Tuyển Anh cần một…Donald Trump

21:24 Chủ nhật 13/11/2016

TinTheThao.com.vnBa pha đánh đầu, ba bàn thắng và tuyển Anh có 3 điểm trọn vẹn trước Scotland. Tỷ số 3-0 rõ ràng khiến HLV tạm quyền Gareth Southgate hài lòng vì ông sẽ ghi điểm trước FA và có cơ hội trở thành HLV chính thức của Tam sư. Nhưng đó liệu là viễn cảnh mà CĐV yêu bóng đá Anh mong muốn?

Tuyen-Anh-WC-1

 Đội tuyển Anh thắng 3-0 trước Scotland nhờ vào các tình huống đánh đầu. Ảnh: Internet.

Trào lưu chọn HLV trẻ không còn quá mới mẻ nữa. Trước đó Barcelona thành công cùng Pep Guardiola, Luis Enrique, Đức tạo dấu ấn cùng Jurgen Klinsmann và Joachim Loew. Nhưng với tuyển Anh, việc họ chọn Southgate tạm thời (hoặc cả tương lai) không phải vì kỳ vọng ông trở thành Pep hay Enrique thứ hai mà vì ông là người Anh.

Có một điều khá lạ đang diễn ra trong lòng bóng đá Anh đó là dù nơi đây luôn là nơi quy tụ nhiều HLV hàng đầu nhưng tuyển Anh bao đời vẫn vậy, vẫn diện mạo đó, hình thái đó, tính cách đó. Không đợi đến bây giờ, khi mà Pep Guardiola, Jose Mourinho, Antonio Conte, Jurgen Klopp,…cùng góp mặt, mà ngay từ ngày xưa, Sir Alex Ferguson, Arsene Wenger đều là bậc thầy về chiến thuật và gắn bó rất lâu cùng môi trường bóng đá Anh thế nhưng đội tuyển nước này vẫn mang phong cách riêng của mình, dù là lạc hậu đi chăng nữa.

Trái với nhiều quốc gia khác như Italia mang phong cách Juventus, Tây Ban Nha đá có nét của Barcelona còn Đức được xây dựng trên nền tảng Bayern Munich còn Anh vẫn là Anh, họ không ban bật như Arsenal, không tổng lực kiểu Liverpool và cũng không hiệu quả như Man United. Tạt cánh, đánh đầu vẫn là chiêu thức mà họ thích sử dụng nhất từ Roy Hogdson đến Sam Allardyce giờ là Gareth Southgate.

Có bản sắc, có trường phái riêng không phải là điều xấu, quan trọng bản sắc ấy có mang lại hiệu quả hay không? Với tạt cánh đánh đầu, người Anh chỉ nên xem là vũ khí phòng khi dùng đến chứ đừng chọn nó làm phong cách riêng, bởi nó rất dễ hóa giải và không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả cao nhất. Trước kia Bỉ nổi tiếng với bẫy việt vị, Hà Lan là bóng đá tổng lực,…nhưng dần dần họ cũng đã thay đổi. Bỉ giờ tấn công đẹp mắt. Hà Lan thực dụng hơn nhiều. Đó được xem là những thay đổi tích cực phù hợp với thời cuộc.

Những ngày qua nước Mỹ dậy sóng với việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống đời 45. Trước khi vòng bỏ phiếu diễn ra, báo giới, chuyên gia đều nhận định rằng đối thủ của ông Trump – bà Hillary Clinton - sẽ giành chiến thắng. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Giới phân tích cho rằng ông Trump thắng vì những lời hứa của ông, tính cách của ông thuyết phục được những người kỳ vọng vào một bước ngoặt mang tính lịch sử.

Người dân Mỹ đã quá quen với việc Tổng thống là những chính trị gia thuần túy, lịch lãm, đường hoàng. Nhưng chính sự nghiêm túc đó đôi khi chẳng mang lại sự thay đổi đột phá. Trái lại, ông Trump dù bị xem là kẻ ngoại đạo, không phải là mẫu chính trị gia thường thấy nhưng ở ông có sự táo bạo, quyết liệt và …khác người. Nếu nước Mỹ hơn chục năm qua chẳng khá hơn dưới sự lãnh đạo của George W.Bush, Barack Obama,…thì tại sao không đặt niềm tin vào “kẻ nổi loạn” như Doanld Trump cơ chứ?

Đó cũng là tình cảnh của bóng đá Anh hiện tại. FA cố chấp, bảo thủ nên những người họ chọn cũng mang hơi hướng bảo thủ, cố chấp. Từ Sven - Goran Eriksson, Steven McLaren, Fabio Capello, Roy Hogdson đều thuộc một tuýp người. Chính điều đó đã dẫn đến một loạt thất bại. Thua Brazil một các đáng tiếc ở World Cup 2002. Vắng mặt tại Euro 2008 và thua bẽ bàng tại Euro 2016.

Tuyen-Anh-WC-2

 Tuyển Anh khó thành công nếu vẫn cứ bảo thủ. Ảnh: Internet.

Cái thiếu của tuyển Anh không phải là tham vọng hay tài năng mà là ở một HLV cá tính. Tuyển Anh không cần một triết lý gia hay một nhà sư phạm mà họ cần con người bùng nổ, thậm chí “điên” như Klopp, Conte hay năng động kiểu Pep Guardiola hoặc Loew. Ở những HLV này không chỉ có sự nhạy bén, cách tân và táo bạo trong cách huấn luyện mà còn có thể truyền lửa cho các học trò. Quan trọng hơn hết họ không bị gò bó trong triết lý của người Anh. Southgate có tài nhưng ông là người Anh, huấn luyện đội trẻ Anh, giờ dù dẫn dắt Tam sư chắc cũng chẳng mới mẻ được. Ba bàn thắng bằng 3 pha đánh đầu trong trận vừa qua là dẫn chứng rõ nét nhất.

Nước Mỹ già cỗi nên người ta tìm đến Donald Trump để mong sự tươi mới. Tuyển Anh đã theo khuôn phép người Anh bao năm rồi mà vẫn thất bại tại sao không tìm cho mình một Donald Trump để tạo nên bước đột phá. Thay đổi chưa hẳn đã thất bại.

Cát Tường - Thể thao Việt Nam | 20:40 13/11/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục