Roger Federer trở về với thực tại

15:07 Thứ ba 07/02/2012

Sau những tháng bay bổng cuối năm 2011 với ba danh hiệu liên tiếp, Federer đã trở lại mặt đất sau thất bại ở Australian Open 2012.

Hậu quả của sự thăng hoa cuối năm 2011

Thất bại ở Australian Open tại bán kết đã bổ sung thêm một bằng chứng cho cái mà nhiều người gọi là kết quả đã được mặc định: Federer không còn khả năng đánh bại Nadal ở Grand Slam.

Đó là thất bại thứ năm liên tiếp khi họ gặp nhau trong các giải đấu tổ chức theo thể thức năm set và nếu như trong giai đoạn 2008-2009, Federer còn đủ khả năng lôi Nadal vào set thứ năm, thì hai lần gần nhất, anh đều thất bại sau bốn set.

Mà Nadal lại không phải là tay vợt xuất sắc nhất hiện thời. Trên Nadal còn có Djokovic, người vẫn phải dè chừng Federer, nhưng đang ngày càng chứng tỏ là có thể vượt qua mọi chướng ngại vật.

Cả Nadal và Djokovic đã thay nhau vô địch mỗi người bốn giải trong tám lần các kỳ Grand Slam gần đây nhất - một bằng chứng cho thấy là bất cứ ai muốn vô địch một trong bốn giải đấu danh giá này đều phải "bước qua xác" của họ.

Trông đợi khả năng cả hai tự sụp đổ là điều rất khó xảy ra, bởi Nadal cũng đã nối gót Djokovic trên khía cạnh điều chỉnh lịch thi đấu (thậm chí nghỉ hơn một tháng) để phòng ngừa chấn thương và chỉ dồn sức cho những giải đấu lớn.

Và thất bại ở Australian Open 2012 còn là một cái kết được dự báo nếu không muốn nói là sự trả giá cho sự gắng sức để đạt những kết quả phù phiếm trong giai đoạn cuối năm 2011. Phải gọi nó là phù phiếm, bởi với một tay vợt đã vô địch Grand Slam 16 lần, những giải ATP Tour và kể cả World Tour Finals không phải là những cái đáng để hy sinh. Nếu hậu quả của nó chưa phải chấn thương thật (như anh thông báo để bỏ trận tứ kết ở Dubai), thì anh cũng đã bị đẩy tới ngưỡng phải nghỉ ngơi, vì đấy mới là lần thứ hai trong sự nghiệp Federer phải bỏ cuộc trước khi trận đấu diễn ra.

Hẳn là Federer và ê kíp của anh đã lường trước được những hậu quả từ việc bung sức cuối năm ngoái, nếu như họ không quá ngộ nhận về một Federer tuổi 31 phải khác so với Federer của 2004-2008 tham dự tối đa và chiến thắng nối tiếp.

Thế nhưng, dường như đó mới là Federer. Có kết luận thế này, càng chứng kiến Djokovic trên đỉnh vinh quang lại càng thấy những giá trị của Federer là bất tử. Như sự khiêm tốn, phong cách và sự tận hiện ở trên sân cũng như những chuẩn mực khi bóng ngừng lăn và bước ra ngoài sân.

Federer ở tuổi này hầu như không thể tiến bộ

Sứ mệnh của Federer

Hôm Federer xuất hiện trên chương trình truyền hình cùng với Rod Laver ở Melbourne sau vòng tứ kết, Federer kể về lý do tại sao anh lại chơi nhiều giải nhất có thể, và thường chơi với tất cả khả năng ở những nơi anh xuất hiện: "Khi tôi 22 tuổi, ước mơ của tôi từ tấm bé trở thành hiện thực khi tôi được đấu với Pete Sampras. Tôi nghĩ rằng nhiều tay vợt trẻ giờ đây cũng có một ước muốn, là được đấu với tôi".

Không phải là sự kiêu ngạo, mà đó là sự thật. Ở ngay Australian Open, Tomic lần thứ hai chạm chán với Federer nhưng đó là lần đầu được đối đầu ở một ATP Tour hay Grand Slam đã thổi bùng cơn sốt ở đất nước chuột túi.

Hôm Federer thua Nadal ở bán kết, một phóng viên đã hỏi anh trong cuộc họp báo sau trận, rằng "Anh có nghĩ đây là giải cuối ở Australian Open hay không"? Federer đã đáp trả ngay rằng, "Tôi sẽ trở lại không chỉ một, mà nhiều lần nữa".

Cũng hôm đó, một phóng viên Tây Ban Nha đã hỏi ông Toni Nadal (HLV của Rafa) về Federer, đã nhận được câu trả lời rằng, trong suốt những tháng năm qua, duy nhất một lần ông thấy Federer lãnh cảm với tennis, đó là ở Miami Masters 2011, "Cậu ấy lơ đãng khi thi đấu và chẳng có vẻ gì thất vọng khi thất bại cả. Rồi kể từ đó lại là một Federer ở đỉnh cao phong độ ở Roland Garros và US Open".

Có một sự thật khó chối bỏ ngay cả với các fan của Djokovic hay Nadal, là thứ tennis của Federer vẫn mang lại những cảm xúc mãnh liệt hơn cả. Bằng tất cả những kỹ năng cứ thế tuôn trào ra như một dòng nước, lối đánh của Federer cho người ta thấy đôi khi điểm số không phải là tất cả, và phòng ngự đôi khi chỉ là nền tảng để làm nổi bật vẻ đẹp của tấn công.

Hãy tưởng tượng nếu không còn Federer nữa, ai sẽ là người duy nhất đại diện cho trường phái trái một tay đứng trong top 10? Almagro (thứ 11) ư? Anh chơi tennis giống như hàng trăm tay vợt khác. Gasquet ư? Cú trái của anh rất huyền ảo nhưng anh chưa đủ tầm để làm "thủ lĩnh" của trường phái này, bởi người ta còn cần sự toàn diện, mà chỉ riêng cú thuận tay của Gasquet chỉ xứng đáng đứng top 200 hoặc 300.

Chờ tới US Open 2012

Nhưng cũng sẽ là ngây thơ khi cho rằng mục tiêu của Federer chỉ là vác vợt đi biểu diễn và vào tới bán kết của các giải Grand Slam và thâu tóm những danh hiệu nhỏ. Vấn đề là anh sẽ làm gì để khắc phục một thực tế: Anh là người ít (hoặc không) tiến bộ nhất trong số top 4.

Murray cho thấy anh đã đạt được sự tiến bộ đáng kể khi làm việc cùng HLV từng là một huyền thoại khi là VĐV, Ivan Lendl. Cú thuận tay đã có độ sát thương cao hơn và ý chí thi đấu mạnh mẽ hơn trong khi cú trái cũng có khả năng dứt điểm cao hơn trước là những thành tựu Murray cho thấy.

Nadal cải thiện mạnh mẽ cú giao bóng một, sử dụng linh hoạt giữa cú trái và cắt bóng, và trên hết là lối đánh ôm sân mà anh bắt đầu áp dụng và chỉ gặp khó khăn khi chạm phải Djokovic.

Australian Open 2012 không cho thấy sự tiến bộ so với mùa trước từ Djokovic, nhưng cũng giống như một người trèo một lúc ba bậc thang, giờ anh có quyền đứng lại để xem những đối thủ của mình leo lên bằng cách nào rồi mới tiếp tục bứt phá.

Federer ở tuổi này hầu như không thể tiến bộ. Sự thực là kể từ khi Federer đạt tới đỉnh cao phong độ trong năm 2006-2007 tới nay, anh không nâng cấp được cú quả nào của mình nữa ngoài những pha đánh ngẫu hứng qua hai chân hoặc quay ngược người lại bung trái mà không cần nhìn sang sân đối thủ sau khi đã bị lốp qua đầu mà vẫn ăn điểm passing shot (bắn lưới).

Cho tới lúc này không thể chờ đợi HLV Paul Annacone (thày cũ của Sampras) sẽ đẩy Federer lên lưới nhiều hơn bởi chúng ta cùng biết là một thập kỷ qua serve & volley đã không còn đất sống. Năm 2002, khi Hewitt đánh bại Nalbadian ở trận chung kết Wimbledon, cả trận đấu ấy không có một điểm nào được ghi từ một pha tràn lưới. Cũng trong vòng một năm rưỡi qua, Federer vận dụng với lối đánh đa dạng: cuối sân với Tsonga, Nadal và Djokovic, thi thoảng tràn lưới nếu gặp Del Potro, và lên lưới thường xuyên khi đối đầu với các tay vợt còn lại.

Nhưng không có nghĩa là Federer đã tụt lại quá sâu so với Nadal và Djokovic hoặc đã bị Murray vượt mặt, ngoại trừ vấn đề thể lực. Roland Garros có thể sẽ là một cách tiếp cận khác, dù cho câu trả lời tích cực nhất từ Federer không loại trừ sẽ phải chờ cho tới tháng 9-2012, ở US Open.

Phạm Tấn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục