Nguyễn Thị Ngọc Anh - Sự trở lại của trung vệ thép

13:11 Thứ ba 02/10/2012

Trong trận chung kết với đối thủ Myanmar ở giải vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2012, khán giả trên sân Thống Nhất không ít lần dành tràng pháo tay khen ngợi cho trung vệ mang áo số 15 Nguyễn Thị Ngọc Anh với những pha cứu nguy và bọc lót mang đúng thương hiệu của cô.

Yêu lắm quả bóng tròn

Cùng với cầu thủ đa năng Trần Thị Kim Hồng, trung vệ Nguyễn Thị Ngọc Anh đánh dấu sự trở lại ĐTQG của mình với vị trí chính thức trong suốt các trận đấu ở giải vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á vừa qua. Về cơ bản, họ đã thể hiện trên mức chờ đợi.

Mặc dù Ngọc Anh chưa tìm lại được khả năng phán đoán tình huống và bọc lót cho đồng đội tốt nhất của mình, một phần có lẽ chấn thương khá lâu khiến cô mất đi phần nào phản xạ. Tuy nhiên, nỗ lực của Ngọc Anh thì ai cũng đã nhận thấy khi HLV Trần Vân Phát không thể cất trung vệ kỳ cựu này trên băng ghế dự bị trong các trận đấu của ĐT nữ Việt Nam.

Chơi tốt dần trong từng trận, cô gái Hà Nội này là một chốt chặn không thể thiếu trước khung thành của “người nhện” Kiều Trinh.

Là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái, không như chị em của mình, Ngọc Anh là người rất hâm mộ trái bóng tròn. Đam mê bóng đá từ nhỏ, cô bé Ngọc Anh suốt ngày đi theo đá bóng bọn con trai trong khu tập thể Xây dựng (Long Biên, Hà Nội).

Ngọc Anh (15) hiện là thủ lĩnh nơi hàng phòng ngự ĐT Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt

Sau những trận bóng “hè phố”, Ngọc Anh được bạn bè rủ sang Trung tâm huấn luyện 10/10 dự tuyển lớp bóng đá nữ năng khiếu của Hà Nội. Bất ngờ được tuyển, Ngọc Anh chính thức tham gia tập luyện ở đây từ năm 1998.

Chỉ 2 năm sau, với thể hình cùng sự mạnh mẽ trong lối chơi của mình, Ngọc Anh được tuyển vào ĐT trẻ của Hà Nội đánh dấu bước đường của sự nghiệp cầu thủ của cô gái Hà thành 15 tuổi.

Mặc dù gia đình phản đối, nhưng Ngọc Anh vẫn kiên quyết theo đuổi niềm đam mê của mình. Một lần cô khiến cả nhà sốc khi xin cắt tóc ngắn để đá bóng dễ dàng hơn, nhưng cũng từ đó bố mẹ thấy lòng đam mê của cô con gái quá lớn nên không còn ngăn cấm nữa.

Trưởng thành trong màu áo đội bóng Thủ đô, mới bước vào tuổi đôi mươi, cô gái Hà Nội này đã được gọi vào ĐTQG. Với thể hình lý tưởng (cao 1,70 m) cùng lối chơi lăn xả quyết liệt, Ngọc Anh là mẫu trung vệ mà bất kỳ tiền đạo nào của bóng đá nữ trong khu vực Đông Nam Á cũng phải e ngại khi đối đầu với cô.

“Trong khu vực, tôi chỉ ngại những tiền đạo xoay sở tốt và dám cầm bóng đột phá. Khi đó mình sẽ vất vả vì thường rơi vào thế bị động. Các cầu thủ Thái thiên về kỹ thuật nhiều hơn, nhưng thể hình và thể lực không mạnh, còn những cô gái Myanmar họ tận dụng những pha đua tốc độ để xâm nhập vòng cấm, nhưng kỹ thuật của họ không nổi bật…”, Ngọc Anh nhận xét về các tiền đạo trong khu vực.

Sự trở lại ngọt ngào

Cùng lứa với Kim Hồng, Kiều Trinh, Ngọc Anh cùng đồng đội đã nhiều lần đem về vinh quang cho Tổ quốc. Đó là 2 chức vô địch Đông Nam Á và nhiều lần vô địch SEA Games.

Trong sự nghiệp bóng đá lắm thăng trầm của mình, Ngọc Anh nhiều lần tủi thân đến phát khóc vì chấn thương hành hạ. Nhưng cô không thể quên được nỗi buồn khi thất bại trên chấm phạt đền ở sân Thành Long trong trận chung kết cũng với đối thủ Myanmar cũng ở giải vô địch Đông Nam Á năm 2004.

Cô gái sinh năm 1985 tâm sự: “Sau khi hòa trong 2 hiệp phụ, chú Mai Đức Chung giao nhiệm vụ đá luân lưu cho từng người. Tôi được chú giao cho đá quả đầu tiên vì mọi ngày tôi tập đá phạt rất tốt. Bước lên chấm đá phạt tôi rất run vì áp lực quá lớn. Vì vậy tôi đã có quyết định sai lầm. Mọi ngày khi tập, tôi thường sút vào góc phải của thủ môn. Nhưng lúc đó thấy thủ môn của họ bắt rất tốt vì sợ bị bắt bài nên tôi đổi góc sút. Không ngờ cú sút đó không đánh bại được thủ thành đối phương. Sau đó, ĐT Việt Nam thất bại. Tôi rất buồn, nỗi buồn không thể tả được. Tôi nghĩ rằng vì mình mà đội nhà đánh rơi chiến thắng. mặt khác sau thất bại này các em sẽ không được nhận thưởng thêm để cải thiện cuộc sống…”.

Trận chung kết trước đối thủ với đối thủ Myanmar ở giải vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2012 vừa rồi đã tái hiện lại nỗi ám ảnh thất bại 8 năm trước. Khi bước vào loạt đấu súng định mệnh, Ngọc Anh rất hồi hộp. Cô chỉ mong sao cho đội nhà chiến thắng.

Cô chia sẻ: “Lúc đó, tôi đứng xem các bạn đá mà tim đập mạnh lắm, chỉ sợ đội nhà thất bại. Nhưng với những cú sút chắc chắn và 2 pha cản phá của Kiều Trinh đã giúp chúng tôi giành chiến thắng. Khi đó cảm xúc rất khó tả, chúng tôi chỉ còn biết ôm lấy nhau la hét để thỏa nỗi sung sướng”.

ĐT nữ Việt Nam đã vượt qua Myanmar để khẳng định vị trí số một bóng đá nữ Đông Nam Á, nhưngvấn đề là sau đó, các cô gái sẽ được đầu tư ra sao để mơ về những giấc mơ châu lục, hay vẫn phải chấp nhận cảnh “nhất bên trọng, nhất bên khinh” so với bóng đá nam như bấy lâu nay.

Thực tế, sau hơn chục năm qua, bóng đá nữ vẫn chưa thể “đổi đời”. Cam chịu, nhẫn nhịn là những điều kiện tiên quyết khi theo nghiệp cầu thủ nữ tại Việt Nam. Đó là những tâm sự buồn của những nữ cầu thủ đã bỏ cả tuổi xuân của mình vì niềm tự hào “Bóng đá nữ Việt Nam, số một Đông Nam Á”.

Hiện nay, Ngọc Anh đang đầu quân cho CLB bóng đá nữ Tràng An Hà Nội 1 (hạng 3 giải VĐQG nữ). Với mức lương 2 triệu mỗi tháng (chưa tính tiền ăn 150.000đ/ngày), cô cũng như bao đồng đội đang phải chi tiêu dè sẻn để có tiền gửi về phụ giúp gia đình.

Nữ trung vệ tâm sự: “Tuy khó khăn nhưng tôi phải luôn cố gắng và hy vọng sẽ có ngày đời sống tốt hơn. Như tôi còn ăn cơm ĐT, đôi khi có đồng ra đồng vào sau giải đấu, còn những em khác không được lên ĐT thì vất vả hơn nhiều, nhất là các dịp lễ Tết không có tiền về nhà… Chẳng hạn như Trung thu này, muốn mua hộp bánh biếu gia đình cũng phải hơn 200.000đ. Mức lương như vậy thì các em sao kham nổi”.

Đến cuối năm nay Ngọc Anh sẽ hoàn thành khóa học HLV mà hơn 4 năm nay cô đã dày công dùi mài để chuẩn bị cho ngày giã từ sự nghiệp cầu thủ.

Chi Hà | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục