Sự thật của sự thật: Sự thật trần trụi về thảm họa Munich 1958

14:44 Thứ năm 28/11/2013

55 năm sau cái ngày đen tối nhất trong lịch sử CLB Manchester United cũng như bóng đá nhân loại, chúng ta vẫn bị che mắt về nguyên nhân thật sự của tấn thảm kịch có tên “Munich 1958”. Nếu ai đó cho rằng nỗi đau đớn ấy hãy để quá khứ vùi chôn cùng với thi thể của 23 người trên chuyến bay xấu số, thì ắt hẳn họ đã nhầm. Chúng ta cần làm rõ những gì đã diễn ra trước, trong, sau thảm họa và hơn hết, phải có ai đó bị đưa ra ánh sáng để hiện tại và tương lai không bao giờ có những sự việc như thế tái diễn.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi






Tham vọng của “Busby Babes”

Ngày 6/2/1958, chuyến bay có số hiệu 609 của hãng hàng không British European Airways mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như một trong những chuyến bay chết chóc, thương tâm nhất. So với những tai nạn hàng không khác, có thể thiệt hại về người hay tài sản của vụ tai nạn tại sân bay thành phố Munich không quá khốc liệt với 23 nạn nhân tử nạn trong số 44 hành khách, phi hành đoàn có mặt trên chiếc máy bay. Tuy nhiên, nó đã mãi mãi lấy đi của CLB M.U cũng như làng bóng đá thế giới một trong những thế hệ tài năng nhất, những cái tên hứa hẹn sẽ làm nên những điều phi thường mà người ta vẫn tiếc nuối khi nhắc đến: “Những đứa trẻ của Busby”.

Ngày 5/2/1958, M.U cầm hòa Sao Đỏ Belgrade 3-3 trên đất Nam Tư (nay là Serbia), trước đó đã giành chiến thắng 2-1 tại Old Trafford, để tiến vào vòng bán kết Cúp châu Âu mùa 1957/58. Sau đêm đập phá tưng bừng ăn mừng công trạng, sáng ngày hôm sau thầy trò Matt Busby hỏa tốc đáp chuyến bay về nước Anh để kịp dự trận đấu với Sheffield Wednesday tại FA Cup. Đây là mùa giải mà đội bóng hiện có biệt danh “Quỷ đỏ” đặt mục tiêu đoạt cú ăn 3: Bảo vệ ngôi vô địch nước Anh, đoạt Cúp FA và Cúp châu Âu. Chỉ có điều, thảm họa đã ập xuống đầu họ và phải đến 41 năm sau, M.U dưới bàn tay chỉ đạo của Sir Alex Ferguson mới hiện thực hóa được tham vọng.

Sự thật trần trụi về thảm họa Munich 1958

Thảm kịch Munich 1958

Trong lịch trình, cơ trưởng James Thain cùng viên phi công Kenneth Rayment quyết định đỗ xuống sân bay thành phố Munich để tiếp nhiên liệu. Rủi thay, khi gần hạ cánh thì phi hành đoàn mới phát hiện ra tuyết rơi rất dày và bầu trời Munich bị bao phủ một màu trắng băng. Theo dự tính, thời gian tiếp nhiên liệu chỉ vào khoảng 20 phút nên toàn bộ hành khách vẫn ngồi trong máy bay. Đến 2h31 chiều, máy bay sẵn sàng cất cánh trở lại, tiếp tục hành trình còn dở dang. Thế nhưng ngay khi bắt đầu chạy trên đường băng, các phi công phát hiện máy bay có vấn đề trong động cơ với tiếng kêu to và lạ đến bất thường. Họ cố gắng xử lý tình huống để tiếp tục hành trình song cả 2 lần cất cánh đều không thành công.

Đến lúc này, toàn bộ hành khách bao gồm BHL, các cầu thủ M.U cũng như các nhà báo và một lượng CĐV phải xuống sân bay trú tạm, chờ đội ngũ kỹ thuật khắc phục sự cố. Duncan Edwards còn đánh điện về Manchester rằng: “Tất cả các chuyến bay đều bị hoãn. Bay vào ngày mai. Edwards”. Mặc dù vậy, khi tất cả đã nghĩ đến việc chuyến bay sẽ hoãn lại vào ngày hôm sau để chờ thời tiết tốt hơn, thì cơ trưởng James Thain lại sợ rằng việc hoãn bay sẽ ảnh hưởng đến lịch trình và khi trở lại, gã sẽ bị hãng hàng không phạt. Do đó, Thain đưa ra một trong những quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không: Cất cánh bay chỉ với 1 động cơ. Và đó là lúc tấn thảm kịch xảy ra. 3h chiều Munich, chiếc máy bay sau lần cất cánh thứ 3 bắt đầu có dấu hiệu thần chết gõ cửa, nó liên tục chồm lên trong quá trình chạy trên đường băng. Dĩ nhiên toàn bộ hành khách trên máy bay rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi tột độ. Thế rồi sự sợ hãi của họ trở thành hiện thực, chiếc phi cơ rơi xuống đường băng từ trên không và phát ra một tiếng nổ chát chúa, một khối sắt to lù tiếp tục lao ra đường băng, qua hàng rào và đâm sầm vào một bức tường bên cạnh.

Thành Manchester đón nhận thông tin tồi tệ ấy trong tang tóc đau thương. 8 cầu thủ nòng cốt của “Busby Babes” gồm Roger Byrne (28 tuổi), Eddie Colman (21), Mark Jones (24), David Pegg (22), Tommy Taylor (26), Geoff Bent (25), Liam Whelan (22) và Duncan Edwards (21) cùng Walter Crickmer, giảng viên Tom Curry và huấn luyện viên Bert Whalley qua đời sau thảm họa cùng với 8 nhà báo và 7 NHM khác. 3h5 phút chiều 6/2/1958 mãi mãi trở thành một cột mốc không thể nào quên, là nỗi mất mát khôn nguôi của NHM túc cầu.

Sự o ép từ FA

Vấn đề được đặt ra nhiều nhất sau thảm họa Munich là tại sao M.U phải hối hả, vội vã đến vậy? Tại sao M.U đá trên sân khách vào thứ Tư mà đến thứ Bảy, họ đã phải xung trận trong cuộc đấu với Sheffield Wednesday tại FA Cup? Sự thật, lẽ ra thảm kịch ấy đã không xảy ra nếu một kẻ có tên Stanley Rous trong câu chuyện dưới đây, không làm những điều tồi tệ với “Quỷ đỏ”.

Thời điểm đó (và cả mãi sau này) người ta lý giải rằng: Do LĐBĐ Anh (FA) không muốn các đội bóng Anh tham dự Cúp châu Âu. Theo giới chóp bu FA, giải đấu này không tương xứng để các CLB xứ sương mù phải tham dự và nó sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh mà bản thân FA đang thực hiện. Do vậy, khi Cúp châu Âu bắt đầu vào mùa 1955/56, Chelsea khi đó là nhà vô địch nước Anh và đủ điều kiện tham gia, đã bị hạn chế và đành chấp nhận phán quyết từ Tổng thư ký Alan Hardaker.

Mùa năm sau – 1956/57, M.U hạ bệ Chelsea để giành ngôi vị quán quân xứ sương mù. Thời điểm này HLV Matt Busby cùng các học trò quyết tâm vươn ra đấu trường châu lục. Sau đó, vị HLV huyền thoại này cùng Chủ tịch M.U, Harold Hardman đến thuyết phục FA về kế hoạch thống trị lục địa già của mình. Không hiểu bằng cách nào “Quỷ đỏ” lôi kéo được Chủ tịch FA, Stanley Rous đứng về phía mình, sau đó chiến thắng cơ quan quyền lực nhất bóng đá Anh. Và thế là M.U trở thành đội bóng Anh đầu tiên tham dự Cúp châu Âu mùa 1956/57, tuy nhiên họ đã không tạo ra được chiến tích thần kỳ nào ở mùa năm ấy.

Lòng tham của gã “Chủ tịch địa phủ”

Nhưng có một sự thật mà cả nước Anh đã bị che giấu bây lâu nay. Trên thực tế việc M.U được tham dự Cúp châu Âu mùa 1955/56 là do đội bóng thành Manchester đã… hối lộ Chủ tịch Stanley Rous, qua đó được ông này ủng hộ hết mình trong cuộc chiến với các thành viên khác của FA. Thế nhưng ở mùa năm sau, “Quỷ đỏ” vẫn là nhà vô địch – họ mặc định giành quyền đi vì đã có tiền lệ, nên chẳng cần phải lót tay Stanley Rous thêm một lần nữa. Cú lật kèo này khiến Rous vô cùng tức giận và với cương vị của mình, gã có thừa quyền hành để dồn M.U vào thế khó cho biết mặt, vừa để cảnh cáo vừa vòi vĩnh thêm.

Thế nên trái với mùa trước khi đội quân của Matt Busby được tạo điều kiện, trong khi năm sau thì hoàn toàn trái ngược. Họ bị o ép đủ thứ, bằng chứng là lịch thi đấu FA cương quyết không lùi lại một ngày chỉ từ thứ Bảy sang Chủ nhật bất chấp “Busby Babes” vừa phải cày ải trong trận đấu xa xôi trên đất Nam Tư. Qua đó buộc M.U phải thuê máy bay riêng vội vã về Anh, thay vì có thể ở lại hoặc di chuyển chậm hơn, trên những chiếc máy bay có độ an toàn cao hơn.

Khi tờ điện do Duncan Edwards đánh về đến được tay người thân, thì ngôi sao trẻ sáng giá ấy đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Edwards và thế hệ “Busby Babes” đã không kịp tạo nên những chiến tích vô tiền khoáng hậu, những chiếc Cúp vô địch tại đấu trường châu lục. Với các manucian, câu nói của Sir Bobby Chalton – người may mắn thoát nạn trong chuyến bay kinh hoàng năm ấy, vẫn còn văng vẳng đâu đây: “Nếu đội quân Busby Babes còn nguyên vẹn, M.U thừa khả năng ngăn cản Real Madrid đoạt 5 chiếc Cúp C1 liên tiếp. United cũng đã có thể trở thành CLB hàng đầu nước Anh trong thế kỷ 20, đoạt cú đúp VĐQG và Cúp FA chứ không phải Tottenham năm 1961. Còn nữa, ĐT Anh với nòng cốt của Busby Babes đủ sức vô địch World Cup 1958 tại Thụy Điển và khi đó, có lẽ Pele đã không ra đời”.

Sức mạnh của Busby Babes, được chính người đã gây dựng nên đế chế ấy – Sir Matt Busby nhận xét: “Tôi có thể yên tâm ngồi chơi 10 năm ngồi xem họ thi đấu”!

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục