Thất vọng “ông chủ” sân Mỹ Đình

10:35 Thứ bảy 15/06/2013

“Là đơn vị tự chủ về kinh tế, chúng tôi phải thu lãi để tái sản xuất. Các ông ấy thu được tiền từ vụ này mà lại bắt chúng tôi nai lưng ra để phục vụ sao! Các ông ăn thì cũng phải cho chúng tôi ngụm nước, cốc bia chứ!” - Đó là phát biểu của ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình, khi trả lời báo chí về việc hét giá trên trời với ban tổ chức trận Tuyển Việt Nam - Arsenal vào ngày 17-7 tới.

Thú thật, tôi không hình dung nổi một cán bộ của Nhà nước lại ăn nói như dân hàng tôm hàng cá thế kia.


Xin tóm tắt câu chuyện này như sau: Ban quản lý sân Mỹ Đình vừa đưa ra giá thuê sân này để tổ chức trận Tuyển VN - Arsenal là 1,5 tỷ đồng. Ông Lê Hùng Dũng - Phó chủ tịch VFF (Liên đoàn bóng đá VN), đồng thời cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, nhà đồng tài trợ chính tổ chức trận đấu - đã phản ứng gay gắt về mức giá này. Thứ nhất, ông chứng minh rằng tổ chức trận đấu này chỉ thắng về mặt dư luận, chứ về tài chính thì lỗ to khi bỏ ra khoảng 50 tỷ đồng, song chỉ thu về được khoảng phân nửa. Thứ hai, vào năm 2008, khi tổ chức trận Tuyển VN - Olympic Brazil, sân Mỹ Đình tính chi phí là 300 triệu đồng. Sau 5 năm, cho dù có tính trượt giá một cách sòng phẳng thì cũng chỉ vào khoảng 500 triệu, thậm chí là gấp đôi mà thôi; chứ không thể có giá 1,5 tỷ đồng. Vì vậy, ông Dũng cứng rắn tuyên bố: Nếu sân Mỹ Đình vẫn cương quyết giữ mức giá trên trời đó thì Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai sẵn sàng hủy trận đấu, chấp nhận đền bù cho Arsenal.

Ở đây, chúng ta có thể thấy cách hành xử của lãnh đạo sân Mỹ Đình là không thể chấp nhận được. Nếu ông Cấn Văn Nghĩa thật lòng tin rằng phi vụ mời Arsenal giúp Hoàng Anh Gia Lai và Eximbank “có ăn” thì cần phải xem lại năng lực của một người quản lý thể thao, khi chẳng biết tính toán gì về kinh tế thể thao. Thứ hai, cho dù Hoàng Anh Gia Lai và Eximbank “có ăn” đi nữa, thì với đạo đức kinh doanh, không ai có thể nâng giá vô tội vạ theo kiểu “xem mặt đặt tên” như thế. Đó là kiểu kinh doanh của con phe, sẵn sàng bắt chẹt khách hàng khi họ lâm vào thế không có chọn lựa nào khác.

Có thể nói Ban quản lý sân Mỹ Đình ngày càng trở nên kỳ dị. Năm 2003, sân này được xây để phục vụ SEA Games 22 và đã được khẳng định nó đóng vai trò vào sự phát triển thể thao đỉnh cao. Dĩ nhiên, nó cũng cần được kinh doanh, khai thác về mặt kinh tế để bớt gánh nặng cho ngân sách. Với mục tiêu thứ nhất, chúng ta đã thấy sân này không những không góp phần giúp thể thao đỉnh cao phát triển (cụ thể là với các đội tuyển bóng đá) thậm chí còn gây khó dễ, cản trở. Ông Calisto khi còn dẫn dắt đội tuyển bóng đá nam đã nhiều lần nổi đóa vì những việc làm gây khó dễ của ban quản lý sân, đồng thời để chất lượng mặt sân cỏ ngày càng xuống cấp. Ở mục tiêu làm kinh tế thì dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng phê phán Ban quản lý sân Mỹ Đình khi toàn cho thuê mặt bằng một cách nhếch nhác, thậm chí có lúc lại cho cả dân tập golf vào sân cỏ bóng đá tập luyện gây ảnh hưởng đến mặt sân.

Đau một nỗi, sân này giờ đây đã thoát khỏi sự quản lý của Tổng cục TDTT mà trở thành nơi trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch. Vì vậy, họ xem Tổng cục TDTT với VFF là “cây đinh” gì!
Nhất Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục