Từ chiếc xe đạp mượn đến chức vô địch Tour de France

08:25 Thứ ba 28/07/2015

Từ chiếc xe đạp đi mượn đến chức vô địch, từ những khu rừng, hoang mạc châu Phi đến đại lộ Champs-Élysées ở Pháp, đó là câu chuyện của Chris Froome, cuarơ người Anh đã giành áo vàng chung cuộc Tour de France 2015.

Chris Froome (giữa) trên bục chiến thắng. Ảnh: Internet.

Chiến thắng này giúp Froome đi vào lịch sử làng xe đạp xứ sở sương mù khi là cuarơ người Anh đầu tiên giành được hai chức vô địch Tour de France (anh vô địch lần đầu vào năm 2013). Ngoài nước Anh, chiến tích của Froome còn mang đến niềm tự hào dành cho những người dân châu Phi, cụ thể hơn là Kenya - quốc gia đã nuôi dưỡng anh thời niên thiếu.

Froome có cha là một công dân người Anh chuyển đến Kenya để kinh doanh dịch vụ đi săn, còn mẹ anh là người Anh nhưng sinh trưởng tại Kenya. Khi Froome còn nhỏ, gia đình anh phá sản và cha mẹ anh ly hôn. Điều đó đẩy Froome lâm vào hoàn cảnh như rất nhiều trẻ em châu Phi khác: thiếu thốn vật chất và tìm kiếm niềm vui trên những cánh đồng hoang mạc. Froome đã tâm sự những điều này khi trả lời Reuters.

Nhưng không như phần lớn các đứa trẻ Kenya vốn thích đá banh hoặc điền kinh, cậu bé da trắng Chris Froome lại chọn xe đạp - một thú chơi “xa xỉ” với người dân châu Phi. David Kinjah, người thầy đã dẫn dắt Froome vào con đường đua xe đạp, nói: “Ở châu Phi, đá banh rất dễ dàng khi một trái bóng có thể dùng cho 20 đứa trẻ. Chúng tôi thiếu thốn vật chất đến mức khi đưa một chiếc xe đạp cho lũ trẻ con, cần phải dặn dò chúng sử dụng chiếc xe thật cẩn thận.” Froome lần đầu biết đến xe đạp nhờ mượn được một chiếc từ một thầy giáo gần nhà.

Và những cuộc đua vĩ đại đến với anh từ đó. Froome tập lái trên những con đường đầy sỏi đá, bụi bặm và hoang sơ ở ngôi làng Mai-I-Hii thuộc ngoại ô thành phố Nairobi (Kenya). Khi đã cứng cáp dần, Froome bắt đầu đi vào những cánh rừng, nơi anh kể là “đạp xe với muông thú, băng qua những con voi, sư tử mà không hề có hàng rào ngăn cách” - Hãng tin Reuters dẫn lời anh. Mọi thứ chẳng có gì thuận lợi với Froome lúc đó khi chiếc xe đạp mua lại của anh quá khổ so với một đứa trẻ, anh cũng không nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình.

“Tất cả những điều này giúp tôi nhận ra rằng bạn chẳng cần đến một chiếc xe đắt tiền hoặc những điều kiện hoàn hảo. Bạn chỉ cần một chiếc xe và cứ thế mà đạp, không có bất kỳ vấn đề gì cả,” Froome nói. Sau đó không lâu, anh được nhận vào đội xe đạp của ông David Kinjah, đội xe mang tên “Safari Simbaz” - trong tiếng Kiswahili (của khu vực Đông và Trung Phi) nghĩa là những con sư tử safari. Do màu da trắng khác biệt, Froome thường được các bạn bè trong đội gọi là “sư tử trắng” và nhanh chóng sau đó, anh chứng tỏ mình thật sự là “chúa tể sơn lâm” trong giới xe đạp Kenya. Froome đoạt một HCĐ cho Kenya vào Đại hội All Africa Games năm 2007.

Những con số thống kê ấn tượng của Cris Froome. Ảnh: Tấn Đạt.

 

Đến năm 2008, thời điểm mẹ anh vừa qua đời, Froome chuyển sang quốc tịch Anh và sự nghiệp của anh bắt đầu phát triển thần tốc. Ông Kinjah nuối tiếc: “Cậu ấy nên là một người Kenya. Tuy nhiên, Chris (Froome) chẳng hề nhận được sự hỗ trợ nào từ Liên đoàn Xe đạp Kenya.” Đến năm 2010, Froome chuyển đến đội Sky và trở thành một trong những tay đua xuất sắc nhất thế giới. Những trải nghiệm ở châu Phi giúp Froome trở thành một người mạnh mẽ, cứng cỏi với tinh thần “không biết sợ” - điều Froome thể hiện rõ trong suốt cuộc đua Tour de France năm nay.

Suốt từ chặng 7, Froome giữ chặt tấm áo vàng và luôn duy trì một khoảng cách gần như không thể san bằng với các tay đua bám đuổi. Phong độ quá xuất sắc này khiến anh bị nghi ngờ và gièm pha là sử dụng doping (chủ yếu là bởi những tiền án của các tay đua hùng mạnh như Lance Armstrong). Froome thậm chí còn bị các CĐV sỉ nhục, hắt nước tiểu vào người trong nhiều chặng đua. Dù chịu sức ép khủng khiếp đến vậy nhưng cuối cùng “sư tử trắng” Froome đã vượt qua tất cả và làm nên lịch sử cho làng xe đạp Anh cũng như châu Phi.

Huy Đăng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục