Nhà vô địch từ học đường

22:01 Thứ hai 15/08/2016

Nếu dự tranh với tư cách một đoàn, ĐH Nam California (USC) sẽ xếp hạng 16 thế giới qua các kỳ Olympic tính trên tổng số huy chương hoặc hạng 12 nếu chỉ tính số HCV.

USC là một trong những “lò” cung cấp VĐV chủ yếu cho đoàn thể thao Mỹ tham dự Thế vận hội trong suốt chiều dài lịch sử của đấu trường lớn nhất hành tinh. Tại Olympic 2016, USC cử 15 sinh viên tham gia vào các đội tuyển Mỹ gồm bóng rổ, quần vợt, bơi, bóng chuyền bãi biển, bóng chuyền trong nhà, bóng nước, điền kinh.

Tính chung lực lượng sinh viên theo học tại trường, USC có đến 46 VĐV được quyền tranh tài ở Rio 2016 dưới màu áo của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi tiếng nhất chính là kình ngư Katinka Hosszu (Hungary). Từ Thế vận hội mùa hè 1904 đến Thế vận hội mùa Đông 2014, USC đã đóng góp tổng cộng 423 VĐV; giành 288 huy chương (135 HCV), trong đó bảo đảm ít nhất một HCV tại mỗi kỳ Thế vận hội mùa hè tính từ năm 1912.

Câu chuyện của USC là một phần trong thành công của thể thao Mỹ tại các kỳ Olympic, quốc gia đầu tiên chạm đến cột mốc 1.000 HCV ngay tại Rio 2016, chỉ kém một chút so với tổng số HCV của 4 cường quốc thể thao khác là Anh, Nga, Pháp, Đức. Thời thế và cả lợi thế của những lần đăng cai Olympic có thể giúp Nga (trước kia là Liên Xô), Anh hoặc Trung Quốc vươn lên ngang bằng, thậm chí qua mặt đoàn Mỹ ở một vài kỳ Olympic nhưng về tổng thể, phong độ ổn định của đoàn Mỹ chẳng đối thủ nào sánh bằng.

Kình ngư 19 tuổi Katie Ledecky giành 4 HCV tại Rio 2016. Sau đại hội, cô quay lại giảng đường ĐH Stanford. Ảnh: Internet.

Sau đại hội, dù có mang biệt danh “quỷ tốc độ” hay “tay bơi cừ khôi nhất”, nhà vô địch 19 tuổi Katie Ledecky (HCV 200, 400, 800 m tự do, tiếp sức 4x200 m tự do) cũng sẽ quay lại giảng đường ĐH Stanford, nơi từ đây cô cùng với 30 sinh viên hoặc cựu sinh viên gia nhập các đội tuyển bơi, rowing, bóng đá, quần vợt, bóng chuyền, rugby,… của Mỹ. Tất cả đến với Rio bằng tinh thần thể thao đúng nghĩa, theo đúng tôn chỉ của Hiến chương Olympic, điều cũng được thấy nơi 172 VĐV là sinh viên thuộc 12 trường ĐH trên toàn nước Mỹ, chiếm 1/3 trong tổng số 554 VĐV của đoàn thể thao nước này.

Đây là minh chứng về sự ưu việt của môi trường thể thao trong hệ thống các trường ĐH tại Mỹ bên cạnh việc giáo dục về kiến thức đã ở vị trí hàng đầu thế giới. Việc rèn luyện sức khỏe cho sinh viên rất được coi trọng và sinh hoạt thể thao nói chung, vươn tầm đẳng cấp để tham gia các sự kiện thể thao quốc tế nói riêng, đã trở thành truyền thống. Cơ sở vật chất cho thể thao trong hệ thống giáo dục các cấp ở Mỹ là điển hình bởi đây cũng là một trong những tiêu chuẩn cần thiết để các trường thu hút học sinh, sinh viên vào học.

Sau các hoạt động thể thao, sinh viên Mỹ vẫn được đào tạo thành các kỹ sư, bác sĩ,… tức là tương lai hoàn toàn rộng mở cho họ, hoàn toàn do cá nhân họ định đoạt. Mô hình ưu việt này đã, đang và vẫn sẽ là hình mẫu để nhiều quốc gia noi theo nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện được. Người ta vẫn được nghe về các hình thức đào tạo “gà nòi” hoặc tuyển quân rồi huấn luyện hết sức chuyên nghiệp mà kết quả là hàng loạt VĐV sẵn sàng đánh đổi tất cả vì những tấm huy chương.

Anh qua mặt Trung Quốc

Đoàn Mỹ vẫn dẫn đầu tính đến hết ngày thi đấu thứ 9 với 26 HCV, 21 HCB và 22 HCĐ; Anh qua mặt Trung Quốc xếp nhì khi có cùng 15 HCV nhưng hơn 3 HCB. Việt Nam đồng hạng 35, vẫn 1 HCV và 1 HCB.

Đông Linh | 21:39 15/08/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục