Messi vô duyên với đội tuyển, nhưng anh không cô đơn

10:13 Thứ hai 06/07/2015

Tiền đạo Lionel Messi và đội tuyển Argentina đã gục ngã một cách đau đớn trong trận chung kết Copa America 2015. Thất bại trên chấm phạt đền trước chủ nhà Chile đã là trận chung kết thứ hai liên tiếp chỉ sau hai năm danh hiệu vô địch ngoảnh mặt với cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Messi đau đớn khi nhận thất bại ở Copa America 2015. Ảnh: Internet.

Lịch sử đã từng chứng kiến quá nhiều trường hợp như Messi, giành rất nhiều vinh quang cấp độ câu lạc bộ nhưng thành công vẫn lảng tránh ở cấp độ đội tuyển.

Sau đây là sáu cái tên tiêu biểu trong danh sách… đen đủi đó:

Alfredo Di Stefano (đội tuyển Argentina - Tây Ban Nha - Colombia)

Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Real Madrid, “Mũi tên bạc” Alfredo Di Stefano chính là cái tên đầu tiên trong danh sách này. Cố huyền thoại của Los Blancos đã giành gần như mọi vinh quang trong quãng thời gian khoác áo Real Madrid, từ cúp C1 Châu Âu (5 lần), đến Quả Bóng Vàng Châu Âu (2 lần), La Liga (8 lần)... nhưng thành tích của Di Stefano tại cấp độ đội tuyển lại không hề tương xứng.

Di Stefano đã thi đấu cho tận… ba đội tuyển quốc gia, Argentina, Tây Ban Nha và Colombia khi ở thời điểm đó, những luật lệ còn chưa khắt khe như hiện tại. Và không ở đâu “Mũi tên bạc” có được thành công. Thành tích lớn nhất của ông tại Argentina là chức vô địch Nam Mỹ vào năm 1947, giải đấu không có Brazil và được tổ chức theo phương thức… đấu vòng tròn tính điểm.

Với Argentina, Di Stefano lỡ hẹn hai kỳ World Cup liên tiếp vào các năm 1950 và 1954. Sau khi có quốc tịch Tây Ban Nha vào năm 1956, ông chuyển sang thi đấu cho đội tuyển Tây Ban Nha nhưng một lần nữa lỡ hẹn với World Cup khi La Fuja Roja không thể tham dự World Cup 1958.

Trước thềm World Cup 1962, giải đấu mà Tây Ban Nha đã giành quyền được tham dự Di Stefano bất ngờ… dính chấn thương và không thể tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Ở độ tuổi 36, “Mũi tên bạc” thần thánh từ giã đấu trường quốc tế với gần như không danh hiệu.

Zico (đội tuyển Brazil)

“Pele trắng” Zico là cái tên tiếp theo xuất hiện trong danh sách này. Cho dù đã cùng với những Socrates, Falcao tạo ra thế hệ Brazil chơi thứ bóng đá đẹp bậc nhất lịch sử nhưng những danh hiệu chưa bao giờ tới với chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Flamengo.

Trong thời k​ỳ hoàng kim của mình ở giữa thập niên 80, Zico đã cùng Flamengo giành 1 Copa Libertadores (1981), vô địch Brazil (4 lần), đưa Udinese nhỏ bé cạnh tranh Scudetto sòng phẳng với những ông lớn như Juventus, Roma, giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm của tạp chí uy tín World Soccer (1983)...

Ở cấp độ đội tuyển Brazil, Zico cùng Falcao, Socrates tạo ra một trong những Selecao hào hoa, mãnh mẽ bậc nhất lịch sử nhưng không thể đạt được bất kì thành công gì. Tại World Cup 1982, giải đấu tất cả đều tin Brazil của Zico sẽ vô địch, thì Selecao gục ngã trước Italy trong trận đấu quyết định của vòng bảng thứ hai. Đến Mexico 1986, Zico và Socrates ở giải đấu đỉnh cao cuối cùng của mình đã thất bại trước Pháp tại tứ kết trên chấm phạt đền trong trận đấu mà Zico đã sút hỏng quả phạt đền trong thời gian hai hiệp chính.

Hai chức vô địch duy nhất Zico giành được cùng đội tuyển Brazil là Copa Roca Cup 1976, giải đấu có… hai đội tuyển tham dự là Brazil và Argentina. Chức vô địch còn lại là Atlantic Cup cũng vào năm 1976, và tiếp tục là giải đấu thi đấu theo kiểu vòng tròn tính điểm.

Paolo Maldini (đội tuyển Italy)

Hậu vệ huyền thoại của bóng đá Italy, đội trưởng vĩ đại của AC Milan, Paolo Maldini cũng là một trường hợp giành toàn bộ vinh quang ở cấp độ câu lạc bộ nhưng không thể lặp lại những điều đó ở cấp độ đội tuyển. Trong màu áo Rossoneri, Maldini đã lập kỷ lục cầu thủ lọt vào trận chung kết Cúp C1 Châu Âu/Champions League nhiều lần nhất trong lịch sử (8 lần, bằng Francisco Gento), và đoạt 5 chức vô địch (tiếp tục là một kỷ lục!), giành 7 Scudetto, và rất nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Maldini được ra mắt tại kì EURO 1988 trong màu áo đội tuyển Italy khi mới 19 tuổi, và ngay lập tức lọt vào đội hình tiêu biểu khi kết thúc giải cùng tấm huy chương đồng. Sau đó Maldini cùng đội tuyển Italy còn lọt vào trận chung kết World Cup 1994 và EURO 2000 khác nhưng không thể giành chiến thắng cho dù đã có lúc rất gần cúp vô địch. Trước đó, “số 3” vĩ đại của Milan cũng giành tấm huy chương đồng World Cup 1990 cùng Azzurri trong giải đấu được tổ chức trên chính đất nước hình chiếc ủng.

Trận chia tay đội tuyển Italy của Maldini thực sự là kỷ niệm buồn, Italy cực mạnh khi đó dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Giovanni Trappatoni đã thúc thủ trước đội chủ nhà Hàn Quốc tại vòng 1/8 World Cup 2002, với “bàn thắng vàng” trong hiệp phụ của Ahn Jung Hwan, người không thể tranh chấp với tiền đạo Hàn Quốc trong pha bóng trên không đó chính là Maldini.

Luis Figo (đội tuyển Bồ Đào Nha)

Cầu thủ khoác áo đội tuyển Bồ Đào Nha nhiều nhất trong lịch sử, Quả bóng Vàng châu Âu năm 2000, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2001, huyền thoại của Real Madrid, Luis Figo cũng đã đoạt tất cả các danh hiệu có thể ở cấp độ cá nhân nhưng thành công ở đội tuyển quốc gia vẫn ngoảnh mặt với tiền vệ tài hoa này.

Figo là một nhà vô địch thực sự, trong tất cả các câu lạc bộ mà tiền vệ này từng thi đấu, từ Sporting Lisbon, Barcelona, Real Madrid cho tới Inter Milan, Figo luôn luôn giành được những danh hiệu vô địch. Cầu thủ sinh năm 1972 này đã đoạt tới 4 danh hiệu La Liga trong màu áo cả Real lẫn Barca, 4 Scudetto cùng Inter, một cúp C2 Châu Âu (1997), một Champions League (2002).

Nhưng ở đội tuyển quốc gia, thành tích lớn nhất mà Figo đạt được chỉ là chức vô địch World Cup lứa tuổi U20 thế giới năm 1991. Sau đó thành tích cao nhất Bồ Đào Nha của Figo có thể vươn tới chỉ là chiếc huy chương bạc tại EURO 2004. Thậm chí tại thời điểm đỉnh cao, thế hệ vàng bóng đá Bồ Đào Nha với Figo, Rui Costa, Joao Pinto… đã làm cho tất cả thất vọng khi không thể lọt qua vòng bảng World Cup 2002.

Giải đấu cuối cùng Figo thi đấu cho đội tuyển quốc gia là World Cup 2006, Bồ Đào Nha năm đó về thứ tư sau khi thua Pháp ở bán kết và Đức ở trận tranh giải ba.

Raul Gonzalez (đội tuyển Tây Ban Nha)

Biểu tượng của Real Madrid, “Chúa nhẫn” Raul Gonzalez sẽ là cũng nằm trong danh sách này. Cầu thủ từng được coi là “hiện tượng xã hội” của toàn bộ Tây Ban Nha đã từng là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử La Fuja Roja (kỷ lục này sau bị phá bởi David Villa) nhưng vẫn không có bất k​ỳ danh hiệu nào ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Raul đã cùng đội tuyển Tây Ban Nha tham dự ba kỳ World Cup 1998, 2002 và 2006, hai kỳ EURO 2000 và 2004. Thành tích tốt nhất của “Chúa nhẫn” chỉ là lọt vào vòng tứ kết tại EURO 2000, và trong trận thua Pháp năm đó, Raul chính là tội đồ với cú sút hỏng phạt đền đúng phút cuối.

Ở Real Madrid, Raul có tất cả, 3 Champions League, 5 La Liga, 2 cúp liên lục địa cùng vị trí thần tượng mãi mãi trong lòng các cổ động viên Real.

Eric Cantona (đội tuyển Pháp)

“Quỷ vương” Eric Cantona sẽ là cái tên cuối cùng trong danh sách này. Cantona đưa Manchester United trở lại vị thế đại gia ở Châu Âu, đưa Premier League thay đổi trở thành giải đấu vẫn được coi là “hấp dẫn nhất thế giới” cả về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh, nhưng đội tuyển Pháp, Cantona không là bất kì điều gì.

Cantona từng… “chửi” thẳng huấn luyện viên đầu tiên đưa ông lên đội tuyển Pháp, Henri Michel là “một túi phân” khi nhà cầm quân này không gọi Cantona lên đội tuyển vào năm 1988. Cantona sau đó bị cấm không được gọi lên đội tuyển quốc gia cho tới khi Michel bị đuổi việc sau khi không thể giúp Pháp tham dự World Cup 1990. Cantona sau đó được gọi trở lại đội tuyển quốc gia tham dự EURO 1992 nhưng không thể giúp Pháp vượt qua vòng bảng.

Khoảnh khắc đáng nhớ cuối cùng của Cantona chính là trận thua lịch sử 1-2 trước Bulgaria trong trận đấu mà Pháp chỉ cần hòa là có thể đến Mỹ mùa hè 1994. Cantona chính là người khi đó không đón được đường chuyền của David Ginola từ cánh phải, và để bóng rơi vào chân của Balakov trước khi Emil Kostadinov tung cú nã đại bác từ góc hẹp nhấn chìm Pháp của Gerard Houllier. Hình ảnh Cantona với chiếc cổ áo dựng đứng thẫn thờ nhìn chiếc vé tới World Cup biến mất là ví dụ tiêu biểu nhất cho thất bại của “Quỷ vương” tại đội tuyển quốc gia Pháp.

Sau đó tân huấn luyện viên Aime Jacquet quyết định loại Cantona khỏi đội tuyển Pháp để đặt niềm tin vào những gương mặt mới như Zinedine Zidane và Youri Djorkaeff. Cantona giã từ sự nghiệp đội tuyển quốc gia vào năm 1995, ở độ tuổi 29.

Nhật Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục