Vận động viên & Chuyện quốc ca: Giỏi chưa đủ, phải biết hát nữa!

16:41 Thứ năm 02/08/2012

Hát là một “nhu cầu” cơ bản sinh ra từ cảm xúc và quốc ca được xem như phương tiện để một công dân chứng minh cảm xúc phát sinh từ lòng yêu nước của anh ta, nhưng có phải lúc nào một vận động viên cũng cần phải biểu thị quyết tâm thi đấu bằng cách gân cổ lên trước các ống kính truyền hình?

Ryan Giggs, đội trưởng của đội tuyển bóng đá Vương quốc Anh cùng các cầu thủ xứ Wales khác trong đội hình, đã phải nếm trải sự cay nghiệt của truyền thông Anh vì không hát “God save the Queen” (Chúa phù hộ Nữ hoàng) tại Olympic 2012.

Trước thềm giải, HLV trưởng đội tuyển điền kinh Vương quốc Anh Charles van Commenee, cũng đã đảm bảo rằng tất cả các VĐV điền kinh của Vương quốc Anh phải học thuộc đầy đủ lời của quốc ca Anh, để tránh việc lặp lại “tai nạn” của đội trưởng đội chạy vượt rào nữ Tiffany Porter ở giải vô địch thế giới trong nhà vào tháng Ba: Cô này thừa nhận mình chỉ thuộc lõm bõm vài câu của bài “God save the Queen” và nghĩ rằng điều này là không cần thiết. Porter là một VĐV da màu gốc Mỹ.

Dư luận Anh cũng từng kêu gọi HLV trưởng tuyển Anh Roy Hogdson hãy thẳng tay loại Steven Gerrard và Wayne Rooney khỏi đội hình nếu hai anh này, vốn không được hay hát cho lắm, không mở mồm ra trong các trận của đội tuyển Anh ở EURO 2012. Đi xa hơn nữa, Liên đoàn bóng đá Serbia từng đuổi tiền vệ Adem Ljajic khỏi tuyển vì anh này đã không hát quốc ca trong trận giao hữu với Tây Ban Nha, không cần thêm lý do nào khác.

Đến một cầu thủ xuất chúng như Lionel Messi (ngoài cùng bên phải) cũng từng gặp rắc rối vì “tội” không hát quốc ca- Ảnh Getty

Trong danh sách các VĐV khốn khổ vì không hát quốc ca có cả cầu thủ số một thế giới Lionel Messi. Tại Copa America năm ngoái, truyền thông Argentina đã vin vào cái cớ này để chỉ trích kịch liệt màn trình diễn của anh ở tuyển, thậm chí còn cho rằng Messi đã trở thành một người Catalunya, không phải Argentina.

Nhà thiết kế Giorgio Armani thậm chí đã nghĩ ra giải pháp “mách nước” cho các VĐV bằng cách in lời quốc ca Italia lên trang phục dự Olympic của họ, không chỉ ở bên ống tay và trong túi quần, mà ngay cả áo khoác lẫn áo nỉ tập của họ cũng mang theo lời của “Il Canto degli Italiani”. Armani lý luận: “Thể thao là thứ biểu thị lòng yêu nước rõ ràng nhất và quốc ca truyền cảm hứng cho niềm tự hào quốc gia”.

Vận động viên có cần phải biết hát?

Đúng, quốc ca có thể kích thích cảm hứng thi đấu và thật tự hào khi được nhìn thấy các VĐV hát vang lời của nó trước mỗi lần thi đấu, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng năng lực thể thao không phải lúc nào cũng đi kèm với sự thông minh ngôn ngữ và… khả năng ca hát, cũng như việc thái độ khi hát quốc ca không đi kèm với thái độ thi đấu và sự thành công trong thể thao.

Nghi thức là phương tiện, không phải bản chất của thể thao. Hãy nhớ là bục podium, lễ kéo cờ và cử quốc thiều xuất hiện lần đầu tiên tại Olympic 1936 tại Berlin, một giải đấu lại là công cụ để độc tài Hitler truyền bá tư tưởng chủng tộc thượng đẳng. Tại World Cup 1998, người sáng lập Đảng cực hữu của Pháp, ông Jean-Marie Le Pen, đã từng chỉ trích đội tuyển Pháp vì nhiều tuyển thủ không thuộc La Marseillaise (quốc ca Pháp). Nhưng đội áo lam với rất nhiều cầu thủ không có gốc Pháp ấy đã đem về cho nước Pháp chiếc Cúp thế giới đầu tiên trong lịch sử, và chiến thắng của họ khi ấy lại được coi như một biểu tượng đa sắc tộc đáng trân trọng của nước Pháp.

Đội tuyển bóng đá Đức, một đất nước đã từng bị ám ảnh bởi tư tưởng dân tộc cực đoan, cũng nhiều lần rơi vào tranh cãi khi dự các giải đấu lớn, khi các cầu thủ không phải gốc Đức (thường là Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…) trong đội hình không hát quốc ca. Nhưng chính những cầu thủ ấy lại là xương sống cho quá trình tái sinh của bóng đá Đức trong nửa thập kỷ qua, như Miroslav Klose, Lukas Podolski, và bây giờ là Mesut Oezil, Sami Khedira…

Tiffany Porter, người chỉ thuộc lõm bõm “God save the Queen”, vẫn được Charles van Commenee, HLV tuyển điền kinh Vương quốc Anh, chọn làm đội trưởng, vì “khả năng lãnh đạo, các kỹ năng thể thao và uy tín, không dựa trên năng lực nhớ từ và kỹ năng thanh nhạc của cô ấy”.

Trong buổi lễ tròn một năm mừng TBN vô địch thế giới, khi được hỏi rằng liệu nói chuyện riêng trong lúc quốc thiều được cử lên có phải hành vi không yêu nước hay không, HLV Vicente Del Bosque đã trả lời rằng “một cầu thủ bóng đá, thì cứ là một cầu thủ bóng đá thôi”.

Chỉ tiếc là đôi khi, chúng ta kỳ vọng đến… cay nghiệt rằng một VĐV cũng phải là một ca sĩ hát quốc ca chuyên nghiệp, dù biết rằng sự chính xác và hào sảng khi hát của họ không đi kèm với đam mê thể thao và trách nhiệm của họ trong những cuộc tranh tài.

Quốc ca bị nhầm thành… nhạc phim hài

Đôi khi, các “tai nạn” liên quan đến nghi thức thuộc về Ban tổ chức các giải đấu quốc tế. Tại Olympic năm nay, Ban tổ chức đã đưa nhầm quốc kỳ Hàn Quốc lên màn hình lớn trên sân vận động Hampden Park ở Glasgow (Scotland) thay vì quốc kỳ CHDCND Triều Tiên trước trận đấu bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên gặp Colombia, khiến phía Triều Tiên tức giận và bỏ ra khỏi sân. Vào tháng Sáu năm nay, tại giải hockey nữ London Cup, trước trận đấu giữa đội tuyển Nam Phi và Vương quốc Anh, phía Anh cũng đã cử nhầm bản quốc ca tồn tại từ thời kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, "Die Stem, thay vì bản quốc ca hiện tại của Nam Phi là "Nikosi Sikelel' iAfrika". Tương tự, không ai có thể quên được khuôn mặt đỏ rần vì tức giận của nữ VĐV bắn súng người Kazashstan Maria Dmitrienko (ảnh) tại một giải vô địch bắn súng được tổ chức ở Kuwait vào tháng Ba năm nay. Ban tổ chức giải đã phát nhầm quốc ca Kazakhstan thành một bản nhạc “chế” quốc ca của nước này, vốn là nhạc của một bộ phim hài có tên “Borat” từng bị cấm trình chiếu ở Kazakhstan vì những hình ảnh bị cho là dung tục. Ban tổ chức sau đó giải thích rằng họ đã nhầm khi tải quốc ca Kazakhstan từ trên… Internet.
Phạm An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục