Thành tích của đoàn VĐV khuyết tật Việt Nam là một thành công

13:16 Thứ tư 22/01/2014 | 4| 11

Sau 5 ngày tranh tài thi đấu sôi nổi tại ASEAN Para Games VII- Myanmar 2014, đoàn VĐV khuyết tật của Việt Nam với nhiều nỗ lực phấn đấu ở 6 môn thể thao bao gồm: Điền kinh, Bơi lội, Bóng bàn, Cử tạ, Cờ vua và Boccia. Thành tích của đoàn TTNKT Việt Nam tại Đại hội này với 48 HCV- 66 HCB- 72 HCĐ, xếp thứ 4 toàn đoàn/ 11 nước tham dự. Thành tích này là một thành công của đoàn TTNKT Việt Nam tại ASEAN Para Games VII. Phóng viên Báo Thể thao Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Thế Phiệt- Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam , TTK Hiệp hội Paralympic Việt Nam tại Đại hội về những thành công của đoàn.

Thưa ông, ông có thể nhận xét chung về đoàn VĐV khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội này?

Ông Vũ Thế Phiệt: Trong những ngày thi đấu vừa qua tại ASEAN Para Games VII, đoàn VĐV khuyết tật của Việt Nam đã phấn đấu hết mình ở tất cả các nội dung, môn thể thao mà mình tham dự. Mặc dù chúng ta không còn nằm trong tốp 3 khu vực Đông Nam Á, kết quả là xếp thứ 4 trong tổng số 11 nước tham dự . Đó không phải là thất bại! Trong thi đấu thể thao, có những niềm vui chiến thắng và cả những thất bại là điều tất yếu. Cốt lõi từ thực tế đã cho thấy: Trong các kỳ ASEAN Para Games mà chúng ta tham dự từ trước tới nay, thành tích tại Đại hội này là một sự bứt phá chưa từng thấy. Chưa có một kỳ Đại hội nào mà chúng ta có tới 19 nội dung phá kỷ lục Đông Nam Á; 6 nội dung phá kỷ lục Châu Á. Đặc biệt có một thành tích một số nội dung ở môn Điền kinh (Ném lao, Ném đĩa) đã đạt ngang bằng với thành tích đạt kỷ lục Thế giới. Đó là những thành tích đáng mừng, là thông số quan trọng để thể thao người khuyết tật Việt Nam “tiệm cận” tham dự các giải vô địch, Đại hội cấp Châu lục cũng như Thế giới. Một số môn thể thao mới đưa vào, phong trào mới phát triển tại các địa phương như: Boccia, Cờ vua… cũng đã tham dự ASEAN Para Games VII. Tuy là môn mới, còn rất non trẻ nhưng các VĐV tham dự Đại hội đều giành thành tích đáng khích lệ.

Thành tích của đoàn VĐV khuyết tật Việt Nam là một thành công

Vậy ông có thể cho biết: “ Điểm rơi” của những nhà vô địch Đông Nam Á, Châu Á và ngang bằng kỷ lục Thế giới là ở những môn thể thao nào?

Ông Vũ Thế Phiệt: Thành tích đột phá mà các VĐV khuyết tật Việt Nam giành được tại Đại hội này được khẳng định chủ yếu là môn: Bơi lội và Cử tạ, sau đó là môn Điền kinh. Hầu hết các VĐV giành HCV ở các môn thể thao này không chỉ vượt lên thành tích của chính mình, mà đã phá kỷ lục Đông Nam Á. Trong đó, một số thành tích phá kỷ lục Châu Á của các VĐV như: Nguyễn Thành Trung ( Bơi lội), Đỗ Thanh Hải ( Bơi lội), Lê Văn Công ( Cử tạ), Châu Hoàng Tuyết Loan ( Cử tạ), Nguyễn Bình An ( Cử tạ). VĐV môn Điền kinh như: Cao Ngọc Hùng ( ném đĩa), Nguyễn Thị Hải ( ném lao) là những gương mặt VĐV xuất sắc tại Đại hội. Các VĐV này sẽ là niềm hy vọng của TTNKT Việt Nam được mong chờ vào ASIAN Para Games được tổ chức tại Inchuon- Hàn Quốc vào cuối năm 2014.

Ông có nhận xét gì khi tại Đại hội này, môn Điền kinh và Bóng bàn vốn là thế mạnh của đoàn TTNKT Việt Nam tại các kỳ Đại hội, nhưng ở lần tham dự này lại không đạt được thành tích như trước đây?

Ông Vũ Thế Phiệt: Điều này xuất phát từ thực tế khách quan mà chúng ta không thể tránh khỏi. ở môn Điền kinh, do BTC có nhiều thay đổi về cách thức ghép hạng thương tật, nội dung thi đấu… Có những nội dung là thế mạnh của Điền kinh Việt Nam thì BTC nước chủ nhà không đưa vào. Vì vậy, chúng ta không có cơ hội để được tham gia thi đấu. Đó là một khó khăn của môn Điền kinh. Còn với môn Bóng bàn, những thế hệ VĐV tham dự Đại hội này đều có tuổi, họ đã có trên 10 năm thi đấu và cũng rất nỗ lực rất nhiều. Nhưng, các nước trong khu vực có sự phát triển rất nhanh. Đặc biệt là Indonesia, kể từ khi nước này tổ chức ASEAN Para Games VI ( 2011), với sự đầu tư có chiều sâu trọng điểm, nên họ tiến bộ rất nhanh. Trong khi đó, đối thủ bóng bàn của chúng ta chủ yếu là những VĐV của Indonesia, do vậy chúng ta cũng có những hạn chế do khách quan.

Xếp thứ 4 toàn đoàn, vậy chúng ta đứng sau những nước nào, thưa ông? Sau Đại hội này, Hiệp hội Paralympic Việt Nam sẽ có chiến lược gì để tạo nên nguồn lực lượng VĐV kế cận dồi dào như các nước này?

Ông Vũ Thế Phiệt: Kết thúc Đại hội, Indonesia dẫn đầu với 217 huy chương ( 99 HCV- 69 HCB- 49 HCĐ); sau đó lần lượt là các nước Thái Lan, Maylaysia và thứ 4 là Việt Nam. Ngay cả nước chủ nhà Myanmar tại Đại hội này cũng có tiến bộ vượt bậc với 96 huy chương ( 34 HCV- 26 HCB- 36 HCĐ).Số lượng huy chương giữa 2 khoảng cách là chênh lệnh không đáng kể. Do đó, thành tích này vẫn là thành công của TTNKT Việt Nam. Để tạo nguồn lực lượng VĐV trẻ kế cận, bắt kịp với các nước trong khu vực, tôi nghĩ chúng ta cần có một chiến lược đầu tư trọng điểm. Đặc biệt, các địa phương có phong trào mạnh, chúng ta cần đầu tư , tổ chức các giải thể thao người khuyết tật hàng năm để tuyển chọn, đào tạo bài bản. Tuy nhiên, để thực hiện điều này chúng ta sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là “bài toán” cần có lời giải đáp của các cấp, ngành có liên quan và sự quan tâm, động viên của toàn xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Dũng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục