Tết nghèo của dân thể thao

08:27 Chủ nhật 15/02/2015

Chẳng hề biết đến khái niệm thưởng, lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thất bại ở ASIAD 2014 nên cả nghìn VĐV, kể cả tuyển thủ quốc gia phải chấp nhận một cái tết nghèo và buồn. Rất nhiều người về nhà với vài trăm nghìn, thậm chí phải chọn cách ở lại luôn trên tuyển.

“Bay” mất 16 tỉ đồng tiền thưởng

Năm 2014 có một “sự kiện” đã đánh cực mạnh vào cái tết của VĐV chính là ASIAD nơi đoàn thể thao chỉ cử đi một lực lượng khiêm tốn chưa đến 300 tuyển thủ, với một kết quả tệ hại. Thành tích kém, dĩ nhiên tiền thưởng ít, tổng cộng chỉ có 3,1 tỉ đồng, coi như “bay” mất tới 16 tỉ đồng so với 19 tỉ đồng của năm 2013 có SEA Games.

Cả làng thể thao năm ngoái sớm vui như tết vì có tới cả 500 VĐV có thưởng, với mức phổ biến khoảng 15-20 triệu đồng, một số còn nhận cả trăm triệu. Đơn giản nhất, chỉ cần đoạt 1 tấm HCĐ, 1 tuyển thủ cũng đã có 10 triệu đồng, chí ít cũng đủ lo cái tết tương đối cho gia đình. Còn bây giờ, vẫn hàng nghìn tuyển thủ của 30 môn tập huấn ròng rã cả năm song chưa đến 100 người có thưởng, mà cũng thấp hơn hẳn năm trước. Càng đáng nói hơn vì tổng thu nhập của một tuyển thủ quốc gia hàng đầu mỗi tháng tối đa cũng vỏn vẹn 3,6 triệu đồng, phải tằn tiện lắm mới đủ chi dùng hằng ngày, lấy đâu ra để tích lũy.

Không thu nhập tháng 13, chẳng quỹ này nguồn nọ

Câu chuyện thưởng tết bằng tháng thu nhập thứ 13 là điều VĐV thể thao không bao giờ dám mơ, bởi việc tập huấn thi đấu của họ hằng năm hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp. Rồi việc có thưởng trích từ nguồn này nguồn khác theo kiểu công đoàn hay xã hội hóa cũng tuyệt nhiên không có. Đến quỹ hỗ trợ điều trị, hỗ trợ cho VĐV chấn thương, ngành thể thao còn chưa thành lập nổi, nói gì đến quỹ thưởng tết.

Như một nghịch lý kéo dài, thể thao luôn được coi như một nghề đặc thù, song chỉ nói riêng cái tết, họ thậm chí còn thua cả lao động phổ thông, mà như ví von đầy cay đắng của chính người trong cuộc thì “oshin còn có thưởng tết từ các gia chủ, còn tuyển thủ thể thao quốc gia thì không”. Càng đắng lòng hơn, bởi hầu hết các VĐV hiện tại đều là lao động hợp đồng, lại theo kiểu… thể thao. Có nghĩa là, mọi chế độ chính sách đều căn cứ vào số ngày tập luyện, hay thành tích tại các giải đấu. Ráo mồ hôi, hay thi đấu thất bại, coi như họ trắng tay. Bài toán thưởng tết hay thu nhập nói chung của VĐV còn trở nên hết sức bế tắc bởi cả ngành thể thao, từ trung ương đến địa phương, đều hoạt động bằng nguồn kinh phí nhà nước, và thuộc lĩnh vực nghèo nhất, nên có thương quân cũng đành bó tay, như sự thừa nhận đầy trăn trở của Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng.

Về quê đón tết bằng vài ngày ăn “tạm ứng”

Thực tế các nơi cũng đều tổ chức buổi gặp mặt, liên hoan tất niên cho VĐV song cũng chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, chứ chính lãnh đạo cũng cảm thấy… đắng lòng khi tết thể thao nghèo quá. Ngành thể thao chỉ cố gắng tặng VĐV 1 gói quà nhỏ cùng tờ lịch, chỗ nào quan tâm hơn có thêm vài trăm nghìn tiêu vặt. Họa hoằn lắm mới có một số trường hợp ngôi sao hàng đầu như Lừu Thị Duyên (boxing), Hà Thanh (thể dục), Phạm Thị Bình (điền kinh) được đơn vị chủ quản thưởng tết riêng, theo diện đặc cách, mà cũng chỉ vài triệu.

Thật khó tin nguồn duy nhất mà các VĐV có thể trông đợi gọi là có chút dắt lưng về quê ăn tết lại chính là khoản tiền ăn được linh động “cắt” trong những ngày không tập trung. Nhiều như các tuyển thủ quốc gia cũng mới khoảng 1,8 triệu đồng cho 9 ngày, còn chiếm đa số, với các VĐV tuyến trẻ của các địa phương chỉ từ 500- 700 nghìn đồng. Số tiền này, chỉ đủ họ mua một bộ quần áo cho riêng mình, hay góp tết với bố mẹ cho đỡ tủi thân.

Tết năm nào, ở ngay các ĐTQG cũng có không ít tuyển thủ, nhất là những người ở xa và chưa có gia đình, không về quê ăn tết, vì nhiều lý do song suy cho cùng cũng bởi không có đủ tiền. Chuyện này lại càng phổ biến với các đội tuyến trẻ ở các tỉnh nghèo. Nếu về quê, có khi lại làm khổ thêm cho gia đình. Họ đành ở lại cùng nhau đóng góp ăn một cái tết buồn trong phòng ở, có cũng như không. Nhiều người đã phải lấy chính việc ra sân tập để vơi đi nỗi niềm, cũng như cho mấy ngày tết qua mau.

Lần đầu tiên các ĐTQG chỉ nghỉ tết 4 ngày

Do SEA Games 28 tổ chức ngay vào tháng 6 nên lần đầu tiên ngành thể thao quyết định chỉ cho các ĐTQG nghỉ tết đúng 4 ngày, bắt đầu từ 30 đến hết ngày 3 tết. Từ mùng 4, tất cả các tuyển thủ sẽ quay trở lại tập luyện bình thường để bước ngay vào một chiến dịch cao điểm chuẩn bị cho kỳ SEA Games được dự báo gian khó nhất với thể thao Việt Nam kể từ 2003. Vì điều tài chính ảm đạm chung, lại nghỉ quá ngắn nên rất nhiều tuyển thủ đã phải chấp nhận không về nhà, ăn tết luôn tại các trung tâm, dù ngành thể thao thông báo sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí di chuyển.

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục