Thân phận Đời Thừa

18:16 Thứ tư 17/06/2015

(TinTheThao.com.vn) - Trong truyện ngắn Đời Thừa của Nam Cao, nhân vật Hộ là một nhà văn, anh luôn có khát khao cháy bỏng là viết được một tác phẩm để đời, tác phẩm ấy: “... Có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình,… Nó làm cho người gần người hơn”.

Ảnh: Hà Bạch

U23 Việt Nam, những chàng trai vừa bước qua ngưỡng tuổi 20, gánh vác một trách nhiệm dân tộc, trách nhiệm 50 năm giành lấy tấm huy chương vàng mà biết bao thế hệ mong mỏi. Những thế hệ Văn Quyến, Công Vinh,… rồi đến Long Giang, Tấn Trường,… giờ là Công Phượng, Hồng Quân hay Ngọc Hải,…

Bao thế hệ đi qua, cũng bấy nhiêu những thế hệ nuối tiếc. Như trong Đời Thừa, những thất bại ấy cũng rất gần với thất bại của nhân vật Hộ. Chúng ta mong ước một sự thay đổi, vượt qua được ranh giới mong manh mà đôi khi tưởng như vô tận. Đã có lúc chúng ta rất gần với chiếc huy chương vàng năm 2003, hay như năm 2009, nhưng trớ trêu thay, chúng ta luôn “gục ngã trước cánh cửa thiên đường”.

Luôn là như vậy.

Nếu ví tuyển U23 như nhân vật Hộ, thì những cổ động viên chúng ta cũng như nhân vật Từ - vợ của Hộ. Từ yêu thương chồng, bao nhiêu lần Hộ nhậu say đều đánh đập Từ, đuổi Từ khỏi nhà, nhưng chưa một lần Từ bỏ chồng. Cái tình yêu đó, rất gần với tình yêu của bao lứa cổ động viên Việt, chúng ta từng đắng cay khi phanh phui ra vụ án bán độ ở SEA Games 23, cũng từng vỡ òa ở đỉnh cao AFF 2008…
Bóng đá khiến chúng ta trải qua những cảm xúc lan man, đã vui thì vui tột độ, còn buồn thì rất chơi vơi. Sau trận đấu với Myanmar, tôi và mấy anh bạn xem cùng không thể hiểu tại sao Việt Nam lại thua, một trận thua chúng ta có quá nhiều cơ hội, áp đảo toàn diện, áp đặt được trận đấu, có bàn gỡ với lợi thế tâm lý, ấy thế mà bóng ma 2009 lại hiện về. Năm 2009, chúng ta cũng thua trận với 1 bàn thua tương tự, khi bóng đá đập chân Mai Xuân Hợp vào lưới Tấn Trường.

Một người từng nói: “Bóng đá là gì mà khiến chúng ta khóc nhiều đến vậy?”. Bóng đá về đơn thuần chỉ là một môn thể thao, nhưng rộng ra, đó là đam mê của biết bao cánh đàn ông con trai và các chị em cá tính, đó là xúc cảm khi lá cờ đỏ bay bay, những giọt nước mắt trên National Stadium tại Singapore.

Giữa một quốc gia xa lạ, những cầu thủ của chúng ta đã chiến đấu hết mình vì 90 triệu người ở cách đó hàng ngàn km… Vậy mà, sau trận đấu đó, rất nhiều những ngôn từ nặng đã được nói ra, tôi thiết nghĩ, đối với các cầu thủ, đó là một sự bất lực đến nghẹt thở, hơn ai hết, cầu thủ và BHL là những người muốn chiến thắng. Bạn có hiểu cảm giác dồn nén hết tâm can, thể lực, hy vọng,… nhưng rồi lại nhận thất bại hay không? Đớn đau thay, đó là là một thất bại không thể tin được, một thất bại khi chúng ta trên cơ hoàn toàn.

Giai đoạn 2011-2014 là “thời khắc đen tối” của bóng đá Việt, niềm tin như vụn vỡ, nhưng may sao chúng ta đã có U19, có Olympic Việt Nam tại Incheon, có một tuyển Việt Nam tại AFF và vừa giờ là một U23 tại Singapore, có thể chúng ta chưa có vàng, nhưng chúng ta có niềm tin. Niềm tin vẫn luôn là điều quan trọng nhất.

Sau cơn mưa lại sáng, và chúng ta lại vẫn tiếp tục ước mơ.

(Bạn đọc: Đỗ Duy Khánh)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục