Nghịch lý Văn Hậu

20:16 Thứ bảy 30/05/2020

Văn Hậu vừa lần thứ 3 liên tiếp giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất ở Gala Quả bóng vàng. Điều đó tốt cho Hậu nhưng có phải là tin vui với bóng đá Việt Nam?

2019 là năm thứ 3 liên tiếp, Đoàn Văn Hậu giành giải Cầu thủ trẻ nam hay nhất tại Gala Quả bóng vàng Việt Nam. Trong mùa giải thưởng được ca ngợi nhiều về chuyên môn nhất những năm qua, danh hiệu của Văn Hậu là điều dễ đoán hơn cả. Anh quá vượt trội so với 3 đối thủ Trần Danh Trung, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Văn Toản.

Vấn đề không nằm ở chiến thắng của Văn Hậu vì anh quá xứng đáng. Vấn đề nằm ở khoảng cách quá lớn giữa Hậu và những đề cử khác.

Nghịch lý Văn Hậu - Bóng Đá

Văn Hậu là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam 3 lần giành giải Cầu thủ trẻ hay nhất năm tại Gala Quả bóng vàng. Đồ họa: Minh Phúc. 

Hat-trick của Văn Hậu nói lên điều gì?

So với Văn Hậu, Hoàng Đức, Văn Toản mới được gọi lên tuyển theo dạng “học nâng cao”. Người còn lại là Danh Trung thậm chí không góp mặt ở SEA Games và U23 châu Á. Không ai trong ba người này đủ sức đe dọa danh hiệu của Văn Hậu.

Nếu giải Cầu thủ trẻ hay nhất năm là một cuộc đua, Văn Hậu đã về đích trước giờ khai cuộc. Hai năm trước, anh cũng là người thắng giải. Tuy nhiên, cuộc đua của Hậu trong năm 2017 và 2018 khốc liệt hơn hẳn khi anh đều có những đối thủ xứng tầm. Năm 2017, đối thủ của Hậu là Nguyễn Quang Hải và Phan Thanh Hậu. Năm 2018, đối thủ của anh vẫn là Quang Hải và Trần Đình Trọng.

Hãy đặt mình vào vị trí người bầu chọn, họ đã bỏ phiếu cho Văn Hậu trong 2 năm liên tiếp. Nhiều người thừa nhận với Zing họ muốn điền một cái tên mới, muốn khích lệ các tài năng khác, muốn ưu tiên những người chưa giành giải. Tuy nhiên, khi chênh lệch là quá lớn, họ buộc phải trở về lựa chọn quen thuộc.

Nghịch lý Văn Hậu - Bóng Đá

Những đề cử cuối cùng giải Cầu thủ trẻ hay nhất năm từ 2017 tới 2019. Đồ họa: Minh Phúc. 

Nghĩa là bất chấp các thành công vượt bậc trong năm 2019, bóng đá Việt Nam không mang tới lựa chọn mới nào khác 2 năm trước đó, không giới thiệu thêm được gương mặt nào thực sự nổi bật.

Điều đó nhiều khả năng sẽ lặp lại trong năm 2020. Thất bại của đội U23, nhiều giải trẻ bị hủy trong khi sân chơi cuối năm sẽ dành cho đội tuyển, rất khó kỳ vọng cầu thủ trẻ nào sẽ nổi lên thay thế được Văn Hậu. Và chàng trai đang chơi bóng ở Hà Nội nhiều khả năng sẽ “phải” nhận danh hiệu này lần thứ 4 liên tiếp.

Trước Văn Hậu, Nguyễn Thành Long Giang (2006, 2007) và Nguyễn Văn Quyết (2010, 2011) là 2 cầu thủ từng hơn một lần giành danh hiệu này. Điều trùng hợp là chiến thắng của họ đều tới trong giai đoạn khó khăn, thiếu tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam. Chiến thắng của Hậu vì thế chưa chắc là tin vui cho nền bóng đá.

Nghịch lý Văn Hậu - Bóng Đá

Sau lứa 1997, 1998 của Quang Hải, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có thêm tài năng trẻ nào nổi bật. Ảnh: Thuận Thắng. 

Tuyển quốc gia đại thắng, các đội trẻ sa sút

Ba lần dự giải Đông Nam Á gần nhất kể từ năm 2017, U19 Việt Nam đều dừng bước ngay vòng bảng. 8 năm trước đó, thành tích tối thiểu của đội tuyển là bán kết. Một năm sa sút có thể được chấp nhận, những 3 năm thất bại liên tiếp là lỗi của hệ thống. Đó là lý do dẫn tới việc HLV Hoàng Anh Tuấn phải từ chức hồi năm ngoái.

Sự đi xuống của tuyển U19 phù hợp với sự sa sút của các lò đào tạo lớn. HAGL, Viettel hay PVF đều chưa giới thiệu được tài năng trẻ nổi bật nào sau lứa 1998. Người gần nhất của HAGL lên U23 là Trần Bảo Toàn để lại dấu ấn bằng tình huống phạm lỗi khiến đội tuyển dừng bước ở giải châu Á, tài năng trẻ mới nhất của Viettel là Danh Trung mùa trước vẫn chơi ở hạng Nhất.

U21 Hà Nội đã vô địch quốc gia 4 trong 5 mùa gần nhất. Tuy nhiên, giống như danh hiệu của Văn Hậu, một cầu thủ trưởng thành từ chính hệ thống của họ, chiến thắng của U21 Hà Nội chỉ phản ánh sự đi xuống của các đối thủ. Bằng chứng là chính lứa U21 ấy của HLV Phạm Minh Đức đang thi đấu trầy trật tại V.League dưới màu áo CLB Hà Tĩnh.

Mùa này, CLB Hà Nội thử gọi hai hậu vệ nổi bật của lứa ấy là Bùi Hoàng Việt Anh và Lê Xuân Tú về đội một. Hai trận đầu mùa, họ thủng lưới 5 bàn.

Nghịch lý Văn Hậu - Bóng Đá

Đội trẻ Hà Nội của HLV Phạm Minh Đức vô địch U21 quốc gia 4 trong 5 giải gần nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi lên V.League. Ảnh: Minh Chiến. 

Có hai lý do khiến chất lượng lứa kế cận của bóng đá Việt Nam đi xuống.

Thứ nhất, đào tạo trẻ là một canh bạc mà mọi sự đầu tư, chăm sóc, vun trồng không đảm bảo mang tới trái ngọt. Bóng đá Việt Nam đã có hai thế hệ 1995 và 1997 tài năng liên tiếp, sở hữu nhiều cầu thủ đẳng cấp và dị biệt. Vậy cũng hợp lý nếu thế hệ kế tiếp họ không sánh bằng các đàn anh.

Lý do thứ hai mới là nguyên nhân quan trọng. Sự xuất hiện liên tiếp của lứa 1995 và 1997 đã lấy mất cơ hội ra sân cho những đàn em sau đó. Trong thời điểm nền bóng đá khan hiếm tài năng, hai lứa cầu thủ này nhanh chóng lên V.League. Họ cùng với những đàn anh ở các CLB lớn như Hà Nội, HAGL, Viettel, SLNA... tạo thành nên hệ thống kết hợp già - trẻ hợp lý. Hệ thống ấy đang vận hành trơn tru và hứa hẹn duy trì tiếp trong ít nhất vài năm nữa. Tình trạng “phải thi đấu vì đội không còn ai” như Đỗ Hùng Dũng từng miêu tả hồi năm 2016 hiện không còn tồn tại.

Bối cảnh ấy hạn chế cơ hội của những lứa kế cận, buộc họ phải tạo được đột biến cực lớn nếu muốn có cơ hội tại V.League.

Thực tế ấy đã diễn ra ngay từ thời Hoàng Anh Tuấn và vẫn là bài toán đau đầu dành cho HLV Philippe Troussier ở đội U19. Chia sẻ với Zing, ông Troussier thừa nhận: “Những gì đang diễn ra với các cầu thủ U19, U20 và U21 ở các CLB Việt Nam thật đáng suy ngẫm. Các cầu thủ U19 không có nhiều cơ hội thi đấu.

Các CLB Việt Nam đang đào tạo khá tốt nhưng chưa đủ. Họ phải có sân chơi để thi đấu và phát triển. Tôi nghĩ họ cần được chơi 30-40 trận mỗi năm trong khi sự thật là cầu thủ U19 chỉ được đá khoảng 10 trận. Thế là không đủ”.

Nghịch lý Văn Hậu - Bóng Đá

HLV Troussier tin rằng một cầu thủ trẻ cần 30-40 trận mỗi năm, đó là con số không tưởng ở bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. 

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chẳng phải không biết thực trạng này. Họ thậm chí đã có nhiều giải pháp để tăng số trận cho cầu thủ trẻ. Hai giải pháp nổi bật những năm qua là nhân đôi số trận ở vòng loại U17 quốc gia (bắt đầu từ 2015) và sắp xếp lại thời gian thi đấu U19 và U21 quốc gia để một cầu thủ trẻ có thể đá số trận nhiều nhất. Tuy nhiên, từng ấy vẫn là chưa đủ.

Nếu bạn là một cầu thủ trẻ ở tuổi U19, bạn có thể đá 5 trận vòng loại U19 quốc gia vào tháng 1, 5 trận vòng chung kết vào tháng 3, chơi tiếp 5 trận vòng loại U21 vào tháng 5. Tới đây, bạn lên tuyển, đá thêm 7 trận tại Giải U19 Đông Nam Á vào tháng 9 trước khi trở về CLB đá nốt 5 trận vòng chung kết U21 quốc gia vào cuối năm. Tổng cộng, bạn được chơi 27 trận với điều kiện bạn là một tuyển thủ U19, bạn không chấn thương còn CLB của bạn vào tới chung kết mọi giải đấu.

Kể cả khi đá đủ 27 trận, bạn vẫn chưa đạt tới con số 30 lý tưởng mà HLV Troussier đề cập.

Sự thiếu hụt ấy là một trong những lý do dẫn tới việc VFF quyết tâm xây dựng lại hệ thống bóng đá, tạo ra mô hình 14 đội mỗi giải cho V.League, hạng Nhất và hạng Nhì. Nỗ lực ấy rõ ràng rất đáng quý nhưng chưa thể là đủ. Nhìn sang Thái Lan, ba hạng đấu cao nhất của họ lần lượt có 16, 18 và 28 đội tham dự. Những giải hạng dưới có nhiều đội chính là điều kiện tiên quyết cho cơ hội ra sân của những tài năng trẻ. Bóng đá Việt Nam hiện chưa có điều đó.

Và Văn Hậu nhiều khả năng sẽ lần thứ 4 liên tiếp thắng giải Cầu thủ trẻ hay nhất. Dù năm nay, anh sẽ kỷ niệm 4 năm lên tuyển Việt Nam, trong đó có 3 năm đá chính.

Thanh Hà - Zing.vn | 16:45 30/05/2020
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục