh giác, kịp thời đưa đội khách an toàn rời sân. Tránh được sự cố như sân Thống Nhất, cầu thủ và xe chở đội Thanh Hóa bị tấn công.

Đấy là những cái sai rất lớn, là những hành động phản ứng rất thiếu chuyên nghiệp nhưng lại thường xuyên xuất hiện ở V-League mà trước đó những nhà tổ chức cố gắng đặt tên là Super League. Nhưng tại sao những hành động đó được lặp lại nhiều lần?

Bởi những người có trách nhiệm đã không xử hoặc không dám xử những cái lỗi tương tự như thế. Chẳng hạn, BTC sân Chi Lăng đã vi phạm quy định đảm bảo an ninh, an toàn trận đấu trong trận SHB Đà Nẵng gặp K.Kiên Giang.

Nhưng sau đó BTC không bị phạt do trọng tài Hoàng Anh Tuấn đã quyết định sai khi công nhận bàn gỡ hòa 2-2 của đội khách. HLV Lê Huỳnh Đức cũng không bị xử lý. Đấy là “căn bệnh” lâu năm của V-League khi mọi thứ vẫn chưa được tách bạch rõ ràng.

Nói như thế để thấy rằng, V-League vẫn chưa có được sự chuyên nghiệp đồng bộ. Thuê trọng tài ngoại hay không cũng không thể cứu vãn được tình hình khi mà sân chơi chuyên nghiệp vẫn tồn tại quá nhiều yếu tố nghiệp dư.

Đức Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục