Những chuyện bất bình đẳng giới ở Mỹ mở rộng 2018

08:24 Thứ hai 10/09/2018

Sự xung đột căng thẳng của Serena Williams với trọng tài Carlos Ramos trong trận chung kết US Open đã dấy lên nhiều vấn đề bất cập về bình đẳng giới của bộ môn banh nỉ.

Trong trận chung kết đơn nữ US Open kết thúc ngày 8/9, tay vợt người Nhật Bản Naomi Osaka đã đánh bại tượng đài Serena Williams để lần đầu tiên vô địch một giải Grand Slam với tỷ số 6-2, 6-4.

Kết thúc trận đấu, cả hai tay vợt đều giàn giụa nước mắt. Osaka xúc động vì câu chuyện cổ tích giành chiến thắng ngay ở lần đầu tiên tham dự một trận chung kết Grand Slam, thì với Serena lại là những ức chế tinh thần trong suốt trận đấu mà cô gọi là "không công bằng".

Trước đó, tay vợt nữ từng 23 lần vô địch Grand Slam đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc trong suốt sự nghiệp thi đấu. Sau trận đấu tối thứ 7, Serena phát biểu rằng những bất cập trong bình đẳng giới đang tồn tại trong bộ môn banh nỉ của thế giới.

Trong một bài phân tích trên CNN, cây bút Nicole Chavez đã tổng hợp những dẫn chứng cho vấn đề này.

Serena gọi trọng tài là "kẻ trộm"

se-1

 Serena Williams bức xúc gọi trọng tài là "kẻ trộm". Ảnh: Getty.

Serena đã cáo buộc trọng tài Carlos Ramos có những quyết định bất bình đẳng giới sau khi thi hành một loạt án phạt đối với cô trong trận chung kết vừa qua.

Đầu tiên, Ramos cho rằng HLV Patrick Mouratoglou đã ra dấu chiến thuật cho cô học trò người Mỹ, điều bị cấm tại Grand Slam. Tiếp theo, Serena có hành động đập vợt xuống đất khiến trọng tài áp dụng hình phạt trừ điểm cho Serena ở game kế tiếp.

"Ông đã đánh cắp một điểm của tôi, ông là kẻ trộm", Serena chỉ mặt tuyên bố với trọng tài chính.

Trong cuộc họp báo sau thất bại, huyền thoại sống của làng banh nỉ nước Mỹ cho rằng cô từng chứng kiến những tay vợt nam gọi trọng tài bằng "nhiều cái tên khác", nhưng chưa một lần bị phạt.

"Tôi ở đây để chiến đấu vì quyền lợi và sự bình đẳng của phụ nữ. Khi tôi gọi trọng tài là 'kẻ trộm' và bị ông ta phạt điểm, tôi đã cảm thấy đây là biểu hiện của bất bình đẳng giới", cô em nhà Williams phát biểu.

Cô khẳng định: "Ông ta chưa bao giờ phạt một tay vợt nam nào khi bị họ gọi là 'tên trộm'. Tôi rất sốc, nhưng sẽ tiếp tục đấu tranh cho phụ nữ".

Billie Jean King, một huyền thoại trong làng quần vợt cũng lên tiếng ủng hộ Serena.

"Khi một người phụ nữ trải qua quá nhiều cảm xúc, cô ấy bị 'kích động' và phải chịu phạt vì chuyện đó. Còn nếu một người đàn ông làm điều tương tự, anh ta lại được cho là 'bộc trực' và chẳng bị làm sao hết. Cảm ơn Serena Williams vì đã làm sáng tỏ tiêu chuẩn kép này. Thế giới cần rất nhiều tiếng nói như thế nữa", bà King phản hồi trên trang cá nhân.

Còn đối với Christine Brennan, một chuyên gia phân tích trong lĩnh vực thể thao của CNN, tranh cãi giữa Serena và trọng tài đã cho thấy việc phụ nữ không được đối xử bình đẳng trong môn quần vợt.

"Chúng ta đều biết những chuyện như thế này trong quá khứ. Hãy nhớ lại những tay vợt như John McEnroe, Ilie Nastase, Jimmy Connors hay Andre Agassi. Họ từng mắng mỏ trọng tài, nhưng rồi đều thỏa hiệp thành công. McEnroe từng nói: 'Đừng có nghiêm trọng thế' hay hàng loạt những phát ngôn đả kích khác trong suốt nhiều năm, nhưng chưa bao giờ một trong số họ phải nhận án phạt", Brennan nhận định.

Cô kết luận: "Liệu trọng tài có phạt nếu tình huống vừa rồi đến từ một tay vợt nam không? Lịch sử đã cho thấy câu trả lời là không".

Trên trang cá nhân, ngôi sao một thời Andy Roddick cũng chia sẻ: "Rất ân hận rằng tôi từng nói những lời tệ hơn thế nhiều, nhưng chưa bao giờ bị phạt".

Alize Cornet bị cảnh cáo vì cởi áo trên sân

aliz

 Alize Cornet bị cảnh cáo vì có hành động cởi áo trên sân. Ảnh: AP.

Williams không phải là tay vợt duy nhất trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề giới tính dạo gần đây.

Vài tuần trước, Alize Cornet cũng bị cảnh cáo vì có hành động cởi áo trên sân. Cụ thể, trong khoảng thời gian 10 phút tránh nóng tại Flushing Meadows, Cornet đã vội vã rời khỏi sân để thay áo. Khi quay trở lại, nhận ra đã mặc áo ngược, tay vợt người Pháp tiết kiệm bằng cách lùi xuống vạch baseline, quay người vào trong để mặc lại đúng áo. Tuy nhiên, hành động của Cornet phải nhận một án cảnh cáo từ phía trọng tài điều khiển trận đấu.

Sau đó, chính ban tổ chức US Open phải lên tiếng xin lỗi vì những gì Cornet bị đối xử trên sân. Người phát ngôn còn nói thêm rằng tất cả tay vợt đều được phép thay áo khi ngồi trên ghế nghỉ, trong khi các tay vợt nữ còn có thêm lựa chọn thay trang phục trong "một khu vực riêng tư hơn và có sẵn gần sân đấu".

Còn nhớ thứ 3 vừa qua, John Isner đã thay tổng cộng 11 chiếc áo trong suốt 3 tiếng đồng hồ đối đầu Juan Martin del Potro. Một ngày sau, nhà vô địch Wembledon Novak Djokovic cũng cởi trần trong vài phút nghỉ giữa hiệp trong khi đối thủ John Millman đang thay áo ở trận tứ kết. Còn Rafael Nadal luôn cởi áo sau mỗi trận thắng. Không ai trong số họ phải nhận án phạt.

Trang phục "báo đen" của Serena bị "soi"

bao-den

 Trang phục "báo đen" mang đến không ít phiền toái cho Serena. Ảnh: Getty.

Trong trận đấu lớn đầu tiên Serena quay trở lại sau khi sinh, trang phục cô mặc trên người trở thành đề tài bàn tán còn ồn ào hơn cả màn trình diễn của hai tay vợt trên sân.

Hồi tháng 5, cô em nhà Williams mặc một bộ đồ đen tại giải Pháp mở rộng, trang phục này giúp cô tuần hoàn máu tốt hơn sau khi phải trải qua giai đoạn sinh nở khó khăn tháng 9 năm ngoái.

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ phim "Black Panther" nhận được rất nhiều sự khen ngợi từ người hâm mộ, nhưng lại hứng chịu những cái lắc đầu từ phía ban tổ chức.

Theo đó, Chủ tịch Liên đoàn quần vợt Pháp Bernard Giudicelli thông báo rằng ông sẽ đưa ra quy tắc trang phục cho giải đấu để cấm tay vợt có những bộ đồ bó sát tại giải đấu: "Người chơi phải tôn trọng bộ môn và địa điểm thi đấu".

Không giống như Wimbledon yêu cầu rất rõ về việc tay vợt tham dự phải mặc trang phục màu trắng, Roland Garros chưa bao giờ có nguyên tắc ăn mặc dành cho các VĐV trước đó.

Serena đã phải đối mặt với những lời miệt thị ngoại hình, nhưng sau tất cả, tay vợt người Mỹ cho biết không buồn vì điều đó.

"Chúng tôi đã nói chuyện với nhau và giữ mối quan hệ tốt đẹp", Serena nói về Chủ tịch Giudicelli, "Mọi chuyện đều ổn".

Sau đó, cô đã cất trang phục "báo đen" ở nhà và thay bằng bộ váy liền vải tuyn, lấy cảm hứng từ những vũ công ba lê để tham dự tại US Open năm nay. 

Trong khi tay vợt số một nước Mỹ thay đổi trang phục để tránh những mâu thuẫn với ban tổ chức, nhiều CĐV của Serena, trong đó có cả những người nổi tiếng đã lên tiếng bênh vực, ủng hộ cô.

"Những người đàn ông có nhu cầu can thiệp vào chuyện của phụ nữ quá xoàng xĩnh. Serena Williams là GOAT (tay vợt hay nhất mọi thời đại). Làng tennis tôn trọng cô ấy", nữ diễn viên Elizabeth Banks viết trên trang cá nhân.

Nhà sản xuất chương trình truyền hình nổi tiếng người Mỹ Shonda Rhimes cho rằng: "Tennis vẫn luôn là bộ môn hấp dẫn bất kể các tay vợt nữ mặc gì. Có lẽ cánh đàn ông nên tập trung vào việc lựa chọn thời trang cho riêng mình và tôn trọng quyền của GOAT để cô ấy được mặc bất cứ thứ gì cô ấy muốn".

Nguồn: Zing.vn
Bích Hiền | 06:31 10/09/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục