Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 53: Ước mơ bình dị của nhà vô địch

09:47 Thứ tư 03/04/2013

“Công chúa” sân cỏ Văn Thị Thanh trở thành HLV của đội bóng mạnh Phong Phú Hà Nam khi mới 26 tuổi. Đó là sự ngạc nhiên lớn cho nhiều người nhưng lại không có gì bất ngờ với quá trình đi lên của cựu tuyển thủ này.

Có bố là đồng minh

Nhỏ loắt choắt, chỉ cao hơn 1,4 m, chân vòng kiềng, da đen nhẻm, Thanh khao khát đá bóng đến điên cuồng từ ngày còn bé. Tan học, cô không về nhà mà mon men ra ruộng, nơi 3 anh trai của Thanh đang quyết liệt trong trận cầu với các bạn. Thanh ngồi phệt trên đất, mắt thòm thèm nhìn trái bóng, khung thành, chầu chực một anh nào đó bỗng dưng đau chân là nhảy phắt lại, xin được đá, vài phút thôi cũng được. Một bàn, hai bàn, nhiều bàn thắng được ghi trước sự ngỡ ngàng của cánh con trai, Thanh được các anh ưu ái cho vào đội. Có hôm tan trận khi quần áo te tua, bùn đất dính đầy, chân tay rướm máu, Thanh len lén về nhà. Bố nhìn thấy, lấy nước rửa vết thương cho Thanh, nhẹ nhàng bảo: “Con thích đá bóng cũng được. Nhưng phải cẩn thận, không làm sao lại khổ bố mẹ, con nhé!”. Thanh mạnh dạn hơn với ước mơ đá bóng khi biết mình có một đồng minh, là bố.

Văn Thị Thanh chỉ đạo các học trò - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 1998, một buổi Thanh ngơ ngẩn đứng xem lớp bóng đá nữ nghiệp dư đang tập tại thị trấn Vĩnh Trụ, bỗng có ai vẫy lại và bảo: “Em có thể đăng ký tập thử”. Thanh không bỏ lỡ dịp may, vào sân ngay, mặc kệ lời dè bỉu của các cầu thủ là “bé như cái kẹo”. Người đàn ông kia, chính là HLV Hải Anh, ông đã nhìn ra sự lợi hại trong “chiếc kẹo di động” mang tên Văn Thị Thanh. Năm 1999, Thanh là cầu thủ bé con nhất được tuyển vào lớp bóng đá nữ Hà Nam cùng 14 người khác.

Hơn 20 người ở tập thể trong một căn phòng chừng 20 m2 rêu mọc từ trong ra ngoài, mưa lớn là phải mang tất tật xô chậu ra hứng chỗ dột, nước không có đủ để tắm, cơm ăn phải tự nấu với khẩu phần cho phép 9.000 đồng/bữa. Bố xót con gái, lần nào Thanh về nhà bố cũng gói ghém lạc, muối vừng, cá khô để con và các bạn ăn thêm.

Sân vận động tỉnh khi đó là sân xi măng, lồi lõm khắp nơi, mùa mưa thì trước trận đấu phải khởi động bằng cách tát nước. Cầu môn dựng bằng tre thế mà trẻ con nghịch ngợm, có khi lấy trộm hoặc phá hỏng luôn, cả đội phải hì hục dựng lại. Thanh vẫn không bỏ tập ngày nào. Nhà chỉ có chiếc xe đạp là quý giá nhất, mỗi lần Thanh lên trường, bố lóc cóc đạp xe chở con đi rồi lại đạp về. Đôi mắt trìu mến của người cha nhìn Thanh trước lúc quay lưng đi đến bây giờ vẫn ám ảnh cô. Thanh luôn muốn bố được tự hào về cô. Ngày chập chững vào đội tuyển quốc gia, Thanh chỉ ngồi hàng ghế dự bị, nhưng chưa lần nào vào sân mà Thanh không ghi bàn.

Về quê sau chiến thắng vinh quang ở SEA Games 22, Thanh đưa ngay bố đến cửa hàng xe máy, mua biếu bố một chiếc xe tay ga mới tinh. Nhìn bố lóng ngóng tập đi, ngày ngày lau chùi xe mấy lần, ngơ ngẩn thấy chiếc xe có vết xước nhỏ, Thanh thương bố đến chảy nước mắt.

Thanh từng ao ước có tiền sẽ mua mảnh đất gần nhà, lấy chồng, sinh con, chăm sóc bố mẹ lúc về già. Thế nhưng cuộc đời đưa đẩy, Thanh làm dâu đất mỏ Quảng Ninh, có con nhỏ, công việc chuyên môn bận bịu, những chuyến thăm nhà ít dần đi. Gọi điện, nghe giọng bố trầm trầm trong điện thoại, Thanh nghèn nghẹn nói không lên lời. Cô “con gái rượu” vẫn đau đáu giấc mơ tuổi trẻ còn dang dở.

Con trai là lẽ sống

Bóng đá cho Thanh nhiều tiếng cười nhưng cũng lấy đi của cô gái nhỏ nhiều nước mắt. Năm 2009, Thanh trượt danh hiệu quả bóng vàng. Cô gái từng trải trong sự nghiệp thi đấu vẫn không thoát khỏi tủi thân, thấy mình như bị lãng quên, nghĩ về bố mẹ, Thanh nhủ lòng sẽ cố gắng lấy bằng đại học để có tương lai.

Giờ đây với vai trò HLV đội Hà Nam dù lương thấp, mỗi tháng nhận về gần 5 triệu đồng, cô vẫn nói mình may mắn hơn rất nhiều VĐV khác trong đội, lương chỉ hơn 1 triệu đồng. Nỗi trăn trở lớn nhất bây giờ của Thanh là cậu con trai bé bỏng vừa tròn 14 tháng tuổi của cô. Cu Vinh phải cai sữa mẹ lúc chưa đầy 1 tuổi. Ngày con mới được 5 tháng, mẹ lên Hà Nội học khóa HLV, cu Vinh và bà ngoại cũng khăn gói quả mướp lên thủ đô cùng. Bố công tác tại TP.Bắc Ninh, Thanh huấn luyện đội tuyển tại TP.Phủ Lý (Hà Nam), cu Vinh ở với ông bà nội tại Mông Dương (Quảng Ninh). Về thăm con lần nào cũng vội vàng, cô chỉ dám đi lúc nửa đêm, khi cu Vinh đã ngủ say nhưng y rằng đến sáng, mẹ Thanh gọi điện bảo, nó đang khóc ngằn ngặt đòi mẹ đấy. Cu Vinh đang tập nói, nghe tiếng ê a của con trong điện thoại, Thanh khóc không thành tiếng.

Thừa nhận cuộc sống gia đình đôi khi có sóng gió do đặc thù công việc quá bận rộn, thường xuyên xa nhà, nhưng Thanh bảo bóng đá là niềm đam mê, là lẽ sống. Vài năm nữa, Thanh sẽ xin thôi làm HLV để về làm cô giáo dạy thể chất, cho cu Vinh có một gia đình thực sự. Ước mơ của người từng dành cả quãng thời gian đẹp nhất đời con gái cho sân cỏ chỉ giản đơn là thế...

Văn Thị Thanh, sinh năm 1985, ghi bàn thắng vàng, mang lại chức vô địch cho đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 22. Ghi bàn thắng quyết định tại chấm phạt đền trong trận chung kết với Myanmar tại SEA Games 23, lập hattrick vàng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Đoạt danh hiệu Quả bóng vàng năm 2003 với số phiếu bầu tuyệt đối, là một trong 10 VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2005.

Thuý Hằng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục