Real vô địch Liga: "Kền kền trắng" phủ kín Tây Ban Nha

07:54 Thứ sáu 04/05/2012

Bilbao đã làm tất cả để ngăn Real Madrid ăn mừng chức vô địch sớm ngay trên khu tự trị xứ Basque nhưng rốt cuộc họ cũng không thể cản nổi cơn cuồng phong trắng. Chiến thắng 3-0 ngay tại San Mames, Real Madrid duy trì khoảng cách 7 điểm với Barcelona (đội đã thắng 4-1 trước Malaga trong trận đấu sớm) và chính thức trở thành tân vương của Liga dù mùa giải vẫn còn 2 vòng đấu nữa mới kết thúc. Một chiến quả không thể thuyết phục hơn đối với những nỗ lực mà thày trò Jose Mourinho đã làm được ở mùa giải năm nay.

Quả ngọt của sự đổi thay

Florentino Perez là người hiểu rõ nhất sự hưng thịnh của Real Madrid ở kỉ nguyên "Galacticos 1.0" và cũng chính ông là người đã đau đớn chứng kiến sự đi xuống của Real thời hậu Zidane, Figo, Ronaldo hay Raul. Cùng với sự suy tàn của Real giai đoạn ấy là sự đi lên của Barcelona và đội bóng xứ Catalunya càng như một bông hoa bung nở rực rỡ hơn dưới triều đại của Pep Guardiola (từ năm 2008). Thế nên, ngay sau khi tái đắc cử chức chủ tịch ở Nhà trắng (thay Calderon), Perez bắt tay vào kế hoạch xây dựng một kỉ nguyên mới mang tên "Galacticos 2.0" với tham vọng tìm lại một Real Madrid hùng mạnh vốn có ở nhiệm kì đầu tiên của ông.

Chức vô địch của Real là hoàn toàn xứng đáng - Ảnh Getty

Những cuộc chuyển nhượng với quy mô rầm rộ bắt đầu ngay ở năm đầu tiên Perez tiếp quản Real Madrid. Mùa đầu tiên (2009-10), 259 triệu euro đã được chi ra trên TTCN và Real cùng một lúc đón về Bernabeu một loạt những ngôi sao sáng giá nhất với Ronaldo (94 triệu euro), Kaka (65 triệu euro), Alonso (30 triệu euro), Benzema (35 triệu euro) và một số cái tên khác nữa. Các mùa sau đó, chính sách mua "sao" vẫn chưa dừng lại. Mùa 2010-11, tổng số tiền mua sắm là 74,5 triệu euro. Hè năm ngoái, tuy không ồn ào, Real cũng đã mất thêm 55 triệu euro vào TTCN nữa. Như vậy, chỉ sau 3 năm của Perez, số tiền mà đội bóng Hoàng gia bỏ ra đã chạm cột mốc 388,5 triệu euro. Trên thế giới, chỉ có Man City, với ngân quỹ khổng lồ của các ông chủ người Ả rập, mới có thể đạt đến độ "chịu chơi" tương đương của Real mà thôi.

Nhưng để lật đổ Barcelona, chỉ tiền thôi không đủ. Bằng chứng là ngay trong mùa đầu tiên, đội bóng của Perez vẫn trắng tay trước Barca. Ông chủ Nhà trắng hiểu rằng cần phải có một sự thay đổi nữa và Mourinho đã được mời về. Mùa đầu tiên của Mourinho, Real đã có cúp, dù đó chỉ là chiếc cúp Nhà Vua, một danh hiệu có thể coi là sự khích lệ cho những cố gắng không biết mệt mỏi của họ. Nhưng để lật đổ Barca ở Liga, Mourinho vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. Cuối cùng, từ một Real Madrid hào hoa, lãng mạn, họ chấp nhận thay đổi, chấp nhận khoác lên mình chiếc áo choàng xấu xí. Real đã ngày càng thực dụng hơn, đã đá rắn hơn, thậm chí là thô bạo hơn, bị chỉ trích nhiều hơn nhưng đổi lại, họ lại có được thứ mình cần là "ngôi vua" của Liga.

Suy cho cùng, danh hiệu mới là thứ cuối cùng có ý nghĩa nhất. Xét trên phương diện ấy, Real Madrid đã thành công. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Để lấy lại được ngôi Vua, Real đã tốn cả núi tiền. Để được đứng trên Barca, họ chấp nhận tất cả những lời chỉ trích. Nhưng có sao đâu, lịch sử chỉ ghi danh người chiến thắng. Real đăng quang, lần thứ 32 vô địch Liga, đó mới chính là "quả ngọt" tuyệt vời nhất.

Một chức vô địch hoàn toàn xứng đáng

Không thể phủ nhận ở mùa bóng này, Real Madrid đã có những lần được hưởng lợi từ các quyết định của trọng tài. Nhưng nếu chỉ dựa vào đó để nói rằng họ không xứng đáng trở thành Vua của Liga thì lại là một chuyện hoàn toàn phi lý. Cần phải nhớ rằng, trọng tài không chỉ có những lần ưu ái cho riêng Real mà ngay cả Barca cũng không ít lần được hưởng lợi từ các "vua áo đen". Trọng tài cũng là con người và quyết định cảm tính được đưa ra là điều khó tránh khỏi. Quan trọng là khi bước vào cuộc chơi, người ta phải đặt niềm tin vào trọng tài, tôn trọng các quyết định của họ bởi đơn giản chính họ cũng là một phần của bóng đá.

Cũng không thể lấy sự xấu xí của Real Madrid ra để biện hộ rằng Real vô địch không thuyết phục. Thực tế, dưới thời của Mourinho, Real đã nhận nhiều thẻ đỏ đến mức bất bình thường (24 lần các học trò của Mourinho phải đi tắm sớm) nhưng đôi khi, để chiến thắng người ta phải chấp nhận tất cả. Hơn nữa, gác khía cạnh thẻ phạt hay trọng tài sang một bên, người ta vẫn thấy một Real Madrid chơi bùng nổ dữ dội. Như Barca, họ cũng có những chiến thắng với cách biệt đến 5-6 bàn (như trước Zaragoza hay Osasuna), cũng biết tặng cho đối thủ những "bàn tay nhỏ" và quan trọng hơn, họ cũng thắng được Barca ngay trên sào huyệt của đối thủ. Thậm chí, chính họ mới là đội bóng có hàng công khủng khiếp nhất Liga (115 bàn thắng), có hàng thủ tốt thứ hai ở Liga (30 bàn, chỉ kém Barca 3 bàn).

Một khía cạnh nữa chính là tính ổn định của Real. Mùa này, Barca mất điểm rất nhiều lần trên sân khách (Sociedad, Valencia, Bilbao, Osasuna, Villarreal, Getafe, và Espanyol) nhưng Real thì không. Trong những đối thủ mà Barca vấp này, chỉ duy nhất Villarreal là buộc Real phải chia điểm. Nói một cách hoa mĩ hơn, nơi Barca ngã chính là nơi Real đứng thẳng. Đó cũng là lý do vì sao, suốt từ vòng 10, Real Madrid đã luôn ngự trị trên ngôi đầu bảng xếp hạng. Có những thời điểm, họ thậm chí còn bỏ xa Barcelona tới 10 điểm và cho đến lúc này, khi đã là nhà vô địch, Real vẫn còn hơn "đại kình địch" đến 7 điểm. Từ những sự vượt trội ấy, sẽ chẳng có cớ gì để mà khẳng định rằng Real vô địch là không xứng đáng.

Chưa thể khẳng định mùa sau Real Madrid có tiếp tục thống trị Liga nữa không. Chưa thể nói với tư cách là nhà vô địch, họ sẽ thay đổi hình hài của mình như thế nào...

Người Madrid muốn sống cho hiện tại. Thế nên, giờ là lúc chưa cần nói đến chuyện tương lai. Cứ vui đi đã...

Trần Giáp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục