Việt Nam và giấc mơ HCV SEA Games: Có với người ta… rồi thôi

22:28 Thứ hai 25/11/2019

TinTheThao.com.vnNhiều ý kiến cho rằng Sea Games có nên được duy trì khi mà khâu tổ chức của kỳ đại hội cấp khu vực này luôn bị đặt dấu hỏi về tính chuyên nghiệp...

Trước khi môn bóng đá nam của Sea Games 30 khởi tranh, HLV U22 Thái Lan ông Akira Nishino nói rằng đây không phải là giải đấu dành cho các cầu thủ chuyên nghiệp. Nếu là như vậy thì chiếc HCV này có đáng cho chúng ta phải dốc toàn lực để có cho bằng được hay không?

Dân gian ta có câu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên có thể hiểu được sự khó chịu của cả nền bóng đá Việt Nam khi mà 60 năm qua chưa một lần nào chúng ta có được tấm HCV môn bóng đá nam. Ngay cả Indonesia, Myanmar, Malaysia đều có ít nhất hai lần vô địch còn Thái Lan thì khỏi phải nói bởi họ là trùm giải đấu này với 15 lần bước lên vị trí cao nhất. Vậy mà Việt Nam - nơi luôn tự hào có đẳng cấp bóng đá chỉ thua Thái Lan nhưng chưa lần nào làm nên chuyện. Phải chăng vì lẽ đó mà chiếc HCV Sea Games cứ ám ảnh bao thế hệ Việt Nam để rồi giờ đây khi mà người Thái chỉ “tham dự cho vui” thì Việt Nam lại đem binh hùng tướng mạnh quyết một lần thay màu huy chương?

 - Bóng Đá

 Việt Nam từng nhiều lần thua ở chung kết Sea Games. 

Nhưng như HLV của Thái Lan đã nói thì giải đấu này có thực sự là nghiệp dư và có đáng để Việt Nam đánh đổi nhiều thứ?

Ngoài việc môn bóng đá nam Sea Games không nằm trong hệ thống của FIFA đã khiến cho nó mất đi giá trị ban đầu thì ngay việc bốc thăm đã mang đặc thù ao làng. Khi mỗi kỳ tổ chức là một kiểu bốc thăm và chủ nhà thường có đặc quyền được chọn bảng nhẹ để đá.

Với chủ nhà Philippin năm nay cũng không ngoại lệ với những quy định cũng khá là “”trời ơi” đậm chất vùng miền. Ví như việc quy định mỗi đội chỉ có 20 cầu thủ và sau hạn đăng ký thì dù cầu thủ nào bị chấn thương thì đội đó cũng đành chịu. Do đó mới có chuyện ban đầu Thái Lan xuất quân chỉ với 19 cầu thủ. Nhưng cuối cùng họ cũng lách luật thành công để gọi thêm một cầu thủ khác. Ngoài Sea Games ra thì có giải nào như vậy hay không?

 - Bóng Đá

 Người không có tên vẫn được đá ngay từ đầu.

Kế đến là lịch thi đấu cũng thuộc dạng đánh nhanh rút gọn. Như tuyển U22 Việt Nam, từ ngày 25/11 đến 5/12, chỉ trong vòng 11 ngày mà thầy trò Park Hang Seo phải đá tổng cộng 5 trận, trung bình hơn 2 ngày một trận. Với cường độ như vậy làm sao cầu thủ kịp hồi phục để đảm bảo chất lượng trận đấu?

Dẫu biết rằng khả năng tổ chức tùy thuộc vào kinh nghiệm, tài chính và sự chu đáo của nước chủ nhà nhưng đến ngày khởi tranh mà không ít đội tuyển chẳng có chỗ để nghỉ ngơi, khu họp báo chỉ là những bức tường thô sơ không hình ảnh…thì ai dám nghĩ đây là kỳ đại hội khu vực Đông Nam Á hay là giải đấu …cấp huyện?

 - Bóng Đá

 Những sai sót khó chấp nhận được.

Trong trận đấu giữa Việt Nam và Brunei, Faiq Bolkiah (cháu quốc vương Brunei) dù không có tên trong danh sách ra sân ngay từ đầu nhưng anh vẫn được đá cho đến hết trận. Vậy tính chuyên nghiệp ở đâu?

Và cũng trong trận đấu này, khán giả xem trên tivi có thể thấy rõ xung quanh sân vận động những vườn …chuối xanh ngát gợi nhớ cảnh vùng quê Việt Nam. Qua đó mới thấy cơ sở vật chất quá hạn chế của nước chủ nhà. Không những vậy, liên tiếp việc trên màn hình hiện sai tên cầu thủ Việt Nam vào thay người (Đình Trọng không có mặt vẫn được gọi tên) đủ thấy BTC nghiệp dư ra sao.

 - Bóng Đá

 Với HLV người Nhật Bản thì Sea Games chỉ là giải nghiệp dư. 

Với chừng đó chuyện bi hài thì chúng ta nên hiểu sự chê bai của HLV Thái Lan là có cơ sở. Thôi thì dù sao Việt Nam cũng đã đem gần nửa đội hình của tuyển quốc gia để đá Sea Games thì hãy quyết tâm giành cho được chiếc HCV (kẻo lại bị chê cười đến giải ao làng cũng không giành được) để bằng bạn bằng bè rồi sau đó….đừng nhớ tới nó nữa. Cứ như người Thái, tham dự cho vui là chính.

Cát Tường | 22:31 25/11/2019
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục