Tìm đâu một tấm lòng trung thành giữa thời đại bóng đá kim tiền?

14:00 Thứ ba 20/06/2017

Lòng trung thành liệu còn có thể tồn tại giữa một thế giới bóng đá mà hở chút là người ta sẵn sàng tung ra một đống tiền đẻ chiêu mộ cầu thủ?

Trước Donnarumma, không ít cầu thủ đã bị ném đá vì dứt áo rời đội bóng để chuyển sang một CLB mạnh hơn. Gần nhất thì có Robin Van Persie chuyển từ Arsenal sang MU, xa hơn thì là Luis Figo, Ronaldo chuyển từ Barcelona sang Real Madrid. Đặc điểm chung của những trường hợp trên đó là họ đã rời đội bóng của mình để gia nhập đối thủ kình địch.

 - Bóng Đá

 Donnarumma bị chỉ trích vì phản bội lại tình yêu của NHM AC Milan.

Và bây giờ, Donnarumma cũng được cho là nghe tiếng gọi của đồng tiền, muốn rời bỏ nơi đã ươm mầm tài năng của anh, để gia nhập Juventus hoặc Real Madrid. Các CĐV AC Milan có lý khi chỉ trích dữ dội thủ thành mới chỉ 18 tuổi này: Rossoneri đang trong quá trình tái thiết lực lượng và Donnarumma là tương lai của đội bóng này, họ không chấp nhận việc trụ cột của mình bỏ đội bóng lúc CLB cần nhất. Nếu nhớ lại câu chuyện của Van Persie, hay là Figo, chúng ta sẽ thấy những gì đang xảy ra với Donnarumma cũng là bình thường.

Trong trận đấu giữa U21 Italia và U21 Đan Mạch, nhiều CĐV đã ném những tờ 100 USD giả về phía khung thành mà Donnarumma đang trấn giữ. Đáng nói hơn, một số người còn nhại tên của thủ môn này thành Dollarrumma với hàm ý miệt thị anh là “kẻ hám tiền”. Có thể mọi thứ đã đi hơi quá xa, nhưng các CĐV Italia có lý do để làm vậy. Trong suy nghĩ của họ, Donnarumma chỉ là một cầu thủ trẻ, đóng góp của anh là chưa nhiều để có thể làm mình làm mẩy với CLB. Hơn nữa, trước đây anh đã từng khẳng định tình yêu với AC Milan, rằng Rossoneri chính là đội bóng mơ ước từ thưở nhỏ của anh.

Dù với lý do gì đi nữa, thì có thể thấy là những gì mà các CĐV Milan đối xử với Donnarumma vẫn nhẹ hơn rất nhiều so với cái cách mà CĐV Arsenal đốt áo khi van Persie chuyển sang MU; CĐV Barca la lối, chửi bới mỗi khi Luis Figo, Ronaldo theo Real Madrid hành quân đến Nou Camp; và cũng đừng quên Mario Goetze bị lăng mạ thế nào khi rời Dortmund chuyển sang Bayern. Tóm lại, với nhiều người thì việc dứt áo CLB cũ để đi tìm chân trời mới là bình thường, nhưng với NHM của một vài đội bóng thì đó là sự phản bội không thể tha thứ. Điều đó đúng và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

 - Bóng Đá

 Van Persie cũng từng là nạn nhân của CĐV Pháo thủ.

Những ông chủ, tập đoàn lớn trên thế giới đang liên tục thâu tóm hết từ đội bóng này đến đội bóng khác, đồng tiền đang chi phối hoàn toàn làng túc cầu. Khi mà người ta có thể bỏ ra hàng đống tiền để chiêu mộ một cầu thủ xuất sắc, họ cũng sẵn sàng thải loại một cầu thủ đã lớn lên trong tình yêu và đam mê với đội bóng.

Danny Welbeck là một trường hợp như thế, từ nhỏ anh đã thể hiện tình yêu với Manchester United, anh lớn lên trong bầu không khí của Carrington, chưa bao giờ anh có ý nghĩ sẽ rời Old Trafford. Vậy mà khi Van Gaal vừa đến, anh đã bị đẩy đi không thương tiếc. Đáng nói hơn, CLB mà anh cập bến lại là Arsenal, nơi mà cách đó chưa lâu còn chửi rủa van Persie không thương tiếc vì rời Emirates để chuyển sang đại kình định MU.

Tuy nhiên, tính chất của hai thương vụ này hoàn toàn khác nhau. Một bên là rời bỏ đội bóng trong sự níu kéo của BLĐ và CĐV, một bên thì bị đẩy đi như một thứ đồ hết hạn sử dụng. Robin van Persie sau đó đã ăn mừng một cách quá khích khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ và bị CĐV Arsenal chỉ trích dữ dội, với những gì Pháo thủ từng đối xử với anh thì điều đó có thể hiểu. Nhưng khi Welbeck ghi bàn và ăn mừng như trong chiến thắng 2-0 của Arsenal ở cuối mùa giải vừa rồi, CĐV MU lấy cái gì ra để mắng nhiếc Welbeck? Chẳng phải chính họ đã đẩy anh đi hay sao?

Có thể trong suy nghĩ của Welbeck, ghi bàn vào lưới MU là một việc có thể sẽ vơi đi sự uất ức khi bị tống cổ khỏi Old Trafford của anh. Động lực thi đấu của anh chỉ đơn giản là sự trả thù đội bóng cũ. Người ta có thể dễ dàng thấy cách anh thi đấu với MU khác hẳn cách anh đá với Hull, West Brom, Sunderland… Khi đối đầu những đối thủ bình thường, Welbeck cứ như một cầu thủ nghiệp dư, còn khi gặp MU, người ta có cảm giác như Ronaldo hay Messi đang thi đấu dưới cái xác của cầu thủ người Anh vậy.

 - Bóng Đá

 Welbeck thi đấu như lên đồng mỗi khi chạm trán MU.

Đó chính là cảm giác của một cầu thủ có tấm lòng son sắt với đội bóng, tấm lòng đó thật sự đáng quý giữa một thế giới mà nhiều người sẵn sàng vì đồng tiền mà đến một đội bóng mà mình chưa hề có thông tin gì, sau đó lại phát biểu rằng: “Đội A là đội bóng mà tôi yêu thích từ thưở nhỏ…”.

Thế đấy, chúng ta còn mong chờ gì về lòng trung thành của cầu thủ khi mà người xuất sắc thì vì tiền mà muốn làm mọi cách để rời đội bóng, còn một cầu thủ hết lòng muốn ở lại thì lại bị đẩy đi không thương tiếc? Xem ra, có muốn một lòng một dạ với đội bóng vào thời điểm này cũng khó!

(Bạn đọc: Trương Cao Minh Trí)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Thể thao Việt Nam | 13:05 20/06/2017
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục