Những màn thi đấu hay nhất Olympic

15:23 Chủ nhật 12/08/2012

15 ngày thi đấu của Olympic 2012 đã xuất hiện những màn thi đấu ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là kỷ lục thế giới trên đường đua xanh của nữ VĐV Trung Quốc 16 tuổi Ye Shiwen.

Ye Shiwen phá sâu kỷ lục thế giới 400m hỗn hợp nữ với thành tích bốn phút 28 giây 43. Kỷ lục cũ thuộc về Stephanie Rice, xác lập cách đây 4 năm ở Thế vận hội Bắc Kinh với bốn phút 29 giây 45. Hôm qua cô về thứ 4. Thành tích kém cỏi của kình ngư người Australia lần này được lý giải là do chấn thương vai trong quá trình tập luyện. Mấu chốt trong chiến thắng của Ye hôm qua là phần bơi tự do ở vòng đua cuối cùng. Cô chỉ mất 28 giây 93, nhanh hơn cả Ryan Lochte, nam kình ngư hay nhất thế giới hiện nay. Khi Lochte giành huy chương vàng ở nội dung tương tự dành cho các nam kình ngư, thành tích của anh trong 50 m cuối là 29,10 giây. Thành tích này khiến cả thế giới sững sờ. Một làn sóng nghi ngờ Ye lừa dối dâng cao, nhưng Ye đã thề không sử dụng doping và thành công của cô đến từ việc tập luyện chăm chỉ. Cô cũng vượt qua xét nghiệm thử doping của BTC Olympic 2012.
Đội tuyển Mỹ thắng chung kết 4x200m tự do nam. Mặc dù đây là chiến thắng đồng đội, nhưng nó lại đánh dấu một khoảnh khắc quan trọng của Michael Phelps, của lịch sử bơi lội thế giới và Olympic. Tay bơi vĩ đại nhất mọi thời đại đã giành tấm HC Olympic thứ 19 ở trên đường đua 4x200m tự do nam, chính thức phá kỷ lục 18 HC vàng của nữ VĐV thể dục dụng cụ người Nga Larisa Latynina, người giành HC Olympic thứ 18 năm 1964 và giữ kỷ lục có số HC Olympic nhiều nhất từ lúc đó cho đến khi Phepls vượt lên vào ngày 31/7.
David Rudisha phá kỷ lục thế giới 800m. Đối với người đứng đầu ban tổ chức Olympic 2012 Sebastian Coe, màn thi đấu xuất sắc của điền kinh không phải là một trong ba chiến thắng gây chấn động của Usain Bolt mà là thành tích chạm kỷ lục thế giới của VĐV Kenya David Rudisha. Tay chạy người kenya đã lần thứ hai chinh phục thành công thành tích 1 phút 40 giây 91. Ông Coe đã gọi đây là "màn thi đấu thượng thặng".
Usain Bolt phá kỷ lục Olympic 100m. Tay chạy tốc độ người Jamaica đã đốt cháy sự hâm mộ của cả thế giới với ba tấm HC vàng tại Olympic 2012. Trong đó, màn phá kỷ lục Olympic cự ly 100m nam được đánh giá là màn trình diễn xuất sắc của anh tại London. Bolt chỉ là người xuất phát nhanh thứ 5 nhưng có cú bứt tốc tốt nhất để cán đích với thành tích 9 giây 63. Đây cũng là thành tích tốt thứ hai trên thế giới ở cự ly này, chỉ sau kỷ lục thế giới 9 giây 58 do Bolt nắm giữ.
Tốp bơi nữ Mỹ vô địch 4x100m hỗn hợp. Thành tích phá kỷ lục thế giới ở 3 lượt đua tại lượt đua chung kết 4x100m hỗn hợp của tốp bơi Mỹ đã đem cho bơi lội Olympic một đỉnh cao mới. Trong lượt đua này, Franklin thực hiện lượt bơi ngửa, Dana Vollmer phá kỷ lục lượt bơi bướm và Rebecca Soni phá kỷ lục lượt bơi ếch, Allison Schmitt phá kỷ lục lượt bơi tự do. Bộ tứ này đã tạo nên một đội hình trong mơ cho đội tuyển bơi Mỹ.
Murray vô địch đơn nam quần vợt Olympic. Tay vợt số 4 thế giới đã đem lại niềm vui sướng cho người hâm mộ Anh khi trả món nợ thua Roger Federer ở chung kết Wimbledon và loại tay vợt số 1 Federer 3-0 ở trận chung kết, giành HC vàng Olympic quần vợt đầu tiên cho nước Anh. Thành tích này càng có ý nghĩa hơn khi anh vô địch ngay trên sân cỏ Wimbledon. Murray đã gọi đây là tuần tuyệt vời nhất trong cả sự nghiệp của mình và anh sẽ không bao giờ quên kỷ niệm thi đấu ở Olympic 2012.
“Người không chân” về nhì vòng loại điền kinh 400m nam. Sự góp mặt của Oscar Pistorius lần đầu tiên trên đường chạy 400m đã trở thành một sự kiện nóng nhất ngày 4/8. Đây không chỉ là khoảnh khắc giấc mơ cuộc đời của "Người không chân" trở thành sự thật, mà quan trọng hơn hình ảnh của anh đã tạo cảm hứng dũng cảm vươn lên cho cả thế giới, nhất là những người không may mắn bị khuyết đi một phần cơ thể.
Manteo Mitchell với màn thi đấu dũng cảm ở vòng loại điền kinh 4x400m nam. 400m, quãng đường dài vừa trọn một vòng sân vận động, không phải là thử thách quá lớn đối với các VĐV điền kinh, nhưng với một người bị gãy chân như Manteo Mitchell (Mỹ) thì đó là một chặng đua dài tưởng chừng vô tận. Trước khi bước vào vòng loại vài ngày, anh bị ngã cầu thang nhưng không thấy có vấn đề gì. Mọi chuyện chỉ xấu đi khi anh đã hoàn thành một nửa lượt chạy ở vòng loại tiếp sức 4x400m nam. Một tiếng "khục" vang lên và Manteo Mitchell bất thình lình cảm thấy cơn đau khủng khiếp trên chân mình. Bị gãy xương mác nhưng Manteo Mitchell vẫn cố lết về đích, giúp tốp chạy Mỹ lọt vào chung kết và sau đó giành HC bạc.
VĐV gốc Phi đầu tiên vô địch toàn năng thể dục dụng cụ nữ. Gabby Douglas đã trở thành VĐV Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Olympic giành HC vàng toàn năng môn thể dục dụng cụ sau khi vượt lên các VĐV nổi tiếng của Nga Victoria Komova và Aliya Mustafina. VĐV 16 tuổi này sau đó đã được Tổng thống Mỹ Obama gọi điện chúc mừng.
Mexico lần đầu vô địch bóng đá nam. Đội tuyển Brazil hùng mạnh nhất thế giới với sự góp mặt của cầu thủ trẻ Neymar vẫn không thể vượt qua lời nguyền ở Olympic và một lần nữa lại lỡ hẹn với giấc mơ giành HC vàng. U23 Mexico chưa hề đứng ở một trong ba vị trí cao nhất tại các kỳ Olympic và không hề là ứng cử viên cho ngôi cao nhất khi môn bóng đá nam Thế vận hội London 2012 khởi tranh. Nhưng họ đã bất ngờ chiến thắng 2-1 trong trận chung kết tối 11/8 đem về cho đại diện Bắc Mỹ chiếc HC vàng bóng đá nam Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử.
00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục