Olympic PyeongChang 2018 - Thông điệp hướng tới hòa bình

20:51 Thứ sáu 09/02/2018

Tối 9/2, Đại hội thể thao thế giới (Olympic) mùa Đông 2018 sẽ chính thức khai màn tại thành phố PyeongChang của Hàn Quốc.

Olympic-PyeongChang-01

 Các cổ động viên nhí tại Olympic PyeongChang ở Gangneung, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc ngày 8/2. Ảnh: Yonhap.

Đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, Thế vận hội quay lại với Xứ sở Kim Chi, kể từ sau Olympic mùa Hè Seoul 1988, đồng thời là lần thứ 2 Olympic mùa Đông trở lại với châu Á, đúng 20 năm sau kỳ Olympic được tổ chức ở thành phố Nagano của Nhật Bản.

Olympic PyeongChang 2018 là Thế vận hội mùa Đông quy mô lớn nhất trong lịch sử, về cả số lượng vận động viên thi đấu, lẫn lực lượng hậu cần. Theo thông báo của Ban tổ chức, gần 3.000 vận động viên từ 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận tham gia sự kiện này. Ngoài ra, còn có 55.684 nhân viên, tình nguyện viên phục vụ cho Thế vận hội năm nay.

Nhiều nước thông báo sẽ cử tới Hàn Quốc đoàn thể thao hùng hậu nhất từ trước đến nay. Đông nhất là đoàn vận động viên Mỹ với 242 người, tiếp đó là Canada - cường quốc về môn khúc côn cầu trên băng - với 230 vận động viên. Tuy không mạnh về các môn thể thao mùa Đông, nhưng Anh cũng cử đến PyeongChang tổng cộng 59 vận động viên, con số nhiều gấp 3 lần từng gửi đến Olympic mùa Đông Sochi 2014 ở Nga.

Trong khi đó, nước láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản cũng góp mặt 123 vận động viên, còn đoàn thể thao Trung Quốc có tổng cộng 82 vận động viên tham gia tranh tài ở nhiều nội dung thi đấu. Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, tại Olympic lần này, Singapore và Malaysia lần đầu tiên tham dự. Philippines cũng đánh dấu sự trở lại với Thế vận hội mùa Đông sau 22 năm vắng bóng tại đấu trường này.

Olympic PyeongChang 2018 cũng là kỳ Thế vận hội mùa Đông đầu tiên trong lịch sử có tới 102 Huy chương Vàng được trao, trong 15 nội dung của 7 môn thi đấu.

Để tổ chức Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, Hàn Quốc đã chi tới 18 tỷ USD – nhiều gấp 5 lần so với chi phí tổ chức Olympic mùa Đông Sochi 2014, trong đó sân vận động Olympic PyeongChang, với sức chứa 35.000 người, được xây mới để phục vụ lễ khai mạc và bế mạc sự kiện trọng đại này.

Hôm 12/1 vừa qua, Hàn Quốc đã khánh thành nhà ga mới tại sân bay Incheon ở thủ đô Seoul để có thể đón tiếp các vận động viên và du khách đến dự Olympic PyeongChang 2018. Trước đó, cuối tháng 12/2017, một tuyến đường cao tốc mới nối sân bay Incheon với Seoul sau 1 giờ 20 phút chạy tàu, thay vì phải mất 3 giờ như trước đây. Bên cạnh đó, công trình xây dựng các tuyến đường ô tô chạy thẳng từ thủ đô đến các địa điểm thi đấu ở PyeongChang cũng đã đi vào sử dụng.

Ngoài những hoạt động thể thao, Olympic mùa Đông 2018 còn lôi cuốn sự chú ý của dư luận thế giới bởi sự tham gia lần đầu tiên của Triều Tiên ở giải đấu tầm cỡ thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.

Trong thông điệp Năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khiến cả thế giới bất ngờ khi chủ động bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ liên Triều, xóa bỏ sự hiểu nhầm và mất lòng tin. Ông "chân thành chúc Olympic mùa Đông được tổ chức thành công," đồng thời nhấn mạnh "là một dân tộc cùng chung huyết thống, việc chúc mừng sự kiện vui của đồng bào và giúp đỡ lẫn nhau là lẽ chính đáng."

Vốn là người ủng hộ đối thoại liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lập tức hoan nghênh lời đề xuất của ông Kim Jong Un, đồng thời bày tỏ sẵn sàng cùng Bình Nhưỡng thảo luận biện pháp cải thiện quan hệ hai miền, với thái độ có trách nhiệm “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới mọi hình thức."

Các nỗ lực “xích lại gần nhau” của hai miền Triều Tiên được xúc tiến rất nhanh và liên tục, ở nhiều cấp độ. So với thái độ không tiếp xúc, không đối thoại năm 2017, những động thái này cho thấy chính sách của Bình Nhưỡng đối với Seoul đã có những thay đổi đáng kể.

Phái đoàn Triều Tiên gồm hàng trăm người đã tới Hàn Quốc dự Olympic 2018, trong đó có tổng cộng 22 vận động viên - số lượng nhiều nhất trong tất cả các lần miền Bắc tham dự Thế vận hội mùa Đông. Hai miền Nam - Bắc lần đầu tiên thành lập một đội tuyển liên Triều thi đấu tại Olympic (đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ); nhất trí sử dụng tên gọi quốc gia là "Korea" khi cùng diễu hành trong lễ khai mạc dưới lá cờ chung in hình Bán đảo Triều Tiên thống nhất và sử dụng dân ca Arirang thay vì quốc ca hai nước.

Với những chuyển động tích cực này, Olympic PyeongChang trở thành một sự kiện mang hy vọng hòa giải, hòa bình giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên trong bối cảnh quan hệ, liên lạc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã bị cắt đứt từ hơn hai năm qua.

Hòa bình cũng được lấy làm chủ đề chính trong lễ khai mạc Olympic mùa Đông lần thứ 23 vào lúc 8h tối nay giờ địa phương (tức 6 giờ tối nay theo giờ Việt Nam) tại sân vận động Olympic ở thành phố Pyeongchang. Theo đạo diễn nổi tiếng Song Seung-whan - Giám đốc sáng tạo của Olympic 2018, thông điệp hòa bình sẽ chuyển tải qua câu chuyện về chuyến phiêu lưu của 5 em nhỏ đến từ tỉnh Gangwon.

Cũng để thể hiện thông điệp hòa bình, ngày 5/2, tượng đài Bức tường Đình chiến đã được khánh thành tại Làng Olympic PyeongChang. Họa tiết trên bức tường này do họa sĩ người Hàn Quốc Yi Je-seok thiết kế, lấy cảm hứng từ thông điệp hòa bình của Giáo hoàng Francis rằng việc xây dựng những cây cầu, chứ không phải là những bức tường, sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân trên thế giới.

Trưởng Ban tổ chức Lee Hee-beom bày tỏ hy vọng Olympic PyeongChang sẽ là một nhân tố thúc đẩy hòa bình trong khu vực, mở đường để Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tồn tại hòa bình thay vì căng thẳng quân sự, trao đổi cởi mở, thay vì đối đầu.

Trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang từ ngày 9-25/2, nhiều vận động viên sẽ ký tên lên bức tường này, và tác phẩm sẽ được trưng bày vĩnh viễn tại PyeongChang như một di sản của Thế vận hội mùa Đông đầu tiên tại Hàn Quốc.

Thanh Phương | 14:47 09/02/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục