Việt Nam: Khi bóng đá là hồn dân tộc

16:39 Thứ ba 20/11/2012

Việt Nam có hàng triệu người hâm mộ bóng đá, họ là fan của những M.U, Barca, Real, Chelsea, Arsenal, Milan, Inter,... hay là Brazil, Đức, Pháp, Hà Lan,… nghĩa là trong rất nhiều các trận đấu, họ trở thành “hai bên chiến tuyến”, thậm chí bài bác, xung đột với nhau vì tình yêu bóng đá. Nhưng, có một điều kỳ diệu, đó là cứ mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu, hàng triệu trái tim ấy lại như đập chung một nhịp. Gạt hết những bất đồng mâu thuẫn thường nhật, xóa đi những ranh giới về sở thích cá nhân, còn lại duy nhất một niềm tự hào lớn hơn bất cứ niềm tự hào nào khác: niềm tự hào dân tộc.

Chúng ta là người Việt Nam

Từ đứa trẻ cho đến ông già, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi về sau, những người Việt Nam đã yêu bóng đá từ năm 2008 sẽ không bao giờ quên thời khắc đó. Đó là 90 phút mà trong tâm hồn mỗi người không còn những Ronaldo, Rooney, Messi, đó là cú đánh đầu của một Công Vinh “vô danh” với thế giới, nhưng được nhớ mãi như mồi lửa làm nổ tung những hàng ghế trên sân Mỹ Đình, ghi dấu cột mốc vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Cảm giác đó mỗi khi nghĩ lại người ta vẫn lâng lâng, mỗi khi xem lại video người ta vẫn thấy mặt mình nóng lên, trái tim thổn thức, và rưng rưng một niềm kiêu hãnh tuyệt vời.

Bóng đá làm tất cả gần nhau hơn. Ảnh: Internet.

Đã bao nhiêu người đổ ùa ra đường, đã bao nhiêu người hát những khúc ca bình thường không bao giờ hát, đã bao nhiêu người Inter ôm lấy những người Milan, bao nhiêu người Barca ôm lấy những người Real trong giờ phút vinh quang ấy. Việt Nam vô địch, từ người điềm tĩnh nhất cũng thấy mình hò reo nhảy nhót như đứa trẻ, ông già cũng hóa thanh niên khua chiêng gõ trống, những cô gái bạo dạn hơn, những chàng trai cháy cổ vì hô vang tên Tổ quốc, những con phố không ngủ chảy những dòng cờ đỏ sao vàng rực rỡ tràn đêm…

Có lẽ, đó là những cảm xúc không thể có dù ta xem bóng đá ở đâu, dù đội nào đăng quang Champions League, dù EURO, World Cup thuộc về ai… Những tình yêu cá nhân kia sao trở nên quá nhỏ bé trước tình yêu Tổ quốc, mà bóng đá là sợi dây gắn kết mộc mạc, bình dân nhất. Từ anh kỹ sư, bác trưởng phòng, cho tới người bán phở, công nhân, từ bà lão bảy mươi cho đến chú nhóc lớp ba, từ những người ghét nhau cho đến những người yêu nhau, không một sức mạnh nào có thể ngăn họ hòa vào đám đông, ôm lấy nhau mà gào thét bất kể ngày mai sẽ đến thế nào. Trong đầu họ, trong tim họ chỉ còn duy nhất bốn từ “Việt Nam Vô Địch!”.

Tình yêu bất tận

Tình yêu đôi lứa cũng có thể nhạt phai theo năm tháng, tình yêu với một câu lạc bộ, một tuyển quốc gia hàng đầu thế giới có lúc cũng chông chênh khi thời thế đổi thay, nhưng dù đi đâu về đâu, người ta vẫn chẳng thể thôi yêu đất nước nơi mình sinh ra, nơi mình sống những tháng năm cuộc đời đầy gắn bó. Ở đó có những người cùng màu da, cùng tiếng nói, ở đó có truyền thống hào hùng chảy trong dòng máu Việt, ở đó có gốc gác cội nguồn, có một phần bám rễ trong mỗi con tim, chẳng cứ riêng với những người xem bóng đá.

Việt Nam là đất nước chưa giàu, người dân còn lắm khó khăn. Việt Nam là đất nước mà bóng đá còn rối ren, còn chập chững trên con đường chuyên nghiệp. Việt Nam trên đà đi lên nói chung vẫn nhiều tồn tại, hạn chế, xã hội vẫn tràn ngập những khó khăn chung, và những khó khăn riêng. Nhưng, người Việt Nam vẫn yêu đội tuyển Việt Nam, yêu đội tuyển nằm ngoài top 100 thế giới ấy bằng trọn vẹn tâm hồn. Dù những cầu thủ ấy có ai quen? Dù V-League có mấy người theo dõi? Chẳng sao cả, miễn là các anh chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, xứng đáng đại diện cho tinh thần Việt Nam khi bước ra các đấu trường, hàng triệu người sẽ ở sau lưng ủng hộ các anh, không chỉ trong những chiến thắng vinh quang, mà ngay cả trong những thất bại kiêu hùng.

Những giọt nước mắt năm 1998 vẫn làm “thế hệ vàng” sống mãi, những giọt nước mắt 10 năm sau đó vỡ òa vì “thế hệ bạc” lại bất khuất lên ngôi. Cho tới hôm nay, dư âm của những thời khắc lịch sử đã qua vẫn chẳng thể nào nguội lạnh. Một khi nó thuộc về Việt Nam, một khi nó thuộc về dân tộc, nó đã ngấm vào máu, trở thành dấu mốc thăng hoa, sáng rực giữa muôn ngàn dấu mốc của cuộc đời, giữa những thế hệ khác nhau, những cảnh sống khác nhau, những con người khác nhau. Tình yêu ấy vẹn nguyên, tình yêu ấy dạt dào, tình yêu ấy cứ lớn dần theo năm tháng, kể cả khi vui sướng tột cùng, kể cả sau muôn trùng thất vọng. Nỗi đau rồi sẽ qua, những phút quay lưng rồi cũng hết, những ký ức buồn rồi sẽ lại phải ra đi, nhường chỗ cho những trái tim yêu bóng đá Việt đập tiếp những nhịp rộn rã mỗi mùa AFF. Người Việt Nam là thế, bóng đá Việt Nam là thế, nó là hồn, là máu, là niềm tự hào bất diệt của hàng triệu con tim.
Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục