Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đầu tư cho VĐV trẻ phải chấp nhận rủi ro

13:27 Thứ bảy 04/07/2015

Trao đổi với báo chí gần đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội – Nguyễn Thanh Hải khẳng định chủ trương đào tạo cho tài năng trẻ là đúng đắn và chúng ta cần chấp nhận rủi ro.

Tại SEA Games 28 vừa qua, đoàn Thể thao Việt Nam đã giới thiệu nhiều gương mặt trẻ tham gia tranh tài và đã có những gương mặt thi đấu rất thành công. Và một trong những cái tên điển hình là Nguyễn Thị Ánh Viên – người đã được Tổng cục Thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Thanh Hải (ảnh nhỏ) khẳng định đầu tư cho VĐV trẻ cần phải chấp nhận rủi ro.

Tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử làng bơi lội ĐNÁ với thành tích là VĐV giành nhiều HCV cá nhân nhất trong một kỳ đại hội (8 HCV). Tại Singapore trong tháng 6 vừa qua kình ngư người Cần Thơ cũng phá 8 kỷ lục đại hội, được báo chí trong nước và khu vực gọi với những cái tên mĩ miều như “Cô gái thép Việt Nam”, “Tiểu tiên cá”… Tuy nhiên, ít ai biết rằng để Ánh Viên đạt được thành quả rực rỡ tại SEA Games 28 và đạt 3 chuẩn A dự Olympic, ngành Thể thao và đơn vị chủ quản Quân đội đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư. Theo tiết lộ chi phí đào tạo của Ánh Viên tăng đều qua từng năm, với chi phí 3 tỷ đồng trong năm 2012, 5 tỷ đồng năm 2013, 6 tỷ đồng cho năm 2014 và năm 2015 lên đến gần 7 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí về vấn đề đầu tư cho các VĐV thể thao trẻ và những mục tiêu giành tấm vé dự Olympic của ngành Thể thao Việt Nam bà Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Việc đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học là những sự đầu tư mạo hiểm. Đặc biệt là việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Chủ trương đào tạo cho tài năng trẻ là đúng đắn. Chúng ta đừng nên hy vọng cứ đầu tư 1 tỷ đồng hay 10 tỷ đồng là phải thu về 1 HCV. Điều quan trọng là việc đầu tư hợp lý, lựa chọn con người để đầu tư có hiệu quả. Chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro rằng có thể đầu tư vào 5-10 trường hợp nhưng chỉ có 1-2 trường hơp đạt được như kỳ vọng.”

Bà Hải cũng thừa nhận không phải bất kỳ ai được đào tạo, bồi dưỡng với số tiền đầu tư lớn khi gia thi đấu cũng đạt kết quả tốt nhất. Nhưng “ tất cả những sự rủi ro đều có và ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Tuy vậy, không phải vì có rủi ro mà công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ lại không được quan tâm. Tôi tán thành việc gửi các tài năng trẻ đi được tham gia các khóa đào tạo chuyên nghịêp ở những cường quốc về môn thể thao đó,” bà Hải nhấn mạnh.

Để ngành Thể thao Việt Nam vươn mình ra đấu trường châu lục cũng như thế giới, hôm 2/7 vừa qua Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Việt Nam đã chủ trì cuộc họp tập trung đầu tư cho các môn thể thao, các VĐV trọng điểm cho Olympic Brazil 2016. Mục tiêu của ngành thể thao là phấn đấu có 16 - 23 VĐV đạt chuẩn đến Olympic. Để tập trung đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm, ngành thể thao sẽ cân đối ngân sách để có tiền đầu tư cho các VĐV, những nhiệm vụ ít quan trọng sẽ được gác lại.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục