Novak Djokovic và dấu ấn của sự thống trị

10:45 Thứ sáu 28/11/2014

Anh có thể chưa được đặt lên bàn cân với Federer, Nadal, Pete Sampras hay Andre Agassi về các kỷ lục Grand Slam hoặc ảnh hưởng tên tuổi trong lịch sử quần vợt. Thế nhưng, có lý nếu nói Nole cũng đã xác lập một thời kỳ thống trị của riêng mình.

Cụm từ “thống trị” luôn có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau và gây tranh cãi. Trong một thời đại 10 năm của “Big Four”, nói một ai đó trong nhóm Federer, Djokovic, Nadal hay Murray “thống trị” đồng nghĩa tạo nhiều luồng ý kiến trái chiều. Và đặc biệt, nói Djokovic “thống trị” lại càng khó hơn. Nhưng bạn có tin rằng Nole đang là cái tên đình đám nhất vài năm qua không?

Dấu ấn “4 năm”

Trong thời kỳ hưng phấn của một tay vợt, anh ta có thể thắng 2 đến 3 giải Grand Slam trong vòng 2 năm cũng không phải điều kỳ lạ trong lịch sử quần vợt. Nhưng để gọi là nổi bật nhất, thống trị ATP – WTA, cần khoảng 4 năm để đo lường mức độ thành công và phong độ kéo dài – cái hình thành nên đẳng cấp.

Nole xứng đáng là tay vợt hay nhất thế giới hiện tại

Đặt các mốc 4 năm vào những tay vợt hàng đầu sẽ thấy, Roger Federer là người sở hữu thành tích ”khủng” nhất. Từ 2004 đến 2007, ngôi sao người Thụy Sĩ thắng tới 11 danh hiệu Grand Slam.

Phía sau FedEx chỉ Pete Sampras (giai đoạn 94-97), Bjorn Borg (78-81) và Nadal (08-11) là giành được 7 danh hiệu lớn kể trên. Lẽ dĩ nhiên, số tuần xếp hạng nhất thế giới của Federer là 204, trội hơn hẳn các mốc hoàng kim của nhóm còn lại (chỉ từ 102 đến 170 tuần).

Thậm chí, tính ở các mốc 4 năm khác, như từ 05-08, 06-09 hay 03-06, Federer cũng giành 9 Grand Slam mỗi giai đoạn, nhiều hơn bất cứ cột mốc 4 năm của các tay vợt còn lại.

Thời của Djokovic

Trong cách tính này, Novak Djokovic chỉ xếp thứ 6 trong danh sách 4 năm thống trị. Anh có 6 danh hiệu Grand Slam từ 2011 đến 2014, với 127 tuần đứng số 1 bảng xếp hạng.

Sau khi “mở hàng” Grand Slam tại Úc mở rộng năm 2008, Djokovic đã có liên tục 3 mùa Grand Slam khá thất vọng, và đến giờ vẫn chưa vượt qua thử thách sân đất nện Roland Garros. Tuy nhiên, anh chính thức tham gia “Big Four” với sự bùng nổ vào năm 2011.

Nole “ẵm” tới ¾ danh hiệu Grand Slam trong năm ấy, nối tiếp theo ngay sau đó là bảo vệ thành công danh hiệu Úc mở rộng. Sau khi thua ở bán kết và tứ kết các giải còn lại trong năm 2012, Nole lấy lại nhịp thắng và một lần nữa Úc mở rộng khắc tên anh, năm 2013.

Trong năm 2014 với nhiều biến động, chứng kiến sự vươn lên của Wawrinka hay Cilic ở Úc và Mỹ mở rộng, Djokovic vẫn kịp chiến thắng tại Wimbledon.

Đã đến thời thống trị của Nole

Thành tích này giúp Nole lần thứ 3 trong 4 năm liền kết thúc mùa Grand Slam ở vị trí số 1 thế giới, và cũng xếp tốp 3 trong 8 mùa liên tiếp.

Giai đoạn 4 năm qua (2011-2014) chứng kiến Djokovic “độc bá” tại Grand Slam khi anh thắng 6 danh hiệu tổng cộng. Chỉ Rafael Nadal (4 danh hiệu) là người xem ra duy trì phong độ đáng kể nhất sau Nole, mặc dù số danh hiệu bị rải rác từng năm và ¾ số ấy đã thuộc về mặt sân quen thuộc Roland Garros.

Để so sánh rõ hơn, trong Big Four, Federer giành đúng 1 Grand Slam ở giai đoạn này, trong lúc giai đoạn 2012-13 của Andy Murray với Mỹ mở rộng và Wimbledon xem ra đã nhanh chóng kết thúc.

Không phải là nhân vật “bá đạo” nhất trong số các huyền thoại thống trị, nhưng sẽ công bằng nếu nói rằng khoảng thời gian 4 năm gần đây, giới quần vợt phải công nhận việc Novak Djokovic mới là tay vợt xuất sắc nhất.

Trác Thanh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục