Nữ vận động viên Nguyễn Thị Hương: "Mỏ vàng" thể thao Bắc Kạn

16:20 Chủ nhật 08/03/2015

Nữ vận động viên Nguyễn Thị Hương, người dân tộc Tày là một trong những vận động viên xuất sắc nhất của tỉnh Bắc Kạn đã đạt đẳng cấp Kiện tướng quốc gia.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Tạ Toàn)

Tham gia gần 30 giải đấu của bộ môn bắn cung trong suốt 11 năm qua, Hương đã giành được 95 huy chương cá nhân các loại, trong đó có 27 huy chương Vàng, 33 huy chương Bạc và 35 huy chương Đồng.

Nguyễn Thị Hương cũng đã từng phá 3 kỷ lục quốc gia ở các cự ly 30 mét, 50 mét và 60 mét nữ. Hiện nay, nữ vận động viên này vẫn giữ kỷ lục ở nội dung 30 mét nữ. Chị được ví như "mỏ vàng" thể thao thành tích cao của Bắc Kạn.

Nguyễn Thị Hương sinh năm 1985 tại thôn Nà Dường, xã Ân Tình, huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn, trong một gia đình nghèo không có ai theo nghiệp thể thao. Cơ duyên đến với môn thể thao bắn cung đối với Hương thật tình cờ. Ông Nguyễn Văn Chu, bố của Hương cho biết, lúc nhỏ Hương chưa bộc lộ năng khiếu về thể dục thể thao.

Những năm học trung học cơ sở, trung học phổ thông có đôi lần Hương đi thi đấu điền kinh. Bản thân Hương cũng bất ngờ vì mình lại gắn bó và say mê với môn bắn cung đến vậy.

Năm học 2001-2002 khi đang là học sinh lớp 10 trường trung học phổ thông Yến Lạc, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao Bắc Kạn vào trường tuyển vận động viên bắn cung, Hương xin dự tuyển và đã trúng tuyển. Sau đó, huấn luyện viên quốc gia môn bắn cung ở Hà Nội lên Bắc Kạn kiểm tra lại, Hương vẫn được công nhận trúng tuyển và về Hà Nội tập trung huấn luyện.

Thời gian tập luyện ở Thủ đô, Hương rất nỗ lực, ban ngày đi tập bắn cung còn tối học văn hóa. Đây cũng là thời gian Hương phải vượt qua nhiều thử thách. Nữ vận động viên cho biết giá mỗi cây cung từ 40 triệu đến hơn 100 triệu đồng. Mỗi hộp tên có 12 cái, giá mỗi hộp cũng từ 7-14 triệu đồng. Mỗi cái tên bắn gãy là tốn tiền triệu nên người sử dụng phải rất cẩn thận.

Môn bắn cung trông có vẻ đơn giản, nhưng thực ra rất khó. Với người bắn cung, tay trái cầm cung phải chuẩn xác, phải khắc phục độ rung của tay, ổn định tầm cao thấp khi ngắm bắn; tay phải kéo dây cung, đòi hỏi lực kéo tối thiểu là 20kg lực, đồng thời phải giữ cho mũi tên thật cân bằng với điểm ngắm.

Sau 3 tháng luyện tập liên tục, các thao tác của Hương về bộ môn bắn cung mới dần ổn định. Nhưng bả vai và cánh tay như muốn rời ra, đau mỏi. Yêu cầu luyện tập của huấn luyện viên đòi hỏi ngày một cao, động tác kỹ thuật phải đạt đến mức hoàn thiện, nhiều lúc thấy khó quá, Hương định bỏ giữa chừng, nhưng được sự động viên của mọi người nên chị lại tiếp tục nỗ lực.

Sau 6 tháng tập luyện, Nguyễn Thị Hương đã bắn cung đạt yêu cầu ở cự ly 30m. Sau 9 tháng tập luyện Hương đã được đi thi đấu lần đầu tiên ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2002. Lần này Hương chưa đạt huy chương. Không nản, Hương tự nhủ mình phải cố gắng hơn trong luyện tập.

Sau đó một năm, khi đi thi đấu tranh cúp Quốc gia tại Hải Phòng, Hương đã đạt huy chương Bạc. Thành tích đầu tiên ấy đã giúp nữ vận động viên này tự tin hơn với môn thể thao mình đã chọn. Ở những giải sau đó, Hương liên tục gặt hái thành công bằng những tấm huy chương.

11 năm qua, Nguyễn Thị Hương đã có mặt trên các đấu trường bắn cung trong nước với tổng số huy chương vàng, bạc, đồng đã giành được là 95 huy chương các loại.

Nguyễn Thị Hương đã được phong Kiện tướng cấp quốc gia từ năm 2003. Hương từng giữ 3 kỷ lục quốc gia môn bắn cung ở các cự ly 30m, 50m, 60m. Hương cũng đã vinh dự được tham gia đội tuyển bắn cung Việt Nam tại các kỳ SEA Games 23, 24, 25 và ASIAD tại Quảng Châu, Trung Quốc...

Hiện nay dù đã lập gia đình nhưng Hương vẫn tích cực luyện tập bắn cung. Nữ vận động viên này cũng đang theo học Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn. Ngoài những kỳ luyện tập thi đấu quốc gia, Hương còn về Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Bắc Kạn để huấn luyện bắn cung cho 11 học viên.

Với những thành tích xuất sắc trong thi đấu, vận động viên Nguyễn Thị Hương đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Chặng đường 11 năm phấn đấu trở thành một xạ thủ bắn cung số 1 của Bắc Kạn và đạt danh hiệu Kiện tướng quốc gia của vận động viên Nguyễn Thị Hương xứng đáng là niềm tự hào của phụ nữ các dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Đức Hiếu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục