Tranh cãi chuyện ông bầu làm chủ VPF

13:57 Thứ năm 11/10/2012

Việc các ông bầu làm chủ VPF bị ví như 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' nhưng cũng có ý kiến cho rằng, các ông bầu ở VPF đã làm được rất nhiều việc.

Hội đồng quản trị VPF, sau khi ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, còn 8 người. Hai trong số đó là ông chủ các đội bóng. Ông Võ Quốc Thắng là Chủ tịch CLB Đồng Tâm, giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB HAGL, giữ ghế Phó chủ tịch.

Việc các ông bầu làm chủ VPF bị bầu Đệ của đội Thanh Hóa ví là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bầu Đệ - vốn ủng hộ VPF trước đó - nói rằng tình trạng này khiến cuộc chơi không công bằng. Ông Đệ thậm chí còn đòi giải tán VPF. Bầu Trường, Chủ tịch CLB Ninh Bình cũng lên tiếng yêu cầu các ông bầu phải rút khỏi VPF để cuộc chơi được khách quan.

Thanh Hóa, Ninh Bình là hai trong số những đội bị phạt thẻ nhiều nhất ở V-League 2012.

Ý kiến của bầu Trường, bầu Đệ nhanh chóng được liên tưởng đến các con số thống kê ở mùa bóng 2012. Cụ thể ở V-League, các trọng tài đã rút ra tổng cộng 48 thẻ đỏ. Tính trung bình, mỗi đội bóng nhận 3,4 thẻ đỏ. Khánh Hòa nhận 7 thẻ, Hà Nội T&T, Ninh Bình cùng bị 6 thẻ. Nhưng CLB Hà Nội của bầu Kiên và HAGL của bầu Đức không phải nhận thẻ đỏ nào, dù số thẻ vàng phải nhận thuộc loại nhiều nhất. Đồng Tâm của bầu Thắng từ ngày có HLV Vital đã một lèo về nhất ở giải hạng Nhất. Thành tích này cũng bị nhiều ý kiến cho là dựa “uy” chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF mà ông Thắng đang giữ.

Từ Hải Phòng, HLV đã nghỉ hưu Trần Văn Phúc cho rằng, các đội bóng nên “tự thân vận động” trước khi tìm ra lý do để đổ lỗi: “Những phát biểu về việc các ông bầu điều hành giải thiếu minh bạch là rất quy chụp, ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của họ. Tôi cho rằng, các ông bầu vẫn có thể tham gia vào VPF nhưng không điều hành giải. Nên giao công việc này lại cho VFF. VPF chỉ nên chuyên tâm vào việc kinh doanh giải đấu thì hay hơn”.

Cựu HLV Vương Tiến Dũng đánh giá việc các ông bầu làm chủ VPF là “sai ngay từ đầu”. “VPF ra đời là cập thời, hợp lý. Nhưng các ông bầu không nên tham gia vào công ty này để đảm bảo tính khách quan. Tôi cho rằng, VPF nên là một bộ phận chức năng giúp VFF điều hành các giải đấu, là giải pháp hay nhất. Chúng ta đã bàn đến bất cập của tình trạng một ông chủ hai đội bóng. Giờ là chuyện các ông bầu tham gia trực tiếp điều hành các giải đấu. Phải coi đó là một cái sai và tìm cách xử lý”, ông Dũng nói.

HLV Nguyễn Thành Vinh cho rằng, dù VPF hay VFF điều hành giải thì tiêu cực hay những vấn đề bức xúc, nổi cộm vẫn diễn ra bởi nó đã ăn sâu vào nền bóng đá vốn chưa chuyên nghiệp của Việt Nam. “Không có chuyện các ông bầu gây sức ép với giám sát, trọng tài để đem lại kết quả có lợi cho đội nhà. Các ông bầu điều hành các giải đấu qua một năm qua, theo tôi, bóng đá Việt Nam được nhiều hơn mất. Phải khẳng định VPF là một cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên, không phải cái gì mới cũng hoàn hảo. Còn cần thời gian kiểm chứng, sửa chữa”, ông Vinh nhận xét.

Theo Giám đốc điều hành VPF, ông Phạm Ngọc Viễn thì V-League đang lấy J-League (giải chuyên nghiệp Nhật Bản) làm hình mẫu. J-League là giải đấu hấp dẫn, thành công bậc nhất châu Á. Ở J-League, chuyện ông bầu làm chủ giải đấu là bình thường. Trong số các thành viên Hội đồng quản trị của J-League, có tới 7 người đang là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch các CLB nhà nghề đang đấu tại giải này.

Là người nắm khá rõ cơ cấu tổ chức và vận hành của J-League, chuyên gia Trần Văn Mui khẳng định: "Ở giải Nhật Bản, rất nhiều Chủ tịch của CLB lớn làm ông chủ của giải đấu khi tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty quản lý J-League. Họ không phải là người trực tiếp điều hành giải mà có 6 phòng chức năng phía dưới làm điều này. Nhân sự của 6 phòng này đều được đi thuê và không dính dáng gì tới các CLB".

Khoa Nguyên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục