Từ cô phụ hồ nghèo đến á quân châu lục

09:25 Thứ hai 16/02/2015

Trong số 10 gương mặt xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam năm 2014, Bùi Thị Thu Thảo là cái tên còn xa lạ với nhiều người. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó tại Ba Vì (Hà Nội), từ nhỏ đã quen với những vất vả, nặng nhọc, Thảo luôn ước mơ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp bố mẹ. Và chiếc HCB đầy bất ngờ tại ASIAD 17 đã là một phần thưởng như thế.

Kỳ tích từ chiếc vé vớt

Trước khi Thảo giành HCB nhảy xa tại ASIAD 17 không ai tin rằng cô có thể làm nên kỳ tích đó. Đây cũng là lý do khiến cô không lọt vào danh sách các VĐV trọng điểm được đầu tư đặc biệt. Chỉ có một người duy nhất tin cô có thể giành được huy chương là HLV Nguyễn Trọng Hổ. Ông thầy trực tiếp của Thảo đã đưa cô vào nhóm VĐV trọng điểm để sang Mỹ tập huấn nhưng cuối cùng Thảo vẫn phải ở nhà và chỉ được hưởng chế độ tập luyện như bao VĐV bình thường khác. Từ Mỹ, dù đang tập huấn cùng tổ tiếp sức nhưng HLV Nguyễn Trọng Hổ vẫn dành thời gian nghiên cứu giáo trình tập luyện và gửi về để các HLV ở nhà kèm cặp Thảo. Chỉ đến khi sát thời điểm dự ASIAD, Thảo mới buộc những người không tin tưởng mình phải nhìn nhận lại bằng việc bay qua khoảng cách 6m46 tại giải Điền kinh quốc tế TP Hồ Chí Minh và cô được lên đường dự ASIAD bằng tấm vé vớt. Khi đó thời gian quá gấp, Thảo phải lên đường bằng visa bình thường thay cho thẻ VĐV dự Đại hội. Vào cuộc với vị thế thấp hơn vì thành tích tốt nhất 6,46m của Thảo chỉ đứng thứ 10 trong số 13 VĐV tham dự nhưng không bị tâm lý tự ti chi phối, Thảo đã dẫn đầu ngay từ lượt nhảy đầu tiên với thông số thành tích là 6,35m. Đến lượt nhảy thứ ba cô tiếp tục nâng thành tích lên 6,44m để dẫn đầu đến hết lượt nhảy thứ năm, trong khi các đối thủ được kỳ vọng giành HCV như Tarasova (Uzbekistan, từng đạt 6,81m) hay đương kim vô địch ASIAD Joon Soonok (Hàn Quốc)… đều thi đấu không tốt. Phải đến lượt nhảy cuối cùng Thảo mới bị VĐV người Indonesia, Maria Natalia Londa qua mặt với thông số 6,55m. Những giọt nước mắt tiếc nuối của Thảo đã rơi xuống khi tuột HCV trong gang tấc nhưng với một VĐV còn chưa được đầu tư nhiều như Thảo thì chiếc HCB đầu tiên cho nhảy xa Việt Nam ở đấu trường châu lục là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Trước đó ở SEA Games 2013 cũng vậy, Thảo cũng lên đường bằng tấm vé vớt và bất ngờ giành HCĐ với thành tích 6m14. So với các VĐV được đầu tư trọng điểm, được tham gia tập huấn ở nước ngoài thì Thu Thảo đã giúp Nhà nước tiết kiệm hàng tỷ đồng vì cô chỉ tập luyện quanh quẩn trong nước nhưng vẫn tỏa sáng bằng nỗ lực của chính mình.

Ước mơ của cô phụ hồ nghèo

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ nhỏ Thảo đã phải phụ giúp bố mẹ làm nghề đóng gạch. Từ việc lấy bùn nhào than, đóng than, gánh than, xếp gạch vào lò, Thảo đều thông thạo. Năm 14 tuổi, Thảo tình cờ được phát hiện sau một lần HLV Nguyễn Trọng Hổ xem giải đá cầu của tỉnh Hà Tây cũ. Thấy một VĐV đá cầu có sức bật, tốc độ, cổ chân nhanh nhẹn, người thấp phù hợp với môn nhảy cao, ông Hổ liền tuyển Thảo lên đội tuyển điền kinh tỉnh. Tuyển quân xong, thầy Hổ sang Trung Quốc tập huấn, giao lại cô bé Thảo cho các trợ lý ở nhà huấn luyện. Do không nhận thấy thế mạnh của Thảo nên các HLV xếp Thảo tập luyện ở cự ly dài. Chỉ sau ít ngày, Thảo bỏ trung tâm huấn luyện vì vừa nhớ nhà, vừa không theo được "sở đoản" chạy cự ly dài.
Về quê, thương cha mẹ vất vả, Thảo theo các anh chị trong làng lên Hà Nội xách vữa thuê cho các công trường xây dựng.

Rất may chưa đầy một tháng, cô phụ hồ bị bố bắt tập thể thao lại vì thầy Hổ đã trở về và thuyết phục gia đình. Nghĩ rằng theo thể thao được nuôi ăn, ở và giúp bố mẹ bớt gánh nặng nên Thảo tập luyện trở lại. Nhưng may mắn chưa đến với Thảo do chấn thương liên miên, từ đầu gối, bàn chân đến lưng đều đau đớn. Năm 2012, Thảo không thi đấu được giải nào vì chấn thương, nhiều lúc cô đã có ý định từ giã nghiệp thể thao, nhất là khi cô không được đơn vị chủ quản cho hưởng chế độ VĐV loại 1.

Ở nhà, bố mẹ khó khăn, trên tuyển chấn thương đeo bám, gần 2 năm trời không thi đấu được, Thảo nản lắm, mấy lần định bỏ về quê nhưng nhờ sự động viên của thầy Hổ, cô lại tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn. Và chiếc HCĐ tại SEA Games 2013 đã giúp Thảo thêm quyết tâm tập luyện.

Khi hụt mất HCV ASIAD ở lượt nhảy cuối, Thảo bật khóc. Cô khóc vì đã tuột mất cơ hội giành HCV, khiến cô vuột mất cơ hội vào biên chế, mất số tiền thưởng lớn có thể giúp gia đình đổi đời. Ngoài nỗ lực tập luyện thi đấu giành HCV để mang vinh quang về cho Tổ quốc như nhiều VĐV khác, Thảo còn có động lực lớn là có tiền thưởng phụ giúp bố mẹ. Mấy năm nay, do bố bị nhiều bệnh nên mẹ chỉ loanh quanh ở nhà chăm sóc bố khiến gia đình càng khó khăn. Vì thế, ước mơ của Thảo là bố khỏe mạnh, gia đình khá giả hơn và chỉ những chiếc huy chương lấp lánh mới giúp cô thực hiện được ước mơ đó.

Phần thưởng từ chiếc HCB ASIAD trong năm qua đã giúp Thảo mua cho bố mẹ chiếc xe máy và trong năm nay cô lại đang mơ đến chiếc HCV SEA Games 2015, với số tiền thưởng sẽ phần nào giúp gia đình cô bớt khó khăn. Nhưng muốn vậy cô sẽ phải căng sức tập luyện để đánh bại VĐV Indonesia, Maria Natalia Londa, người đã tước đi cơ hội vàng của Thảo tại ASIAD 17. Mong cho Thảo sẽ thực hiện được ước mơ của một người con hiếu thảo, của một VĐV tiêu biểu cho nghị lực và sức vươn lên của thể thao Việt Nam.

Khánh Vy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục