“Nội chiến” VFF - VPF: Xấu chàng, hổ ai?

15:49 Thứ sáu 06/01/2012

Nếu AVG và bản hợp đồng bán bản quyền truyền hình 20 năm là mồi lửa thì việc VFF và VPF phơi bày tất cả những gì xấu xí ra trước công luận là một hình ảnh đáng buồn. Bóng đá Việt Nam rõ ràng không thể tốt lên khi nề nếp gia phong sứt mẻ, bố mẹ và con cái coi nhau như kẻ thù!

Mồi lửa từ “cuộc chiến bản quyền truyền hình” giữa VFF-AVG-VPF khiến người hâm mộ bóng đá nước nhà hoang mang không biết tin vào ai? Ảnh: Quang Thắng

“Tranh đấu” vì cái gì?

Trên lý thuyết, VFF và VPF lao vào cuộc đại chiến, tranh cãi tóe khói đều mang danh vì bóng đá Việt Nam. VFF muốn giữ nền nếp gia phong, thể hiện tinh thần của người đi trước, làm đúng và theo luật. Nói chính xác, VFF đang tìm mọi cách khẳng định: bản hợp đồng ký 20 năm với AVG là đúng luật và “trứng” thì không thể nào khôn hơn “vịt”! Ở thế đối diện, VPF tố bố mẹ của mình không hiểu luật, phạm luật và làm thiệt thòi cho bóng đá Việt Nam. Bởi vậy, VPF chẳng nể nang quan hệ máu mủ, cứ viện dẫn các luật lệ mà VPF cho là đúng để nện thẳng vào VFF.

Việc VFF bảo vệ quan điểm, bản hợp đồng của họ đã ký với AVG là điều dễ hiểu. Bởi giả sử, VFF thua VPF trong cuộc đấu lý, làm bể hợp đồng với AVG, đương nhiên VFF phải hứng chịu những tổn hại vô cùng lớn về tài chính lẫn danh dự. Ngược lại, VPF chẳng khác gì kẻ tay không, chẳng thiệt hại gì về kinh tế nếu họ không “vồ” lại được hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình. Điều đó biến thành động lực cho VPF tiến hành cuộc “cách mạng”, kể cả việc chấp nhận làm bẽ mặt bố mẹ của VPF.

Cuộc đấu giữa VPF và VFF càng ngày càng đượm mùi kinh tế, tiền bạc và quyền lực chứ không đơn thuần vì bóng đá Việt Nam. Sòng phẳng mà nói, giữa VFF và VPF, tiếng là có mối quan hệ huyết thống, gần gũi song thực tế VFF và VPF chưa bao giờ tránh được cảnh tanh lòng. VPF từ chỗ trắng tay, lấy được quyền tổ chức, điều hành 4 giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, nay càng muốn củng cố thêm thế lực. Ngược lại, VFF sau cú giật mình vì bỗng nhiên mất đứt một miếng bánh thơm ngon nhất, nay chấp chới và không muốn để cho đứa con ngỗ ngược tiếp tục vỗ mặt, chẳng có chút nể nang.

Chỉ thấy thiệt hại

Một thực tế rõ ràng: VFF và VPF sa vào cuộc tranh cãi, uy tín của VFF và VPF đều tuột dốc thảm hại. Đấy là hệ quả nhìn thấy, bởi người ta không thể coi cuộc tranh cãi vừa qua là ngẫu nhiên, vô tình để bảo vệ lẽ phải. Uy tín xuống có nghĩa, thiệt hại cho bóng đá Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Tương lai u ám ấy thể hiện bằng tuyên bố nắn gân của Eximbank - nhà tài trợ cho Super League 2012. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank kiêm Phó Chủ tịch VFF, Phó Chủ tịch HĐQT VPF, thừa nhận Eximbank đang cân nhắc phá hợp đồng tài trợ cho Super League. Lý do đơn giản, tranh cãi giữa VPF và VFF là hình ảnh xấu xí, ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà tài trợ.

Việc Eximbank có rút thật hay chỉ dọa, điều đó còn phải chờ. Bởi ông Lê Hùng Dũng là Chủ tịch HĐQT Eximbank, nhưng bầu Kiên - người có vai trò quyết định và cũng là tác nhân cho cuộc chiến VPF - VFF, lại là cổ đông lớn của ngân hàng này. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ kinh doanh, rõ ràng Eximbank đã bị tổn hại hình ảnh, thương hiệu vì trót dính với Super League. Bằng chứng là lễ khai mạc Super League, không có đại diện nào của Eximbank tham dự và chuyện lùng bùng còn làm cho thương hiệu của Eximbank không được quảng bá rộng rãi cả trên truyền hình lẫn các phương tiện truyền thông.

Giờ này, có lẽ việc VPF và VFF lôi nhau ra tòa phân xử đúng sai là chuyện đang được “hy vọng” biến thành sự thật. Tất nhiên, một khi đã lôi nhau đến tòa, mọi trắng đen và những góc khuất cũng phải được lột trần. Nếu vậy hình ảnh và uy tín của VFF, VPF hay chính là bóng đá Việt Nam coi như rơi xuống bùn đen.

Xấu chàng, hổ ai đây?
Ngọc Linh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục