Vì sao quần vợt Việt Nam mãi quẩn quanh "ao làng"?

14:09 Thứ hai 17/10/2016 | 3

TinTheThao.com.vnNhững lục đục ở khâu thượng tầng khiến quần vợt Việt Nam không thể vươn tầm trong nhiều năm qua.

nam3

 Nhiều năm qua quần vợt Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Ảnh: Internet.

Trong lúc nhiều ngôi sao đổ về châu Á để tham dự các giải quần vợt đẳng cấp cao, thì không khí ở Vietnam Open 2016 diễn ra khá đìu hiu. Lý do không chỉ bởi giải này mới nằm ở cấp độ Challenger của ATP (tay vợt vô địch chỉ được nhận 90 điểm), mà còn bởi giải đấu bị chính báo giới và người hâm mộ trong nước quay lưng, bất chấp những nỗ lực của Ban Tổ chức.

Dù được quảng bá là có sự tham dự của tay vợt xếp hạng 55 thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ Malek Jaziri, người từng lọt vào tới vòng 3 của Australian Open 2015 hay Sergiy Stakhovsky của Ukraine, người đã hạ gục Roger Federer ở Wimbledon 2013, song thông tin về Vietnam Open 2016 xuất hiện trên mặt báo còn ít hơn cả giải bóng đá phong trào đang diễn ra song song. Thậm chí, có tờ còn chẳng có dòng nào cho Vietnam Open 2016. Thay vào đó là chỉ trích nhắm vào lãnh đạo Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF), kiểu như VTF chỉ là sân sau của một công ty du lịch.

Những cuộc đấu đá như thế không xa lạ gì với quần vợt Việt Nam, bởi năm nào nó cũng diễn ra. Người đọc thì dường như thích thú với những dòng tin gây sốc kiểu này, hơn là xem các tài năng trẻ Lý Hoàng Nam hay Nguyễn Hoàng Thiên đã tích lũy thêm được bao nhiêu điểm trên bảng xếp hạng ATP.

Chính vì nội bộ bất ổn mà Vietnam Open 2016 từng có nguy cơ đổ bể, khi một nhà tài trợ lớn rút lui vào phút cuối khiến Ban Tổ chức phải ngược xuôi tìm người thay thế. Mãi đến phút chót, một ngân hàng mới xuất hiện, cứu cho Vietnam Open 2016 một bàn thua trông thấy.

Có một sự thật là cho dù có được hứa trả nhiều tiền đi chăng nữa, các siêu sao cũng khó lòng nhận lời đến thi đấu tại các quốc gia hầu như vô danh trên bản đồ của làng tennis thế giới. Bởi mỗi năm những người như Novak Djokovic hay Roger Federer nhận được hàng chục lời mời tương tự, nên họ sẽ phải chọn lọc, căn cứ vào lịch thi đấu của mình. Kinh nghiệm của Trung Quốc, Singapore hay Thái Lan cho thấy, việc mời các siêu sao đến thi đấu, dù chỉ mang tính biểu diễn, cũng được coi là một cách quảng bá hình ảnh, thúc đẩy du lịch vô cùng hữu hiệu.

Thế nhưng, chuyện đó ở Việt Nam chỉ là điều viễn vông. Những người chỉ trích lãnh đạo của VTF chuyên quyền nên đã ngăn trở quần vợt Việt Nam phát triển. Chính những đấu đá ở thượng tầng của VTF đã khiến các nhà tài trợ nản chí. Không có giải đấu cũng sẽ không có phong trào, không có vận động viên, không có thành tích và quần vợt Việt Nam mãi chỉ là cái bóng mờ trên bản đồ quốc tế.

Cũng có thể người hâm mộ ở các thành phố lớn đã quá no nê khi liên tục được xem các giải đấu đẳng cấp cao như Grand Slam hay ATP 1000 trên TV nên không mặn mà gì với giải đấu. “Song việc nội bộ làng quần vợt xào xáo khiến chính những người như chúng tôi ngao ngán nói gì đến khán giả”, vị nhà báo cảm thán nhận xét.

Nam Anh (Tổng hợp) | 14:10 17/10/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục