Thể thao Việt Nam, một năm nhìn lại: Khát vọng Olympic

14:27 Chủ nhật 01/01/2012

Với 6 tấm vé chính thức vượt qua vòng loại, chưa bao giờ thể thao Việt Nam (TTVN) lại háo hức như thế. Nhưng, ở sân chơi Olympic chỉ góp mặt thôi là chưa đủ...

Sân chơi quan trọng nhất của thể thao nước nhà trong năm 2011 chính là SEA Games 26, nhưng đây lại là kỳ đại hội mang tính chất bản lề, để các nhà quản lý thể thao có một cái nhìn tổng quát, hướng tới sự chuẩn bị tốt nhất cho sân chơi Olympic vào năm tới.

Thể thao Việt Nam 1 năm nhìn lại: Buồn đầy, vui vơi

Những tấm vé khát vọng

Chiến dịch "săn” vé tới London mùa hè tới đã khởi động được 1 năm. Dù vẫn còn những thất bại rất đáng tiếc nhưng với 6 suất chính thức mà các vận động viên (VĐV) Việt Nam giành được đến thời điểm này, đều được lãnh đạo ngành Thể thao, giới chuyên môn và người hâm mộ ghi nhận như những nỗ lực, khát vọng vượt bậc.

Không ghi nhận sao được, khi một Hoàng Quý Phước chỉ mới bước sang tuổi 18, đã đi vào lịch sử bơi lội nước nhà khi mang về tấm vé tham dự Olympic đầu tiên ở nội dung 100m bướm. Một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Phước, cho sự quan tâm và đầu tư sát sao của ngành Thể thao Đà Nẵng. Thế nhưng, dường như đây mới chỉ là bắt đầu. Tất cả những nhà chuyên môn đều khẳng định, Phước sẽ còn tiến xa hơn nữa. Phan Thị Hà Thanh, VĐV thể dục dụng cụ (TDDC) đã phải mất tới 14 năm miệt mài tập luyện, hy sinh cả tuổi thơ của mình với những chuyến tập huấn xa nhà, mới đoạt được tấm vé chính thức đầu tiên cho thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam.

Ông Lâm Quang Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã phải thốt lên: "Đây là một thành tích quá sức tưởng tượng của TDDC Việt Nam”. Những gương mặt trẻ của thể thao nước nhà, những gương mặt mới xuất hiện ngày một nhiều. Tự hào thay, chính họ đã mang tới những gam màu tươi sáng trong năm nay với những tấm vé tới Olympic. Sau Lê Huỳnh Châu ở môn teakwondo, cái tên Chu Hoàng Diệu Linh chính là một trong những bất ngờ lớn nhất của môn võ này. Cô gái 17 tuổi đến từ Hà Nội xuất sắc giành tấm vé thứ 2 cho teakwondo Việt Nam. Đáng khâm phục hơn khi Diệu Linh phải thi đấu với chấn thương ở chân, trước khi gục ngã trong trận chung kết. Nếu không có khát vọng, ý chí của tuổi trẻ, Diệu Linh đã không thể trụ đến trận cuối cùng như vậy được.

  

TTVN trong năm 2011 còn đón nhận thêm 1 tin vui nữa từ Judo, với tấm vé vượt qua vòng loại Olympic 2012 của Văn Ngọc Tú. Trong khi đó ở môn cầu lông, nếu Tiến Minh bảo vệ được vị trí trong tốp 10 của mình, tay vợt người TP.Hồ Chí Minh đương nhiên có mặt ở Thế vận hội. Còn gần 1 năm nữa để các VĐV có khả năng tranh vé, tiếp tục nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình. Họ sẽ chiến đấu đến khi không còn cơ hội. Ở chừng mực nào đó, chính các VĐV đã đoạt những tấm vé cho riêng mình, những tấm vé khát vọng.

Cần cái nhìn thực tế

Không thể phủ nhận những cố gắng của ngành Thể thao, cũng như cá nhân các VĐV. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận, dẫu chúng ta có đạt được những thành tích tốt, thậm chí vượt ngưỡng thì TTVN vẫn nằm trong "vùng trũng” của thể thao thế giới. Nói một cách khác, nếu chỉ cố gắng hoàn thành chỉ tiêu những tấm vé tham dự sân chơi số 1 hành tinh, để rồi sau đó "thi xong xuôi tất cả lại về”, sẽ chẳng ích lợi gì.

Vấn đề đặt ra là bằng cách nhìn nhận thẳng thắn vào đẳng cấp của TTVN ở đấu trường lớn như Olympic, nhà quản lý và kể cả giới truyền thông cần có sự thống nhất để chúng ta vừa tin tưởng TTVN sẽ nỗ lực đạt thành tích cao nhất trong khả năng của mình, vừa có thái độ đúng mực giúp các VĐV không bị sức ép tâm lý tại giải đấu lớn.


Từ thực tế này, cũng dẫn đến một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, chính là TTVN cần phải xác định đâu là thế mạnh thực sự đủ để tranh chấp huy chương ở sân chơi thể thao số 1 hành tinh. Từ đó, xây dựng lên một hệ thống đào tạo, huấn luyện phù hợp, khoa học để duy trì thế mạnh ấy.

Theo Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của TTVN tại Olympic 2016 phải giành được HCV và có ít nhất 40 VĐV vượt qua vòng loại. Với mục tiêu này ngay từ bây giờ, có thể đã là quá muộn nhưng nếu bắt tay vào ngay, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Cái khó với TTVN, chính là lâu nay, ở nhiều cấp ngành vẫn thường tồn tại "tư duy nhiệm kỳ”, tức là các nhà lãnh đạo chỉ cố gắng làm sao giành thành tích trong 4 năm nhiệm kỳ của họ mà thường không mấy mặn mà với các mục tiêu kéo dài 8-10 năm. Để thay đổi tư duy này không phải một sớm, một chiều, nhưng phải mang tính bắt buộc nếu không TTVN sẽ mãi mang tính "thời vụ”.

Một cái nhìn thẳng vào thực tế sẽ giúp TTVN tìm được cơ chế mới cho những người làm thể thao, hoạch định thể thao một "con đường” rộng hơn, tự chủ hơn thì mới có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra.

An Chi | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục