Rome Masters: “Thiên đường” là đây

14:24 Thứ tư 16/05/2012

Djokovic đã dùng hai chữ “thiên đường” để nói về mặt sân ở Rome.

Vài ngày sau khi ngã ngựa trên mặt sân màu xanh ở Madrid, tay vợt số 1 hành tinh Novak Djokovic đã bay thẳng đến Rome. Anh nhanh chóng bắt tay vào luyện tập với mục đích bảo vệ chức vô địch và cũng là để quên đi những giờ phút “địa ngục” tại thủ đô Tây Ban Nha, nơi Nole có lẽ sẽ không bao giờ quay lại đó để thi đấu nếu BTC Madrid Masters không chuyển mặt sân về màu đỏ truyền thống.

Câu chuyện về Madrid Masters với mặt sân màu xanh (cũng là màu truyền thống của nhà tài trợ chính cho giải, công ty bảo hiểm Mutua Madrilena) sẽ còn là đề tài tranh cãi trong thời gian tới và có lẽ từ giờ cho tới khi vấn đề được giải quyết, người ta sẽ còn phải chứng kiến những cái lắc đầu ngao ngán từ các tay vợt hàng đầu như Djokovic hay Nadal mỗi khi họ nhớ đến giải đấu này.

Mặt sân màu đỏ quen thuộc

Nhưng phía trước Rafa và Nole là một đấu trường hoàn toàn khác, Rome Masters, nơi có điều kiện thi đấu gần tương tự Roland Garros. Đó là một thuận lợi lớn cho tất cả các tay vợt trong việc chuẩn bị cho giải Grand Slam thứ hai trong năm. Về khí hậu, Rome có độ cao so với mực nước biển giống Paris, chứ không “chót vót” tới 1000m như Madrid (vốn thi đấu tại Park Manzanares). Vì lý do đó, bóng ở Rome sẽ đi chậm hơn và nảy cao hơn. Nhưng chi tiết này còn quan trọng ở chỗ, các tay vợt sẽ kịp thời điều chỉnh nhịp thở cho khớp với Pháp mở rộng, điều mà Nadal cho là cực kỳ quan trọng.

Nói đến mặt sân, ngoài màu đỏ truyền thống, Rome không trơn trượt như Madrid. Điều đó đã được Djokovic kiểm chứng suốt mấy ngày qua. “Tôi cảm thấy rất tuyệt. So với mặt sân màu xanh ở Madrid, sân ở Rome giống như là thiên đường. Đây là mặt sân đất nện cơ bản nhất mà bạn có thể mong đợi và việc di chuyển sẽ không gặp trở ngại nào. Bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng, yếu tố mang tính quyết định tới việc đánh bóng chuẩn xác. Thêm nữa, tôi sẽ không sợ bị trượt ngã và chấn thương khi thi đấu ở đây”, Nole trả lời phỏng vấn kênh NDTV Sport.

Coi chừng “cái dớp” Rome Masters

Không phải mọi thứ ở đấu trường Rome đều có màu hồng. Ngoài chuyện tiền thưởng cho nhà vô địch không bằng Madrid Masters (438.000 euro cho vô địch đơn nam, 350.000 euro cho vô địch đơn nữ), Rome Masters còn khiến nhiều tay vợt cảm thấy sợ hãi vì cái dớp của nó liên quan tới Roland Garros. Có thể nói, Rome là nơi chạy đà mang tới vận rủi cho giải Grand Slam ở Paris sẽ khởi tranh vào cuối tháng. Thống kê cho thấy, 15 năm qua, ngoại trừ Nadal, không ai vô địch ở thủ đô Italy rồi sau đó tiếp tục vô địch ở thủ đô nước Pháp.

ĐKVĐ Novak Djokovic

Nạn nhân mới nhất của quy luật kỳ lạ này chính là Novak Djokovic. Năm ngoái, tay vợt người Serbia chơi cực hay để hạ gục Nadal tại CK Rome Masters. Thế nhưng khi tới Roland Garros, chính Nadal mới là người đoạt chức vô địch, còn Nole dừng bước tại bán kết. Phái đẹp cũng không thoát khỏi cái dớp đó. Năm ngoái, Sharapova may mắn lên ngôi ở Rome để rồi sau đó thua Li Na tại bán kết Roland Garros. Các năm trước cũng xảy ra tình trạng tương tự: Đã thắng ở Rome là đồng nghĩa với bại ở Paris!

Như đã nói, suốt 15 năm qua, ngoại lệ duy nhất của cái dớp ở Rome Masters chính là Nadal. “Ông vua sân đất nện” đã 4 lần lên ngôi ở cả Rome Masters và Roland Garros trong cùng 1 năm. Đó là các mùa giải 2005, 2006, 2007 và 2010. Riêng trong năm 2010, Rafa “bùng nổ” với việc trở thành tay vợt đầu tiên vô địch cả Monte Carlo, Madrid Masters và Rome Masters trong cùng một mùa.

Internazionali BNL d'Italia – Rome Masters:

Cấp độ: Masters 1000 (nam) và Premier 5 (nữ)
Thời gian: 14-20/5/2012
Địa điểm: sân Foro Italico (Rome)

- Djokovic là nhà ĐKVĐ đơn nam. Năm ngoái anh đã đánh bại Nadal trong trận chung kết với tỷ số 2 set cùng là 6-4.

- Nadal đã vô địch Rome Masters 5 lần vào các năm 2005, 2006, 2007, 2009 và 2010.

- Andre Agassi là người Mỹ gần nhất vô địch ở Rome. Trong trận CK năm 2002, anh đánh bại Tommy Haas.

- Federer chưa từng vô địch giải này, dù anh đã 2 lần vào chung kết ở các năm 2003 và 2006.

- Mãi tới năm 2007, trận CK Rome Masters mới chuyển sang thể thức “ba set thắng hai”. Trước đó, các trận chung kết đều diễn ra ở thể thức “năm set thắng ba”.

T.A | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục