Thể thao người khuyết tật Việt Nam thắng lớn ở châu lục

09:03 Thứ bảy 25/10/2014 | 4

Như vậy, Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á tại Incheon (Hàn Quốc) đã khép lại sau những ngày tranh tài. Về chuyên môn, thể thao người khuyết tật của chúng ta đạt được thành công hơn chỉ tiêu đề ra…

1. Với thành tích đạt được là 9 HCV, 7 HCB, 13 HCĐ thì đây là kỳ tham dự đại hội thể thao người khuyết tật ở cấp độ châu lục thành công nhất của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Hôm qua (24-10), khi những nội dung cuối cùng khép lại đồng thời là lời tạm biệt của chủ nhà Incheon (Hàn Quốc) với VĐV thể thao người khuyết tật các quốc gia ở châu Á cũng là lúc đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam hoàn toàn tự hào khi nhìn lại mình đạt thành tích đáng kể. Đó là 9 chiếc HCV đầy quý giá của Lê Văn Công (cử tạ, 49kg nam), Nguyễn Bình Anh (cử tạ, 54kg nam), Võ Thanh Tùng (5 chiếc ở các cự ly bơi 50m tự do, 100m tự do, 200m tự do, 50m bướm, 50m ngửa, 200m hỗn hợp cá nhân), Nguyễn Thành Trung (100m ếch nam).

VĐV bơi lội khuyết tật Võ Thanh Tùng (giữa) đoạt 5 HCV tại Asian Para Games 2014.

Thành tích đã vượt chỉ tiêu đề ra, nên càng khiến lãnh đạo thể thao nở mày nở mặt. Trong mỗi cuộc đấu, nhất là với thể thao người khuyết tật, việc xác định đúng hạng thương tật là quan trọng nhất. Tuy nhiên, thành tích mà chúng ta đã mang về (trước khi lễ bế mạc diễn ra) là niềm tự hào đáng kể. Cách đây 4 năm trên đấu trường ở Asian Games 16-2014, chúng ta không đoạt được HCV nào. Trải qua ngần ấy thời gian, bây giờ thể thao người khuyết tật nói riêng đã có hướng đi cụ thể. Đặc biệt, trong đó phải kể đến các thành tích ấn tượng như mức tạ của Lê Văn Công là 181,5kg để xác lập KLTG mới hay Võ Thanh Tùng đạt 5 chiếc HCV cá nhân rồi Nguyễn Thành Trung vượt qua nghị lực để giành HCV trong nội dung của mình.

2. Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Việc phê chuẩn các Công ước vào thời điểm hiện nay là rất quan trọng, nó phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngoài ra còn nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực nhân quyền, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016”.

Điều này cho thấy, chúng ta rất quan tâm và coi trọng những đóng góp của người khuyết tật. Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền, xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia nhằm bảo vệ, đẩy mạnh các quyền này.

Với lĩnh vực thể thao, trong thành tích chung của các VĐV thể thao người khuyết tật tại Asean Para Games và Asian Para Games, tất cả đều được đánh giá cao về thành tích. Đơn cử như ở Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á đang thi đấu tại Incheon, đoàn Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Hẳn nhiên, đem so sánh giữa thể thao thành tích cao với thể thao người khuyết tật sẽ là khiên cưỡng do từng lĩnh vực có sự khác biệt nhau. Nhìn chung, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã đạt được mục tiêu như đề ra.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục