Phó Chủ tịch VFF đã “chơi” VFF như thế nào?

19:06 Chủ nhật 19/02/2012

Khi VFF ra công văn đề nghị các CLB cùng các BTC địa phương phải tôn trọng hợp đồng chuyển giao thương quyền giữa VFF với AVG thì ngay lập tức ông Viễn đã đại diện cho VPF ký các công văn với nội dung cho phép VTV và các đài truyền hình địa phương vào sân mà không cần thông qua ý kiến của AVG.

Ông là Phạm Ngọc Viễn - PCT VFF, lại là PCT chuyên môn - một trong những vị trí xung yếu nhất trong bộ máy tổ chức, điều hành của VFF. Ông được VFF cử tham gia VPF, và sau đó đã được Hội đồng quản trị VPF bầu làm Tổng Giám đốc. Vì là người của VFF được cử sang VPF nên trước khi sang, ông đã được Thường trực VFF nhắn đi nhắn lại là phải bảo vệ quyền lợi của VFF tới cùng. Nhưng nhìn lại những gì ông đã làm, đã nói và đã ký trong hàng tháng trời diễn ra vụ tranh chấp thương quyền V.League, người ta chợt giật mình nhận ra: Không những không bảo vệ quyền lợi của VFF mà ông còn “chơi” VFF tới mức đau điếng. Chỉ riêng chi tiết này thôi đã có những câu hỏi tế nhị cần phải đặt ra cho chính ông và cho cả cái tổ chức VFF của ông.

Nói cho công bằng thì trong văn bản mới nhất (ngày 17/2) gửi cho Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng để thể hiện sự không đồng tình với những phản ứng thái quá của VPF mà 3 nhân vật của VFF tham gia bộ máy VPF cùng “đứng tên” cũng có tên ông. Cái văn bản mà ở đó ông - TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn cùng với ông Lê Hùng Dũng - PCT VPF và bà Đinh Thu Trang – thành viên Hội đồng Quản trị VPF viết rõ: “Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhất trí với nội dung kết luận của đoàn Thanh tra quanh hợp đồng chuyển giao thương quyền giữa VFF với AVG. Chúng tôi trong tư cách là đại diện góp vốn của VFF tại Công ty VPF tán thành với kết luận của Đoàn Thanh tra. Chúng tôi không đồng ý khiếu nại vấn đề này tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền”.


Nhưng những nguồn tin thân cậy cho hay, ông Phạm Ngọc Viễn không chủ ý viết văn bản phản đối như vậy, cũng không chủ động, tự nguyện ký tên vào văn bản này. Ông chỉ ký khi được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cùng PCT VFF Nguyễn Lân Trung nhắc nhở về việc phải ý thức lại “mình là ai?” – “mình đang đứng ở đâu?” – và “mình phải làm gì?”.

Sự thực thì cái văn bản phản đối mà 3 thành viên của VFF trong ngôi nhà VPF cùng “đứng tên” cũng không thể ngăn nổi ý chí của VPF trong vấn đề thương quyền truyền hình, nếu những nhân vật chóp bu của VPF như các ông Chủ tịch Võ Quốc Thắng, PCT Nguyễn Đức Kiên muốn đấu tới cùng, và đấu đến nơi đến chốn...

Nếu sự thực muốn phản đối VPF để đứng về hẳn phía VFF thì trong buổi gặp gỡ báo chí sau khi Thanh tra Bộ VH-TT&DL công bố kết luận Thanh tra hợp đồng chuyển giao thương quyền giữa VFF với AVG ông Viễn đã không có những luận điểm bênh VPF chằm chặp.

Hôm đó, khi phía VPF cứ khăng khăng cho rằng VFF và các CLB là đồng sở hữu giải VĐQG, cũng đồng thời là đồng sở hữu bản quyền truyền hình giải VĐQG thì một phóng viên đã đặt cho ông Viễn câu hỏi: “Thực tế là các giải đấu do FIFA, AFC tổ chức, chỉ có FIFA hay AFC là những người sở hữu duy nhất mà thôi. Vậy thì với những giải đấu do VFF tổ chức, sao có thể coi cả VFF lẫn các CLB đều có quyền sở hữu như VPF đang suy nghĩ?”.

Ngay lập tức, ông Viễn đã phân tích những điểm khác biệt trong các giải đấu của FIFA, AFC với các giải đấu của VFF với mục đích là không thể đem cái khuôn FIFA-AFC vào đây mà áp dụng, so sánh được.

Nhưng đấy không phải là lần duy nhất ông Viễn công khai chống lại VFF để bênh vực VPF. Trước đó, khi VFF ra công văn đề nghị các CLB cùng các BTC địa phương phải tôn trọng hợp đồng chuyển giao thương quyền giữa VFF với AVG thì ngay lập tức ông Viễn đã đại diện cho VPF ký các công văn với nội dung cho phép VTV và các đài truyền hình địa phương vào sân mà không cần thông qua ý kiến của AVG.

Ngoài ra, khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ kêu ca là VFF không nhận được các văn bản báo cáo chuyên môn của VPF sau mỗi vòng V.League thì ông Viễn đổ tại cho “công tác văn thư” chậm trễ, dù ai cũng hiểu phòng làm việc của ông Viễn với ông Hỷ chỉ cách nhau vài bước chân.

Khi VFF đề nghị ông Viễn sớm gửi điều lệ thi đấu của V.League và giải hạng Nhất cho mình thì ông Viễn đã liên tục “khất lần”, để rồi bản điều lệ sau đó đã được gửi thẳng lên Tổng cục TDTT, không thông qua VFF. Rồi khi VPF cho in áo Bib phóng viên cùng hàng loạt những tài liệu khác liên quan tới V.League nhưng tuyệt nhiên không cho in logo của VFF trên đó thì ông Viễn cũng không hề lên tiếng, chấn chỉnh gì.

Qua một loạt các dẫn chứng nói trên, bắt buộc phải đặt ra một câu hỏi: Ông Viễn đã không trung thành với VFF hay cơ cấu tổ chức của VFF thiếu thông minh, dân chủ tới mức phải đợi tới khi có thêm một chỗ ngồi mới, thay vì chỉ ngồi khư khư ở VFF thì ông Viễn và những người như ông Viễn mới dám chỉ ra những cái sai, cái yếu của tổ chức này?

Nếu câu trả lời nằm ở vế thứ nhất thì xét cho cùng nó chỉ là câu chuyện của cá nhân ông Viễn. Còn nếu câu trả lời nằm ở vế thứ hai thì cần phải cảm ơn ông Viễn, vì nhờ sự “chống đối” của ông mà người ta mới chợt thấy nội bộ VFF vốn đã bất đồng, và chỉ cần đợi “thời cơ thích hợp” thì mọi bất đồng sẽ lập tức nổ xung thiên. Rõ ràng, việc một ông Phó, lại là Phó chuyên môn ở VFF đã quay ra “chơi” VFF khiến cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc đều phải đặt tay lên trán mà... tư duy!
Dương Tùng Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục