Tại sao Bundesliga vẫn hấp dẫn?

19:03 Thứ hai 24/06/2019

TinTheThao.com.vnMặc dù không thường xuyên có những nhà vô địch châu Âu như Anh, Italia hay Tây Ban Nha nhưng sức hút của các trận đấu tại Bundesliga vẫn không thể xem thường với lượng cổ động viên đông kỷ lục đến sân theo dõi các trận đấu. Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của Bundesliga?

Trong nhiều năm qua, con số khán giả đến sân theo dõi các trận đấu tại Bundesliga luôn là kỷ lục của châu Âu. Có tới 9 trong số 20 CLB bóng đá có số khán giả trung bình đến sân cao nhất ở châu Âu đang chơi bóng ở Bundesliga mùa giải vừa rồi. Thậm chí, hai đội bóng đang đá ở Bundesliga 2 của Đức là Hamburg và Cologne còn xếp trên cả những CLB hàng đầu như Liverpool, PSG, Chelsea hay Tottenham. Con số khán giả trung bình đến sân ở Bundesliga mùa bóng 20018/2019 là 43.451 người mỗi trận.

 - Bóng Đá

Bundesliga là giải đấu có lượng cổ động viên trực tiếp đến sân trung bình mỗi trận đông nhất châu Âu.

Thực tế thì con số trên đã giảm hơn mùa giải trước đó một chút khi hai trong số những đội bóng có đông khán giả nhất của Bundesliga mới xuống hạng trước đó là Hamburg và Cologne. Dẫu vậy, con số này vẫn vượt trội so với giải đấu vốn vẫn được coi là hấp dẫn nhất thế giới là Premier League của Anh với chỉ trung bình 37.896 người đến sân mỗi trận.

Để tạo nên con số khán giả trực tiếp lớn đến như vậy, điều đầu tiên cần nhắc tới là cơ sở vật chất tuyệt vời của các đội bóng ở Bundesliga. Sau World Cup 2006, hàng chục sân vận động ở Đức được xây mới, nâng cấp và được xếp trong nhóm những sân bóng đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà người Đức lại đầu tư nhiều tiền của như vậy cho các sân bóng bởi vì họ luôn biết rằng, dẫu các sân bóng có lớn hơn nữa thì nó vẫn luôn có thể được lấp đầy.

 - Bóng Đá

 Một trận đấu ở Bundesliga.

Đạo luật nổi tiếng nhất của bóng đá Đức có lẽ là đạo luật 50+1 cho phép các cổ động viên luôn nắm được quyền kiểm soát đội bóng bằng những cổ phần nhỏ nhất của mình. Các CLB của Đức có sự gắn bó chặt chẽ với người hâm mộ thông qua từng cổ phần đóng góp, khiến cho mọi hoạt động bóng đá của họ đều hướng về người hâm mộ và cộng đồng.

Bên cạnh đó thì trong những năm qua, người ta nói nhiều về sự lột xác của bóng đá Đức với công tác đào tạo trẻ. Nhiều người tưởng rằng, chỉ từ sau năm 2000, bóng đá Đức mới bắt đầu đào tạo trẻ nhưng thực tế không phải như vậy. Người Đức đã đầu tư cho bóng đá từ lâu. Hằng năm, chính phủ Đức đều có ngân sách riêng cấp cho liên đoàn bóng đá để phục vụ đào tạo trẻ. Một tư duy hiếm gặp ở cấp độ cao nhất tại một quốc gia đó là việc đào tạo của bóng đá gắn liền với giáo dục. Ở đó, bóng đá trẻ không chỉ nhắm đến cầu thủ trẻ, bóng đá trẻ chính là đào tạo con người.

 - Bóng Đá

Các cầu thủ ở Đức ít dính scandal hơn hẳn những đồng nghiệp ở nơi khác.

Ở Đức hiện có 7 triệu người đá bóng thường xuyên. Đây là con số thống kê chính thức số lượng người có đăng ký trong các CLB bóng đá trên khắp nước Đức và nó chiếm khoảng gần 10% dân số. Chỉ riêng điều đó thôi cũng cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của bóng đá tới đất nước này. Vì vậy, khi công tác đào tạo tốt, đặc biệt hiện nay là xu hướng áp dụng khoa học công nghệ, bóng đá Đức được hưởng lợi, người dân Đức cũng được hưởng lợi để nâng cao sức khỏe.

Trong công tác đào tạo, bóng đá Đức không chỉ chú tâm vào việc tạo nên những cầu thủ siêu sao mà họ tập trung vào đào tạo con người. Một cầu thủ trẻ luôn được gắn với một người giám hộ ngay từ bé. Điều này đảm bảo cho cầu thủ Đức không chỉ thành công trên sân cỏ mà còn có cơ hội tiến xa trong cuộc sống. Không có nền bóng đá nào mà các cầu thủ sau khi giải nghệ duy trì được những công việc ở tầm lãnh đạo và quản lý nhiều như trong bóng đá Đức. Những huyền thoại của quá khứ như Franz Beckenbauer, Karl Heinz Rummenigger hay Uli Hoeness đều tiếp tục nổi bật trong vai trò quản lý. Những thế hệ sau cũng nổi lên với Oliver Bierhoff, Rudi Voller hay giờ là Philipp Lahm, người được cho là sẽ sớm trở thành chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Đức. Các cầu thủ Đức cũng thường tránh xa được với những scandal hơn hẳn những đồng nghiệp khác của mình. Từ bóng đá, họ đã tạo nên những con người toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.

 - Bóng Đá

 Các đội bóng Bundesliga luôn có những chính sách ưu tiên cho cổ động viên trung thành và cổ động viên nhí.

Với người Đức, họ làm bóng đá không chỉ vì danh hiệu. Bóng đá cũng cần mang lại lợi nhuận và mỗi năm, các CLB Đức đóng thuế hơn 1 tỷ euro và liên tục tăng trong 10 năm qua. Các CLB cũng tạo ra hơn nửa triệu việc làm thường xuyên. Khi một trận đấu diễn ra, hàng nghìn người phục vụ trên sân. Hàng chục nghìn người khác được giải trí và tiêu tiền. Giá vé vào sân rẻ, chính sách gắn bó ưu tiên cho những cổ động viên trung thành và cổ động viên nhí khiến cho các SVĐ luôn được lấp đầy. Về sự gắn bó về cảm xúc, tinh thần lẫn giá trị vật chất thì mối liên hệ giữa các CĐV và CLB ở Đức là số 1. Những SVĐ đẹp nhất thế giới mỗi tuần đều chật kín khán giả. Đến cả một đội bóng mới thành lập như RB Leipzig còn sẵn sàng đưa ra kế hoạch xây một SVĐ mới tới 70.000 chỗ trong thời gian tới thì ta mới thấy choáng váng nếu nhìn lại những SVĐ của các CLB hàng đầu khác ở châu Âu. Hãy nhớ Allianz Stadium của Juventus chỉ có 41.000 chỗ ngồi, còn sân Emirates của Arsenal là 60.000 chỗ.

Sau cuộc cách mạng những năm 2000, bóng đá Đức mang đến một bộ mặt tươi mới hơn. Lối chơi tấn công hấp dẫn và những cầu thủ trẻ giàu khát vọng càng làm cho khán giả thêm yêu mến thứ bóng đá mà họ được thưởng thức. Đã qua rất lâu rồi cái thời mà nhắc đến bóng đá Đức là nhắc đến hình ảnh của một cỗ xe tăng chắc chắn, chậm chạp nhưng thiếu đi sức hút. Chính vì thế, Bundesliga đang ngày càng trở thành giải đấu hấp dẫn hơn trong mắt người hâm mộ không chỉ ở Đức mà còn trên toàn thế giới.

Long Win | 18:00 24/06/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục