Thể thao Việt Nam hậu ASIAD: Chờ “sữa” ngân sách đến bao giờ?

14:32 Thứ tư 08/10/2014

Dự kiến tới đây Bộ VHTTDL cùng Tổng cục TDTT sẽ tiến hành họp báo để chính thức thừa nhận thất bại của đoàn TTVN cũng như có lời xin lỗi tới người hâm mộ cả nước.

Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo Bộ VHTTDL chưa hài lòng với những tổng kết, nhận định của Trưởng đoàn TTVN - ông Lâm Quang Thành - khi trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau ASIAD 2014.

Cần nhiều bầu Đức hơn nữa

Trong nhiều nguyên nhân được giới phân tích chỉ ra, có nguyên nhân là thể thao Việt Nam vẫn còn đầu tư dàn trải, tốn kém mà chưa mang lại hiệu quả. Việc lệ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước trong quá trình tập huấn và thi đấu bắt buộc ngành thể thao phải “nâng lên, đặt xuống” và phải chia cho nhiều môn thay vì tập trung cho vài môn trọng điểm.

Ngay tại ASIAD, nhiều VĐV khi luyện tập có thành tích rất tốt, bởi không gặp phải sức ép. Thế nhưng khi ra đấu trường lớn là bị khớp. Ngay như trường hợp Thạch Kim Tuấn, thành tích khi luyện tập luôn ổn định ở mức 295kg tới 298kg ở tổng hai động tác nhưng khi vào thi đấu chỉ có 294kg, đáng tiếc nhất ở động tác cử đẩy chỉ được 164kg. Hay trường hợp Xuân Vinh không đạt chỉ tiêu do vấn đề tâm lý…

Để tiếp tục thành công, Ánh Viên cần có những khoản đầu tư từ xã hội.Ảnh: Quang Thắng

Những vấn đề trên chỉ có thể khắc khục bằng cách đưa đi thi đấu, tập huấn thật nhiều. Nhưng vấn đề này lại khúc mắc ở chuyện tiền. Không có tiền thì chỉ có thể… ở nhà. Sau ASIAD, chính ngành thể thao cũng đang “cân nhắc” việc đưa Thạch Kim Tuấn tiếp tục tập huấn và thi đấu ở giải thế giới năm 2015 dù biết rằng phải làm như thế VĐV cử tạ này mới đủ chuẩn dự Olympic 2016. Ngay cả Ánh Viên, nếu tiếp tục hy vọng Viên có huy chương Olympic hoặc cải thiện thành tích ở đấu trường ASIAD trong 4 năm nữa thì phải đầu tư khoảng 1 triệu USD trong 3-4 năm.

Tiền đâu? Hay lại trông vào ngân sách? Khi đưa vấn đề “gieo trăm tỉ, gặt… 1 HCV ASIAD thì cũng có nhiều ý kiến tranh luận, trong đó đa số đồng tình rằng “nếu chỉ chờ tiền ngân sách thì rất khó để thể thao tiến ra những sân chơi lớn”.

Đội tuyển U.19 Việt Nam đang chơi ở VCK U.19 Châu Á chính là điển hình cho xã hội hóa thể thao. Để có được thành quả ban đầu ngày hôm nay, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã đầu tư vào lứa HAGL Arsenal JMG cả trăm tỉ đồng, từ việc phá rừng caosu xây học viện cho tới đầu tư ăn - ở - học cho các cầu thủ.

Tiền bầu Đức là tiền tư nhân và nhanh chóng phát huy hiệu quả, trong khi đó VFF từng loay hoay và chưa biết dùng thế nào với những khoản tiền ngân sách từng có cấp cho các đội tuyển trẻ thuộc Trung tâm Đào tạo bóng đá của VFF.

Nguyên Trưởng đoàn TTVN - ông Nguyễn Hồng Minh - cho rằng: “Muốn nâng cao thành tích, phải đầu tư và không thể trông chờ ở ngân sách mãi. Tôi hy vọng ở những môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, cử tạ, cầu lông… cùng những “bầu Đức” sẵn sàng đầu tư, đổ tiền cho những chiến lược dài hạn thì mới có hy vọng”.

Xã hội hóa - con đường tất yếu để nâng cao thành tích

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - khi bàn về vấn đề này đã nhấn mạnh: “Xã hội hóa - giải pháp căn bản cho thể thao thành tích cao”. Giáo sư Thuyết nhận định: “Nhà nước cũng như các LĐ chưa xác định đúng vị trí của thể thao thành tích cao. Thể thao thành tích cao chưa được quan niệm dứt khoát là thể thao chuyên nghiệp. Vì quan niệm chưa dứt khoát trong vấn đề này nên thể thao thành tích cao của nước ta đang ở tình trạng nửa bao cấp, nửa thị trường và thiếu động lực phát triển”.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng mạnh dạn đưa ra những giải pháp: “Nhà nước chỉ nên đầu tư phát triển những môn thể thao chưa hấp dẫn nhà đầu tư, còn lại để thị trường điều tiết hành vi nhà đầu tư, VĐV, HLV và khán giả. Để làm được điều này, Nhà nước cần ban hành những chính sách, pháp luật ưu đãi nhà đầu tư. Cần có chính sách khuyến khích đặc biệt đối với những người đầu tư vào việc đào tạo VĐV, HLV…”.

Còn GS-TS Dương Nghiệp Chí - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - đặt vấn đề: “Hiện, ngoài nguồn ngân sách chi cho hoạt động TDTT như thời “bao cấp” cần khuyến khích nguồn chi từ nhân dân và xã hội”. Trong đó, GS Chí tiếp tục nhắc đến việc cần phải nghiên cứu khâu đột phá là “Đặt cược thể thao”. Đó sẽ là nguồn kinh phí chủ đạo chi cho thể thao thành tích cao sau này.

Thất bại của TTVN tại ASIAD 2014 sẽ tiếp tục được phân tích, nhưng rõ ràng câu chuyện đầu tư cho những tấm HCV sẽ cần những tư duy mạnh mẽ hơn để hướng tới những sân chơi châu lục và thế giới.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục