Sự tương phản trong bảng xếp hạng của FIFA: Bi hài một nền bóng đá!

19:30 Thứ sáu 11/05/2012

Có nên hãnh diện không khi mà danh hiệu vua ĐNA của Việt Nam giành được là do bị loại quá sớm nên đã không có "cơ hội" để nhận những điểm trừ và những trận thua muối mặt tại vòng loại World Cup.

Bảng xếp hạng tháng 4 của FIFA tiếp tục “ấn” ĐTVN ở vị trí thứ 97, đồng thời tiếp tục là đội bóng số 1 ĐNA. Cùng lúc ấy những loạt trận cuối cùng của vòng bảng AFC Cup, các đại diện bóng đá Việt Nam như Navibank Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An đều đã bị loại chóng vánh, trong đó Navibank Sài Gòn đã thua CLB Arema của Indonesia với tỷ số kinh hoàng 2-6. Tại sao thứ hạng của ĐTQG trên đấu trường quốc tế không ngừng đi lên nhưng thứ hạng của các CLB Việt Nam trên đấu trường này lại không ngừng đi xuống?

1. Trong một bài báo hồi tháng 3, CAND đã phân tích rất kỹ những nghịch lý trong cách tính điểm xếp hạng FIFA để lý giải việc ĐTVN bỏ xa cả Thái Lan, Singapore lẫn Malaysia để “hiên ngang”dẫn đầu khu vực. Cách tính điểm mà qua đó, bóng đá Thái, bóng đá Sing đã nhận điểm trừ rất lớn do đã thua những trận thua muối mặt tại vòng loại World Cup, trong khi ĐTVN vì đã bị loại quá sớm nên đã không còn “cơ hội” để thua, và qua đó không bị nhận điểm trừ.

Thế nên đến tháng 4 này, khi ĐTVN tiếp tục đứng ở vị trí thứ 97 để tiếp tục dẫn đầu ĐNA thì chắc chắn không một fan hâm mộ bóng đá có hiểu biết nào lại nhìn vào đó để mà… hãnh diện. Càng không thể hãnh diện hơn nếu biết rằng trong quá trình chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2012, chúng ta vẫn mãi loay hoay trong việc tìm kiếm một ông HLV trưởng.

2. Trong khi ngôi vị số 1 ảo trên bảng tổng sắp FIFA của ĐTVN không làm ai hãnh diện, thì những cái thua tan tác của những đại diện bóng đá Việt Nam tại sân chơi châu lục lại khiến người ta phải nghĩ rất nhiều.

Nghĩ về việc ở trận lượt đi, Navibank Sài Gòn từng thắng dễ như trở bàn tay trước Arema (Indonesia), tại sao đến lượt về lại thua thảm tới 6 bàn như thế? Nghĩ về việc trong cả 3 trận cuối cùng ở vòng đấu bảng AFC Cup năm nay, tại sao Navibank Sài Gòn lại đá như thể mất hồn, dù nhìn vào tương quan lực lượng, ai cũng thấy đại diện Việt Nam không thua gì đối thủ?

Cầu thủ Navibank Sài Gòn (phải) đã “gục ngã” thảm hại tại AFC Cup năm nay. Ảnh: Quang Minh.

Và tất nhiên, cũng không thể không nghĩ đến những trận đấu mà Sông Lam Nghệ An chủ động tung vào sân cả một dàn cầu thủ dự bị để thua thảm, thua nhanh, qua đó bị loại rất nhanh?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì trong 3 trận làm khách tại AFC Cup năm nay, các đại diện Việt Nam được AFC hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, VFF hỗ trợ 200 triệu đồng, và như vậy số tiền tổng cộng vào khoảng 1,4 tỷ đồng. Nhưng theo tính toán của các lãnh đội Navibank Sài Gòn thì một chuyến xuất ngoại ngốn khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, và 3 chuyến như thế khiến đội bóng này mất cả thảy trên dưới 3 tỷ đồng .

So sánh con số 3 tỷ ấy với tổng cộng 1,4 tỷ được hỗ trợ nói trên, dễ thấy đội bóng này “lỗ” khoảng 1,5 tỷ. Và vì vậy lý do buông súng của các đội bóng Việt Nam tại sân chơi châu lục trước hết nằm trọn ở một chữ… tiền.

3. Thật ra thì trong quá khứ, cũng có những lúc chính các ông bầu bóng đá từng tuyên bố “tiền không là vấn đề gì”, và “hãy đá hết mình ở AFC Cup để càng vào sâu càng tốt”.

Đấy là trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai năm 2004 hay Becamex Bình Dương năm 2009, nhưng sau những trường hợp “đột biến” hiếm hoi ấy, khi mà các CLB Việt Nam nhận ra một sự thật trớ trêu: “ngay cả khi chơi hết ga hết số” thì mình cũng không đấu nổi những đội bóng mạnh ở châu lục, và khi mà hơi thở V.League cứ phả độ nóng vào sau gáy thì tất cả lại đã nhanh chóng giã từ AFC Cup để trở về cái ao nhà mình. Thế nên ông GĐĐH Hồ Văn Chiêm có lý khi nói rằng bên cạnh chuyện tiền bạc còn là chuyện “ý thức chuyên nghiệp” nữa.

Ở đây, có một vấn đề nhức nhối cần phải đặt ra, đó là khi bản thân các cầu thủ đã hiểu rõ ý đồ của lãnh đội, và biết lãnh đội muốn “buông”, liệu họ có lợi dụng cái ý đồ đó để “đánh quả” riêng hay không? Hỏi thế là bởi khi nhìn vào kết quả thi đấu của Navibank Sài Gòn tại AFC Cup năm nay, dân anh chị trong làng cá cược đã có lúc mắt tròn mắt dẹt nói với nhau: Sao kết quả ấy lại trùng với “tỷ lệ kèo” của các nhà cái châu Á như thế nhỉ?

4. Năm nào các CLB Việt Nam cũng “phải” dự AFC Cup, và năm nào người ta cũng phải lấn cấn về việc lãnh đội các CLB muốn buông và các cầu thủ muốn lợi dụng cái tư tưởng buông để mà… kiếm lợi.

Càng nghĩ càng thấy bi hài cho một nền bóng đá vừa có ĐTQG đứng ở vị trí số 1 ĐNA, trong bảng xếp hạng mới nhất của FIFA!




Chẳng thà nộp tiền, trốn giải còn hơn!?

Trước việc các CLB Việt Nam những năm gần đây chưa đá đã tung cờ trắng tại đấu trường AFC Cup, trên nhiều diễn đàn bóng đá, đã có những hội CĐV kêu gọi các đội bóng Việt Nam trong những năm tới hãy nộp tiền phạt, để không phải tham dự sân chơi này.

Thực tế thì trong quá khứ, CLB Sông Lam Nghệ An cũng từng một lần nộp tiền phạt để “trốn” AFC Cup, tuy nhiên theo quan điểm của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thì đấy chỉ là một cách làm chẳng đặng đừng mà thôi. Bởi nếu các CLB cứ thi nhau nộp tiền trốn giải như thế, chắc chắn AFC và FIFA sẽ có những ấn tượng rất xấu về BĐVN, và đấy là một điều đại kỵ.

Ngọc Anh

Tổng cục TDTT chỉ đạo VFF về việc chọn thầy cho ĐTQG

Chiều qua, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã làm việc với PCT VFF Phạm Ngọc Viễn cùng TTK VFF Ngô Lê Bằng quanh việc tìm kiếm HLV trưởng ĐTVN. Trong buổi làm việc này Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn chỉ đạo rõ với các lãnh đạo VFF 3 vấn đề.

Với những chỉ đạo cụ thể như vậy, xem ra VFF sẽ phải mở rộng diện tuyển chọn, chứ không thể trung thành với phương án cố gắng thuyết phục một trong 3 ƯCV là Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng – những người chỉ muốn làm việc kiêm nhiệm và làm việc với một bản hợp đồng ngắn hạn.

Tuấn Thành
Diệp Xưa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục