Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh: 'Sông Lam Nghệ An không thiếu tài năng trẻ'

15:45 Thứ sáu 13/09/2013

Sau sự cố Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, Sông Lam Nghệ An là đội chịu thiệt thòi nhất trong mùa 2013. Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh mong mỏi từ những gì đội nhà gánh chịu, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ hỗ trợ Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tốt hơn, tránh sự kiện trên tái diễn thêm một lần nữa.

Mùa giải năm nay diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn về tài chính. Nó tạo ra ảnh hưởng quá lớn đến các đội bóng dự giải chuyên nghiệp. Chưa khi nào V-League diễn ra trong thử thách lớn như mùa này. Từ các câu lạc bộ đến VFF, VPF đều hết sức cố gắng để mùa giải diễn ra thành công. Có nhiều trận đấy hay, lôi cuối, giúp khán giả đến sân đông đảo. Bóng đá không khán giả thì chỉ là “bóng chết”, nên đấy là điều mùa giải 2013 làm được tốt nhất trong thời điểm khó khăn này”, ông Nguyễn Hồng Thanh mở lời với TT&VH Cuối tuần.

* Ông có thấy tiếc rằng thành tựu ấy bị che phủ khi Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải?

- Chưa khi nào giải chuyên nghiệp liên tục bị hoãn ngày khởi tranh như mùa 2013. Chuyện Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải, Sông Lam Nghệ An chịu thiệt thòi nhất khi mất 6 điểm. Chúng tôi tiếc nuối chứ, khi mất đi luôn cơ hội vô địch. Tất nhiên phải chấp nhận cuộc chơi, song đến lúc VFF, VPF cần sự điều chỉnh điều lệ của giải. Không thể vì một đội bỏ giải mà xóa đi toàn bộ kết quả các trận đấu đã diễn ra. Chúng tôi phải mất tiền di chuyển, ăn uống rồi ra sân. Cổ động viên cũng vì đội bóng lặn lội đến sân cổ vũ. Mà 1 điểm giành được đôi khi quyết định cả ngôi vô địch lẫn trụ hạng, sự sống còn đội bóng đại diện cho cả một tỉnh, một ban ngành hay cả doanh nghiệp, tập đoàn. Việc rũ bỏ hoàn toàn sự nỗ lực của đội bóng từng đấu với Xuân Thành Sài Gòn như thế là khó chấp nhận.

Tổng giám đốc công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh tin tưởng SLNA vẫn trụ vững trong hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: V.S.I

* Ông cho cho rằng sự thiếu đồng bộ các cơ quan chức năng của VFF với VPF khiến sự vụ bị đẩy sang hướng bất lợi cho cả nền bóng đá nước nhà?

- Đúng là như vậy. Hiện tại, VFF không quản lý hai giải chuyên nghiệp, nhưng các cơ quan chức năng trong VFF như Ban kỷ luật, Ban khiếu nại, Ban trọng tài vẫn có quyết định trực tiếp đến giải đấu. Dù có tách bạch khỏi VFF, nhưng VPF vẫn là con của VFF. Bất kể có tự đứng ra tổ chức giải đấu, họ vẫn chịu sự kiểm soát của VFF là điều khó tránh khỏi. Như việc Ban kỷ luật quyết định trừ bốn điểm với Xuân Thành Sài Gòn do nghi ngờ tiêu cực dường như chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức.
Bầu Thụy bỏ giải giữa chừng là không nên nhưng họ cũng có cái lý của họ. Mùa 2012, bầu Thụy từng muốn bỏ giải khi bị SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T liên thủ ngăn đến ngôi vô địch. Còn mùa này có nhiều trận đấu cũng có nghi ngờ tiêu cực nhưng Ban kỷ luật, ban tổ chức không xử lý. Việc bị trừ bốn điểm do nghi ngờ khiến họ không tâm phục, khẩu phục. Chỉ vì một tin nhắn vu vơ lại làm bằng chứng trừ điểm, làm mất uy tín của đội bóng như thế vô tình làm hỏng cả giải đấu.

Đã sẵn rạn nứt, thất vọng với VFF, bầu Thụy bỏ luôn cũng vì lẽ ấy, khi niềm tin với người quản lý bóng đá không còn nữa. Đáng lo là sự việc này như một quả bom âm ỉ khiến các đội khác dọa bỏ giải tiếp tục tái diễn, khi họ đang chán nản, hoài nghi với bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại.

* Vậy theo ông VPF cần sự cải tổ nhân sự, đường lối ra sao khi nhiều bất cập xuất hiện ngày càng nhiều trong tổ chức, hoạt động?

- VPF hiện tại tập hợp nhiều doanh nhân giàu có, đam mê bóng đá, cũng như những nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm. Thời gian qua các ông bầu trong VPF còn bỏ thêm tiền vào để hỗ trợ cho bóng đá Việt Nam là điều cần biểu dương. Họ cũng có những sáng kiến, rồi mời cả chuyên gia Nhật Bản sang để hoạch định lại nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Nhưng bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng, trong khi mô hình bóng đá Nhật Bản đã phát triển hoàn thiện và có khoảng cách quá xa với chúng ta. Không thể dập khuôn như họ, trong lúc bóng đá Việt Nam đang sa sút và giai đoạn tạm lùi lại như hiện tại cũng là điều tốt. Vấn đề cải tổ nhân sự không quan trọng bằng nâng cao sự đoàn kết, nhất trí giữa các yếu nhân của VPF và VFF và các phòng ban trực thuộc. Có sự tương trợ, giúp đỡ từ VFF, VPF mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* Mọi thứ vẫn đang ở chế độ chờ khi đại hội VFF nhiệm kỳ bảy đến tháng 10/2013 mới diễn ra. Ông đợi chờ gì ở sự kiện này ?

- Sự thành bại của cả nền bóng đá từ cấp câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia phụ thuộc vào VFF chứ không phải là VPF. Tôi tin chuyện bầu nhân sự chủ chốt cho VFF sẽ sớm hoàn thành và chọn được những người hữu ích, được việc nhất. Từ những lãnh đạo mới bắt tay với cả VPF để thảo luận tìm giải pháp để định hướng, xây dựng "mái nhà chung" là hai giải chuyên nghiệp nước nhà. Tôi tin tưởng sau đại hội VFF nhiệm kỳ bảy, bóng đá Việt Nam sẽ có hình ảnh mới mẻ, hy vọng hơn.

* Đội bóng xứ Nghệ sẽ ra sao khi chia tay hàng loạt trụ cột sau mùa giải này?

- Cho đến lúc này, Sông Lam Nghệ An chắc chắn chia tay Hector, Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn. Họ đều là những trụ cột, gắn bó và cháy hết mình cho đội nhà. Nhưng thời buổi kinh tế khó khăn, kinh phí hoạt động cũng làm theo kế hoạch nên không thể vượt quá ngân quỹ hoạt động được. Lãnh đạo tỉnh đã giúp đỡ, Ngân hàng Bắc Á cũng đã hỗ trợ hết sức tuyệt vời rồi. Chúng tôi tiếc, buồn khi phải để họ đi, nhưng bóng đá xứ Nghệ cũng quen cảnh “mất máu” rồi. Chưa kể cũng cần tạo điều kiện cầu thủ ra đi làm kinh tế để chăm lo cho gia đình của họ.

Hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng không thiếu đi tài năng trẻ thay thế. 6 cầu thủ triệu tập U23 Việt Nam sẽ là nòng cốt mùa tới. Chưa kể số cầu thủ U21 cũng sắp được đôn lên đội một. Có điều Sông Lam Nghệ An tự hào đó là dàn cầu thủ trẻ thay nhau tỏa sáng, chơi máu lửa. Cổ động viên xứ Nghệ cũng luôn ủng hộ nhiệt tình. Dẫu sao chúng tôi vẫn giữ được Công Vinh sau khi trở về từ Consadole Sapporo. Sông Lam Nghệ An vẫn trụ vững qua gian khó, thử thách là điều tôi tin tưởng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện!
Mộc Miên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục