US Open 2012: Cỗ máy kiếm tiền bắt đầu lăn

13:20 Thứ sáu 31/08/2012

Nếu xem tennis là một ngành công nghiệp, các giải đấu là cỗ máy in tiền thì US Open mới là Grand Slam lớn nhất trong năm.

Đại lộ thời trang thành… sân đấu chính

Novak Djokovic bước ra từ chiếc xe hơi đen bóng đậu ở góc đại lộ số 5 ở New York, hàng trăm người hâm mộ chờ sẵn ở đó hò reo tên anh như thể ngôi sao người Serbia lại chiến thắng thêm một Grand Slam nữa.

Địa chỉ mà Djokovic tới thăm ấy là một cửa hàng quần áo khổng lồ của hãng Uniqlo đến từ Nhật Bản vừa mới khai trương được hơn một năm, trên con đường trục “5th Avenue”, tuyến phố mua sắm sầm uất bậc nhất New York (và có lẽ là cả thế giới). Uniqlo dù đã là một tên tuổi lớn của thời trang Nhật Bản, có tới hơn 1.000 cửa hàng trên khắp thế giới (chủ yếu ở châu Á), nhưng cửa hàng có diện tích gần 9.000 mét vuông nói trên mới chỉ là cái thứ hai ở Mỹ.

Kế hoạch và tham vọng của Uniqlo là không cần che giấu: Họ bỏ ra 300 triệu USD để thuê một mặt bằng có hai mặt tiền trong thời gian 15 năm và biến nó thành cửa hàng lớn nhất để có thể phát triển thương hiệu ở Mỹ, rồi sẽ tăng cường hiện diện trên khắp nước Mỹ với mục tiêu tăng doanh thu lên tới 10 tỉ USD trong năm 2020.

Djokovic là một công cụ đặc biệt trong chiến dịch ấy. Không biết Uniqlo đã trả bao tiền nhưng hẳn phải là một con số rất lớn khiến tài năng số một của quần vợt Serbia không ngần ngại trả lại bản hợp đồng trang phục mới ký với Sergio Tacchini để mặc lên người nhãn hiệu thời trang mới.

Bản thân Djokovic với chức vô địch US Open 2011 qua hai chiến thắng kinh điển trước Rafael Nadal và Roger Federer, đã trở thành một thương hiệu lớn ở thị trường Mỹ. Các nhà kinh tế thể thao ước tính, chức vô địch giải US Open luôn có tiền thưởng thấp hơn Wimbledon, nhưng thường giúp cho các nhà vô địch đơn nam kiếm thêm khoảng 10 triệu USD tiền tài trợ với hình ảnh họ ôm cúp đứng ở Wall Street.

Novak Djokovic (trái) và nhà tài trợ mới Uniqlo- Ảnh Getty

Cách đó không xa, cũng trên Đại lộ 5 trứ danh, hàng trăm người hâm mộ tennis khác khiến cảnh sát đô thành của New York khá bận bịu với việc giữ khoảng cách cho Federer liên tục được xin chữ ký và đề nghị chụp ảnh cùng.

Huyền thoại người Thụy Sĩ ngay sau khi rời bang Ohio, nơi tổ chức giải Cincinnati, đã đi lên New York để chuẩn bị cho US Open và cũng là để hiện diện tại cửa hàng của hãng chocolate Lindt nổi tiếng của Thụy Sĩ.

Và Đại lộ 5 thực sự trở thành một sân Arthur Ashe (sân đấu chính ở US Open) thứ hai ở New York với sự xuất hiện của búp bê Nga Maria Sharapova, đang tự lăng xê cho thương hiệu kẹo của riêng cô, Sugarpova, bày bán ở tiệm Henri Bendal nằm ngay gần ngã tư Đại lộ 5 và Phố 56.

Sharapova ấp ủ dự án sản xuất một thương hiệu kẹo ghép từ hai chữ “đường” với tên của cô đã mấy năm trời nhưng cô không khai trương nó ở Moskva nước Nga quê hương mà lại chọn New York.

Tennis hơn cả Super Bowl Mỹ

Sharapova trong cửa hàng kẹo của cô- Ảnh Internet

Năm ngoái, Hiệp hội tennis Mỹ (USTA) công bố một bản báo cáo do hãng AKRF Inc thực hiện với một khẳng định chắc nịch rằng, tác động kinh tế của US Open còn lớn hơn cả sự kiện Super Bowl, trận chung kết bóng đá kiểu Mỹ (bóng bầu dục). USTA tính rằng mỗi kỳ US Open diễn ra, New York lại thu về được khoảng 750 triệu USD, trong khi người ta ước tính trận Super Bowl tổ chức tại đây năm 2014 sẽ chỉ giúp thành phố thu được khoảng nửa tỉ.

US Open là sự kiện thể thao kéo dài hai tuần (nếu không tính vòng loại), còn Super Bowl chỉ kéo dài trong vài tiếng đồng hồ và nếu tính cả bầu không khí lễ hội thì nó cũng chỉ tối đa là hai ngày. Nhưng Super Bowl là quốc hồn quốc túy của người Mỹ, là sự kiện đã thu hút được tới hơn 100 triệu người Mỹ ngồi trước truyền hình, khoảng một phần ba dân số (năm ngoái), với mỗi 30 giây quảng cáo trên truyền hình trị giá khoảng 3 triệu USD (gấp 6-10 lần giá quảng cáo American Idol hay The Voice), nên vượt qua được sự kiện ấy vẫn làm cho nhiều người Mỹ phải bất ngờ.

USTA thống kê có 700.000 khán giả đã tới xem US Open năm 2011 (và dự kiến sẽ tăng trong năm 2012). Cứ 10 người trong số ấy thì có ba người đến từ ngoài New York và một là người ngoại quốc. USTA khẳng định, những người này tới New York với mục đích trước tiên là để xem US Open, gặp gỡ các ngôi sao hàng đầu. Thời gian họ lưu trú tại New York cũng lâu hơn các khách du lịch thông thường, vì đa phần là những người có túi tiền khá nặng, nên họ chi tiêu cho khách sạn, mua sắm và ẩm thực cũng rất mạnh tay.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục