Việt Nam đăng cai Asiad 18: Do kinh phí thấp nhất?

10:57 Thứ bảy 10/11/2012

Yếu tố tưởng chừng là điểm yếu lại trở thành lợi thế của đề án đăng cai Asiad 18 mà thủ đô Hà Nội là thành phố đại diện. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, việc đề xuất một Asiad tiết kiệm nhất đã thuyết phục được Hội đồng Olympic châu Á (OCA).

Chiến thắng của sự dũng cảm

Cuộc đua giành quyền đăng cai Asiad 18-2019 không ngờ lại có một kết cục khá chóng vánh sau khi Dubai (UAE) rút lui vào phút chót. Trước đó, lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc cũng đã xin thôi khiến cho cuộc đua thật sự chỉ còn Hà Nội và Surabaya (Indonesia). Và trong cuộc “đấu tay đôi” này, Hà Nội chiếm quá nhiều lợi thế khi đã tổ chức thành công SEA Games 2003 với cơ sở vật chất vẫn còn hiện đại trong khi ở đề án của Surabaya mọi thứ đều nằm ở thì tương lai.

Tuy nhiên, điều tiên quyết nhất khiến OCA chọn Việt Nam lại nằm ở mức ngân sách dự trù thấp kỷ lục. Nó cho thấy, Việt Nam đã lường trước các khó khăn về kinh tế và thuyết phục OCA nên hướng về một kỳ Asiad tiết kiệm hơn là hoành tráng.

Bài học về các kỳ Asiad trước đó đã cho thấy, càng tốn nhiều tiền tổ chức thì càng không hiệu quả khi con số thâm hụt ngân sách rất lớn tạo áp lực lên các quốc gia đăng cai. Đó là lý do mà hàng loạt ứng cử viên đã phải rút lui trước giờ bỏ phiếu khi không thể gánh nổi các khoản chi phí khổng lồ dự kiến. Trong khi đó, đề án của Việt Nam chỉ tập trung vào khai thác, nâng cấp các cơ sở có sẵn. Trên tinh thần đó, với sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, OCA nhìn thấy sự chắc chắn của đề án do Hà Nội trình lên.

Việt Nam tổ chức thành công Asian Indoor Games 2009. Ảnh: Nguyễn Nhân

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, sức hút của Asiad không được đánh giá cao ở các quốc gia phát triển, vốn đang nhắm đến việc đăng cai các sự kiện tầm vóc lớn hơn như Olympic, World Cup bóng đá. Trong khi Việt Nam lại đặt kỳ vọng lớn lao vào Asiad nhằm nâng cao hình ảnh quốc gia. Triển vọng ấy là yếu tố then chốt để OCA tin vào sự thành công của Asiad 18.

29 phiếu chọn Việt Nam

Theo kết quả, thủ đô Hà Nội thắng lợi nhờ giành được 29 phiếu ủng hộ. Trong khi đó, thành phố cạnh tranh trực tiếp Surabaya (Indonesia) chỉ có 14 phiếu. Asiad 18 sẽ có 35 môn được tổ chức (trong đó có 28 môn Olympic bắt buộc theo đúng quy định của OCA).

Được biết, Hà Nội sẽ là địa điểm tổ chức thi đấu chính nhưng chúng ta còn có 14 địa điểm tổ chức phụ của đại hội, dự kiến gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ.

Tại Asiad 18, dự kiến có sự tham dự của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực với 12.000 VĐV, 1.000 quan khách, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000 - 3.000 phóng viên. Chủ nhà Việt Nam đặt chỉ tiêu đoạt 10-16 HCV, xếp từ hạng 6 đến hạng 10.

Sau khi ký kết hợp đồng tổ chức với OCA, Bộ VH-TT-DL, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ cùng nhau xây dựng đề án tổ chức trình Thủ tướng cho phép thành lập Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Asiad 18.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh: Tôi sợ không kịp… 

Ngay từ thời điểm Việt Nam có ý định đăng cai Asiad 18, ông Nguyễn Hồng Minh là một trong những người đã phản đối ý định này. Giờ Việt Nam chính thức được đăng cai, ông Minh đã đưa ra những ý kiến trên tinh thần xây dựng, nhằm giúp các nhà lãnh đạo thể thao nước nhà lường được những khó khăn sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

* Phóng viên: Ông có bất ngờ không khi Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 18?

* Ông Nguyễn Hồng Minh: Tôi hoàn toàn không bất ngờ, thậm chí còn dự đoán trước là Việt Nam sẽ được chọn.


* Chúng ta có nhiều lợi thế hơn các đối thủ, thưa ông?

* Đó là một phần, phần còn lại tôi cho rằng các quốc gia trong châu lục giờ không còn hào hứng với việc tổ chức Asiad nữa. Nếu như những năm trước đây, Việt Nam chắc chắn không có cơ hội nhưng ở hoàn cảnh hiện tại thì dễ thôi. Việc Đài Loan-Trung Quốc và UAE rút lui phút chót, cho thấy những quốc gia này đã có những tính toán về tình hình tài chính sẽ còn khó khăn trong nhiều năm tới.


* Ý ông là chúng ta đang mạo hiểm khi đứng ra đăng cai Asiad ở thời điểm này?

* Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải lui lại 4 năm, thậm chí là 8 năm nữa, chờ cho nền kinh tế phục hồi. Chưa ai biết trong 7 năm tới nền kinh tế sẽ như thế nào.


* Như vậy thách thức lớn nhất lúc này chính là vấn đề tài chính?

* Đúng vậy, trong điều kiện mà nước ta đang còn nhiều khó khăn, việc tổ chức một đại hội thể thao lớn nhất khu vực có thể sẽ trở thành gánh nặng kinh tế.


* Ông có quá bi quan?

* Tôi nói vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi chúng ta có những bài học trong quá khứ. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Olympic Mátxcơva 1980 cũng tốn một khoản kinh phí khổng lồ. Lần tổ chức ở Hy Lạp năm 2004 mới thực sự tồi tệ và sau đó nước này đã bị vỡ nợ. Còn ở Olympic Bắc Kinh 2008, dù BTC nước chủ nhà có sự tính toán rất kỹ nhưng con số dự trù khoảng 22 tỷ USD đã thành 48 tỷ USD sau khi quyết toán. Bản thân Việt Nam có những khoản đến giờ vẫn chưa thanh toán được kể từ lần tổ chức đại hội châu Á trong nhà năm 2009.

* Như vậy con số 150 triệu USD đưa ra là không sát thực tế?

* Đúng vậy, chúng ta có rất nhiều thứ phải sử dụng đến kinh phí. Khoản tiền đó mới chỉ là xây dựng và tu sửa các địa điểm thi đấu, trong khi để chuẩn bị cho Asiad còn rất nhiều hạng mục khác. Nếu không tính hết các khoản này, chúng ta sẽ gặp rắc rối hậu Asiad.


* Còn vấn đề chuẩn bị lực lượng VĐV, đội ngũ điều hành... liệu có kịp?

* Theo tôi nếu không bắt tay vào ngay lúc này và có một kế hoạch chu đáo thì khó có thể kịp được. Điều cần làm ngay lúc này là ngành thể thao phải xin Chính phủ một chương trình đào tạo VĐV, tạo ra một thế hệ mới đủ sức tranh tài vào 7 năm tới. Trước đó, chuẩn bị cho SEA Games 22 chúng ta cũng mất 8 - 10 năm, giờ làm có khi đã muộn. Nói thì dễ thế thôi nhưng bắt tay vào làm sẽ khó khăn, bởi để tìm ra tài năng đã khó, chưa kể chuyện đầu tư để các VĐV này thành tài, đủ sức tranh chấp huy chương.

* Ngoài ra còn lực lượng điều hành, với số lượng và trình độ hiện tại, liệu có đủ để Việt Nam tổ chức tốt đại hội?

* Ở mỗi kỳ Asiad, số người điều hành luôn tối thiểu phải 10.000 - 15.000 người. Trong khi nền thể thao Việt Nam, các liên đoàn đều hết sức yếu kém, tổ chức các giải trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Như vậy, cũng phải đặt ra thêm bài toán là phải củng cố các liên đoàn, lại thêm một khoản kinh phí không nhỏ nữa.


* Theo ông, mục tiêu đoạt 10-15 HCV để lọt vào tốp 10 như ý kiến của ông Hoàng Vĩnh Giang có khả thi?

* Đó là hoang tưởng, không có cơ sở. Chúng ta mới có 2 HCB tại sân chơi Olympic, còn Asiad gần nhất có đúng 1 HCV ở môn karatedo. Cứ cho là trên sân nhà sẽ có nhiều lợi thế, nhưng phải nhìn thấy được lực lượng lúc đó là ai. Tôi nghĩ chúng ta chỉ lọt vào tốp 15 cũng đã là thành công.


* Rõ ràng là với những ý kiến trên đây, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức hơn là thuận lợi. Cá nhân ông cho rằng Việt Nam có tổ chức thành công Asiad 18?

* Chúng ta đã ở thế ngồi trên lưng hổ rồi và dù thế nào thì cũng phải lao về đích. Cá nhân tôi có những lo lắng hơn là sự kỳ vọng. Tôi cho rằng những lo lắng đó có cơ sở và mang tính xây dựng. Chúng ta không thể làm mà không tính toán kỹ lưỡng mọi thứ, bởi không ai tính được hết hậu quả. Vì vậy, chúng ta cần phải dựa vào sự ủng hộ của Chính phủ, người dân và OCA để khắc phục những khó khăn. Tôi xin nhấn mạnh lại: Các nhà quản lý cần phải có những cái nhìn rất thực tế với tình hình thực tiễn. Diễn biến có thể khó lường, chưa thể nói trước được điều gì lúc này.

Yến Phương, Hữu Tú | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục