Phạm Cao Cường: Nỗ lực thoát khỏi “cái bóng” của Tiến Minh

18:12 Thứ năm 16/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Tự nhận mình còn non kinh nghiệm và cần phải cố gắng nhiều trên con đường tiến lên chuyên nghiệp, Phạm Cao Cường cho hay anh vẫn đang học cách để trở thành “truyền nhân” xứng đáng của Nguyễn Tiến Minh.

Phạm Cao Cường là em út trong một gia đình có 3 người con ở Thái Bình. Trưởng thành bên cạnh hai anh trai Phạm Cao Hiếu và Phạm Cao Thắng (đều từng là những tuyển thủ quốc gia), niềm đam mê cầu lông đến với tay vợt 18 tuổi thậm chí còn trước cả khi anh bắt đầu cắp sách tới trường.

Giành giải thưởng đầu tiên ở cấp độ quốc gia chỉ sau 3 năm tập luyện. Tiếp tục khẳng định mình bằng những chiến thắng ở các giải trẻ cấp độ khu vực và châu lục. Cao Cường được đánh giá là “viên ngọc thô” có khả năng tỏa sáng nhất của cầu lông Việt Nam hiện tại.

* Cơ duyên nào đã đưa Cao Cường đến với cầu lông?

- Ngay từ năm 5 tuổi em đã được bố mẹ đưa tới sân cầu để xem hai anh trai tập luyện. Ngay từ lúc đó những đường cầu đầy mê hoặc của các anh đã có sức hấp dẫn rất lớn với em. Đến năm 6 tuổi thì em bắt đầu sinh hoạt ở nhà thi đấu của tỉnh Thái Bình với lịch tập từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, tức sau giờ học văn hóa.

Phạm Cao Cường hiện đang là tay vợt trẻ số 1 của VN. Ảnh: Internet.

* Sinh ra trong một gia đình mà 2 anh trai đều từng là những danh thủ quốc gia. Đó phải chăng là một may mắn rất lớn của bạn mà không phải đồng nghiệp nào cũng có?

- Tất nhiên. Hai anh là những người thầy đầu tiên truyền cảm hứng chơi cầu đến em. Từng trải qua nhiều năm thi đấu đỉnh cao, hơn ai hết Cao Hiếu cũng như Cao Thắng hiểu rõ và thông cảm với những khó khăn mà một VĐV cầu lông gặp phải. Thêm nữa, hầu hết mọi khúc mắc liên quan đến chuyên môn của em đều được các anh giải đáp rất nhiệt tình, cặn kẽ.

* Cao Cường có còn nhớ thành tích lớn đầu tiên của mình ở các giải trẻ?

- Em vẫn nhớ như in, đó là chiếc HCB nội dung đôi nam quốc gia năm em 9 tuổi.

* Đó cũng là bước đệm để gia đình hướng em theo con đường chuyên nghiệp?

Cũng không hẳn là vậy. Thậm chí đến lúc 12 tuổi, thời điểm em được nhận vào Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia III tại Đà Nẵng thì bản thân vẫn chưa có bất cứ định hướng nào theo con đường chuyên nghiệp.

Mãi đến năm 14 tuổi, khi vô địch đơn nam quốc gia dành cho lứa tuổi U16, em mới thật sự suy nghĩ nghiêm túc đến việc sẽ gắn bó toàn bộ sự nghiệp với cầu lông. Dưới sự ủng hộ của bố mẹ và hai anh, anh bắt đầu tập luyện nghiêm túc với những giáo án bài bản hơn. Cùng năm đó em quyết định đầu quân cho TP HCM và thi đấu với tư cách là đại diện của TP ở các giải trẻ.

Anh cũng là một trong số ít những tay vợt VN được đầu tư bài bản và được tập huấn dài hạn ở nước ngoài.

* Bắc Giang hay Thái Bình là những địa phương phát triển về cầu lông ở Miền Bắc. Đầu quân cho 1 trong 2 tỉnh thành này Cao Cường sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình và bạn bè hơn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến em quyết định “Nam tiến”?

- Thái Bình hay Bắc Giang đều mạnh về cầu lông, song so về tiềm lực phát triển, điều kiện cơ sở vật chất thì lại không thể sánh bằng TP. HCM. Như em đã nói, hai anh trai em đều từng là những tay vợt khoác áo TP. HCM, đều đã trải nghiệm cuộc đời VĐV và thi đấu tại đây. Chính họ đã cho em những lời khuyên hữu ích và nghiêm túc nhất về tương lai.

Thêm nữa, một khi đã quyết định trở thành VĐV chuyên nghiệp là phải chấp nhận xa gia đình để toàn tâm toàn ý tập trung cho sự nghiệp. Một năm hầu như em chỉ đoàn tụ với gia đình một lần duy nhất ở dịp Tết Nguyên Đán. Đó cũng là thiệt thòi mà những bạn trẻ theo con đường thể thao nói chung và những tay vợt nói riêng phải trải qua.

* Cao Cường của những ngày đầu đặt chân đến TP HCM gặp những khó khăn gì?

- Có lẽ vấn đề lớn nhất là áp lực với những giáo án cực nặng. Hồi còn ở Thái Bình một ngày với em chỉ là sáng học văn hóa chiều tập cầu. Vào thành phố, em phải tập cả ngày với cường độ rất cao. Thêm nữa, vấn đề dinh dưỡng, nghỉ ngơi sau khi thi đấu gần như phải điều chỉnh lại từ đầu sao cho khoa học nhất. Đó không phải là thử thách dễ dàng với một đứa trẻ xa nhà ở tuổi 14.

* Tính đến hiện tại, Cao Cường có trải qua chấn thương nào lớn?

- Em may mắn hơn nhiều người vì không thường xuyên chấn thương. Tuy nhiên, điều khiến em cảm thấy tiếc nuối nhất là việc dính chấn thương cơ đùi sau trước Olympic trẻ ở Trung Quốc vừa rồi. Việc không thể tập nặng, sau đó đến ngày hội thể thao lớn nhất với thể trạng không thật sự tốt khiến em không thể giành vé vào tứ kết như mong muốn.

* Không phải VĐV nào cũng có cơ hội được tham dự Olympic trẻ. Với Cao Cường, vinh dự tăng lên gấp bội vì em là người cầm cờ cho đoàn Việt Nam. Cảm giác của em thế nào khi trở về từ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh?

- Đặt chân đến Olympic luôn là niềm mơ ước với bất kỳ ai. Với Olympics “lớn”, bạn có thể tham dự nhiều lần nếu duy trì được phong độ. Còn Olympics trẻ thì lại khác, có thể nói đây là trải nghiệm chỉ xảy ra một lần trong cuộc đời mỗi VĐV. Khoảnh khắc cầm trên tay lá cờ Việt Nam tung bay trong lễ khai mạc cũng là giây phút đáng nhớ nhất của em khi tham dự các sân chơi trẻ.

* Được biết sau 2 năm đầu quân cho TH. HCM thì Cao Cường bắt đầu được gửi đi tập huấn dài hạn ở Indonesia. Với nhiều bạn trẻ, tài chính chính là một trong những rào cản khi muốn “tầm sư học đạo” ở những nền cầu lông phát triển. Còn riêng Cao Cường đó có phải là khó khăn?

- Em may mắn hơn những bạn trẻ khác bởi kinh phí tập luyện được sở VH -TT–DL TP. HCM “đài thọ” một nửa bên cạnh sự hậu thuẫn từ phía gia đình.

* Cao Cường có thể nói cụ thể hơn về quá trình tập luyện và những khác biệt ở Indonesia so với VN?

- Cũng tùy theo số lượng giải trong một tháng mà HLV phân bổ thời gian tập luyện phù hợp cho em. Chẳng hạn tháng nào có 1 giải thì em tập 3 tuần, còn một tuần đi dự giải. Ở lứa tuổi của em thì trung bình một năm có khoảng 10 đến 12 giải.

Về cường độ tập luyện thì Indonesia và VN gần như ngang nhau. Ở Indonesia, một ngày của em bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc 6 giờ chiều. Tuy nhiên, hiệu quả mà mỗi bên mang lại hoàn toàn khác nhau. Indonesia có nhiều chuyên gia giỏi về cầu lông, điển hình nhất là ông Asep Suharno (từng là HLV của nhà vô địch Olympic Taufik Hadayat) nên đa số các tay vợt có điều kiện đều muốn sang đây để học hỏi.

Cao Cường được giới chuyên môn đánh giá là người có thể trở thành truyền nhân của Tiến Minh trong tương lai. Ảnh: Internet.

* Hai năm ròng tập huấn ở nước ngoài. Theo Cao Cường đâu là điều mà cầu lông Việt Nam cần học hỏi ở Indonesia?

- Cầu lông ở Indonesia cũng giống như môn thể thao “Vua” vậy. Mọi người, mọi nhà, mọi lứa tuổi đều chơi cầu lông.

Chưa nói đến trình độ chuyên môn của VĐV. Chỉ xét đến hệ thống thi đấu cùng cách thức tổ chức thì Indonesia vẫn trên Việt Nam một bậc. Ở Indonesia mỗi năm tổ chức từ 20 đến 25 giải với đầy đủ các cấp độ từ U13 đến U19. Mỗi thành phố có đến vài chục CLB và VĐV hầu như được cọ sát quanh năm nên thường các VĐV của nước này tiến bộ rất nhanh.

* Có nhiều ý kiến cho rằng với một xuất phát điểm tốt hơn Tiến Minh, được đầu tư mạnh hơn Tiến Minh thì ít nhiều nỗ lực phấn đấu và chí tiến thủ của Cao Cường sẽ ít nhiều thua kém anh ấy. Điều này có hoàn toàn đúng không?

- Cũng không hẳn là như vậy. Em may mắn hơn rất nhiều so với anh Minh và các tay vợt khác là có « bệ phóng » ngay từ đầu. Đó chính là động lực để mỗi khi nhìn lại em thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Như đã nói, khi quyết định theo con đường chuyên nghiệp thì ý chí và sự quyết tâm của một VĐV phải rất lớn, và với em cũng không ngoại lệ.

* Tiến Minh từng nhận định Cao Cường là tay vợt trẻ duy nhất hiện nay có khả năng thay thế khi anh giải nghệ. Với em đây là áp lực hay động lực?

- Có lẽ là cả hai. Tiến Minh từng thi đấu quốc tế nhiều năm, trình độ vượt trội so với các tay vợt khác trong nước nên ít nhiều anh ấy có nền tảng chuyên môn nhất định. Khi được Tiến Minh tin tưởng, bản thân em cảm thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể tái lập được những thành tích như anh ấy từng làm.

Về áp lực, từ trước đến nay chưa một tay vợt VN nào để lại ấn tượng trên đấu trường quốc tế nhiều như Tiến Minh. Thế nên việc bị đem ra so sánh với đàn anh vô hình cũng khiến tâm lý em căng thẳng. Tiến Minh đã là một tượng đài, nhưng em sẽ nỗ lực để thoát ra khỏi « cái bóng » của anh ấy.

* Đâu là phẩm chất mà Cao Cường cần phải học ở Tiến Minh để trở thành một tay vợt lớn ?

Điều mà bản thân em cũng như các tay vợt trẻ khác cần học ở anh Minh là sự cần cù, ý chí cũng như cường độ rất cao trong tập luyện và thi đấu.

Đó là tay vợt số 2 thế giới Chen Long. Em ngưỡng mộ sức mạnh, sức bền cũng như những pha phòng thủ khó tin của anh ấy.

* Trận thắng lớn nhất sự nghiệp của Cao Cường tính đến lúc này ?

- Chắc chắn là trận thắng trước Chou Tien Chen tại vòng 1 giải vô địch châu Á hồi tháng 4 vừa qua tại Hàn Quốc. Khi đó Chou Tien Chien xếp thứ 22 thế giới, còn em đang đứng ở vị trí thứ 226 thế giới.

* Năm tới đây Cao Cường sẽ hết tuổi thi đấu các giải trẻ. Bạn có đặt ra mục tiêu cụ thể nào trong quãng thời gian đầu tiến lên chuyên nghiệp không?

- Quá trình chuyển từ giải trẻ sang chơi ở các giải nhỏ của cấp độ chuyên nghiệp như Challenger luôn là thách thức với hầu hết các tay vợt. Điều em còn thiếu ở thời điểm hiện tại là kinh nghiệm tại các sân chơi lớn. Thế nên em sẽ cố gắng thi đấu và thể hiện hết những gì mình đã học được nhằm tích lũy đủ điểm số để giành tấm vé tham dự Olympics Rio 2016 tại Brazil, đó cũng là năm mà em tròn 20 tuổi.

* Là tay vợt đang có chỗ đứng nhất định trên BXH trẻ thế giới. Cao Cường muốn nhắn nhủ gì đến những bạn trẻ đam mê cầu lông, đặc biệt là những ai đang có ý định đi theo con đường chuyên nghiệp?

- Đam mê là yếu tố tiên quyết khi bạn quyết định theo chuyên nghiệp. Nó quyết định đến hơn 50% sự thành công sau này. Thế nên nếu có đam mê thì bạn hãy mạnh dạn thử sức, không chỉ với cầu lông mà còn với bất kỳ môn thể thao nào khác. Sự khổ luyện và quyết tâm chắc chắn sẽ mang lại những thành công như bạn mong muốn.

Nam Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục