Tây du ký và giấc mơ bóng đá của người Trung Hoa

19:51 Thứ tư 19/10/2016 | 4

TinTheThao.com.vnNgày xưa, thầy trò Đường Tăng đã “Tây du” sang đất Phật để thỉnh chân kinh, tu thành chính quả, giáo hóa chúng sinh. Ngày nay, người Trung Quốc lại chọn con đường “Tây du” để phát triển nền bóng đá. Liệu họ có thành công?

Trong tuyệt tác Tây du ký, mặc dù Đường Tăng có 3 đồ đệ, đứng đầu là Tôn Ngộ Không, ai nấy đều pháp thuật cao cường, thần thông biến hóa, chỉ cần một cái nhún vai là cả thầy lẫn trò đều đến được Tây Trúc nhưng để thỉnh được “chân kinh” thì Đường Tăng cùng các đồ đệ phải “thành tâm hướng Phật”, trải qua 81 kiếp nạn, đối diện với thập tử nhất sinh mới tu thành chính quả. Đó cũng là bài học cho những ai muốn thành công.

Chinese-Super-League-1

 Trung Quốc bỏ rất nhiều tiền để chiêu mộ những ngôi sao nước ngoài về thi đấu ở giải Chinese Super League. Ảnh: Internet.

Trở về thực tại, trong nhiều năm qua, người Trung Quốc luôn ôm mộng sánh vai cùng các cường quốc bóng đá trên thế giới. Thế nhưng, ngoại trừ World cup 2002, đất nước đông dân nhất thế giới luôn là kẻ ngoài cuộc mỗi khi vòng chung kết World cup khởi tranh. Tất nhiên, Trung Quốc không cam chịu thực tại. Một chiến lược phát triển bóng đá quy mô lớn được vạch ra và đi kèm với nó là những tham vọng không biên giới. Giống như thầy trò Đường Tăng, bóng đá Trung Quốc cũng chọn con đường “Tây du” nhưng họ không dừng lại ở đất nước Ấn Độ như trong tiểu thuyết Tây du ký mà mục tiêu của họ là các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Đường đi nước bước của họ cũng không chông gai khổ ải như thầy trò Đường Tăng. Người Trung Quốc muốn một bước hóa rồng.

Tỷ phú người Mỹ John D.Rockefeller đã có câu nói kinh điển: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhận định của “ông vua dầu lửa” đã trở thành triết lý thống trị thế giới. Với “dân đàn anh đàn chị”, quan điểm trên được phát triển thành: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng tiền cộng sự đe dọa”. Và cách làm bóng đá của người Trung Quốc đang là sự kết hợp giữa hai quan điểm ấy.

Với tiềm lực tài chính dồi dào, các câu lạc bộ Trung Quốc đã chiêu mộ các ngôi sao đang thi đấu ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu như Pelle, Hulk, Ezequiel Lavezzi hay Jackson Martinez,... Từ “cái ao làng”, giải Chinese Super League ngay lập tức được cả thế giới chú ý. Chưa dừng lại, người Trung Quốc tiếp tục “chiêu binh mãi mã” bằng cách lôi kéo hàng loạt chiến lược gia tên tuổi như Sven-Goran Eriksson, Luiz Felipe Scolari và Felix Magath. Cùng với đó, các tập đoàn giàu có của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở các câu lạc bộ nổi tiếng tại lục địa già. Có thể kể đến tập đoàn Dalian Wanda Group (mua 20% cổ phần của Atletico Madrid) hay mới đây nhất, tập đoàn Suning Holdings đã thâu tóm Inter Milan.

Đáng chú ý hơn, vào tháng 10 năm 2015, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân chinh đến nước Anh, tham quan cơ sở hạ tầng của câu lạc bộ Manchester City. Ngay tức khắc, giới đầu tư Trung Quốc đã thâu tóm 400 triệu đôla cổ phần của đội chủ sân Etihad. Đó là một thông điệp đầy đanh thép mà người Trung Quốc gửi đến toàn thế giới.

Thế nhưng, thành tích trên sân cỏ chưa thể tương xứng với công sức mà người Trung Quốc đã bỏ ra. Tại vòng loại thứ 3 World cup 2018 khu vực châu Á, Trung Quốc chỉ giành được 1 trận hòa, đứng cuối bảng xếp hạng và nguy cơ lỡ hẹn với nước Nga 2 năm tới đã ngày một gần kề. Không chịu nổi áp lực, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Trung Quốc Gao Hongbo đã nộp đơn từ chức. Trước khi rời cương vị, ông Gao Hongbo đã chua chát thừa nhận: “Ở các đội bóng hàng đầu Trung Quốc, bộ khung đội hình đều là những cầu thủ nước ngoài. Vì vậy, các cầu thủ Trung Quốc không có nhiều cơ hội ra sân. Tôi gặp khá nhiều khó khăn khi triệu tập các cầu thủ lên tuyển.”

Chinese-Super-League-2

 Đội tuyển Trung Quốc liên tiếp đón nhận thất bại tại vòng loại World Cup 2018. Ảnh: Internet.

Thế mới thấy, cách làm bóng đá của người Trung Quốc đang lợi bất cập hại. Muốn được như “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”, người Trung Quốc cần phát huy sức mạnh nội sinh, trong đó trọng tâm là chất lượng đào tạo trẻ giúp bóng đá Trung Quốc có những con người đủ tài năng, bản lĩnh để tranh tài cùng các quốc gia khác trong khu vực chứ không thể dùng sức mạnh kim tiền mua các ngôi sao sáng giá với mục đích khuếch trương thương hiệu như làm kinh tế.

Khi xưa, thầy trò Đường Tăng trải qua 81 kiếp nạn mới thỉnh được chân kinh, tu thành chính quả thì ngày nay, bóng đá Trung Quốc cũng phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đi lên từ đôi chân của chính mình mới thu về những thành tựu như mong muốn.

(Bạn đọc: Hải Đoàn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

19:20 19/10/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục