Nghịch lý khó tin nhưng có thật của bóng đá trẻ Việt Nam

23:39 Thứ hai 19/08/2019

TinTheThao.com.vnVượt qua Malaysia, Australia vừa đăng quang ngôi quán quân U18 Đông Nam Á 2019. Đây là giải đấu để lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho bóng đá trẻ Việt Nam.

Những chiến tích chấn động châu Á và khu vực Đông Nam Á của U23 và đội tuyển Việt Nam mang lại niềm tự hào và vinh dự cho nền bóng đá nước nhà. Việc Rồng Vàng vượt qua kình địch Thái Lan trở thành đội bóng số 1 khu vực càng gieo thêm niềm tin tất thắng trước các đối thủ đến từ Đông Nam Á cho người hâm mộ. Nhưng U23 và đội tuyển quốc gia thành công không hoàn toàn đồng nghĩa với các đội tuyển trẻ sẽ dễ dàng chiến thắng. Bóng đá trẻ là câu chuyện rất khác biệt so với lứa tuổi U23 và đội tuyển Việt Nam.

Trong 5 giải đấu gần nhất ở các lứa tuổi U tại khu vực Đông Nam Á và châu Á, bóng đá Việt Nam chỉ một lần vượt qua vòng bảng – hạng 4 giải U15 Đông Nam Á 2019 của thầy trò HLV Đinh Thế Nam. Nếu tính luôn thất bại tủi hổ tại SEA Games 2017 mà Xuân Trường, Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Công Phượng, Văn Toàn... làm nòng cốt, các đội tuyển trẻ đã có 6 thất bại liên tiếp.

 - Bóng Đá

Không cầu thủ nào của U18 Việt Nam đá chính ở V-League cũng như giải hạng Nhất.

Trận thua của U18 Việt Nam trước U18 Campuchia chỉ là tái khẳng định sự thất bại, giai đoạn khan hiếm tài năng trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá nước nhà. Thất bại lịch sử trước Campuchia là “cú tát” điếng người giúp những nhà hoạch địch chiến lược nhìn rõ thực trạng yếu kém và người hâm mộ bớt ảo tưởng về sức mạnh của bóng đá trẻ Việt Nam. Có thể nói để phát hiện và đào tạo ra những Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng 2.0 không phải là điều đơn giản.

Thật ra, công tâm mà nhận xét hiếm có nền bóng đá nào trên thế giới hay khu vực liên tiếp sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng trẻ trong thời gian ngắn. Thành công trong bóng đá cả ở cấp độ các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia thường mang tính chu kỳ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bóng đá Việt Nam trình làng nhiều cầu thủ xuất sắc gắn liền với giai đoạn thành công 10 năm 1995, 2005 và 2015 từ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn đến Lê Công Vinh, Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em rồi Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Công Phượng.

Chúng ta đã có lứa Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Tiến Linh... giành vé dự vòng chung kết U20 thế giới năm 2017. Và HLV Park Hang-seo đã hưởng lợi rất nhiều nhờ thế hệ vàng này. Thế nhưng sau lứa Quảng Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Chinh, Tiến Linh... là khoảng trống quá lớn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thầy Park tập trung U22 Việt Nam hàng tháng để “đãi cát tìm vàng”. Đẳng cấp giữa Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Tiến Linh... và các cầu thủ còn lại của U22 cũng như các “cánh chim lạ” vẫn còn sự chênh lệch nhất định về đẳng cấp. Thầy Park hoàn toàn có lý khi cho rằng, ông muốn nhìn thấy tầm nhìn, chiến lược và tham vọng của bóng đá Việt Nam trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mới.

 - Bóng Đá

Đang có sự khan hiếm tài năng của bóng đá trẻ sau lứa Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Tiến Linh... Ảnh: Minh Anh.

Để phát triển, nâng tầm bóng đá trẻ cần một quá trình lâu dài, tầm nhìn chiến lược và quan trọng nhất là nguồn kinh phí dồi dào. Trong khi đó VFF lại không mạnh về tài chính và phải ưu tiên cho những mục tiêu quan trọng trước mắt. Cụ thể là phân bổ tài chính để gia hạn hợp đồng mới với thầy Park, “săn vàng” SEA Games 30, đầu tư cho bóng đá nữ trước cơ hội FIFA tăng suất dự vòng chung kết World Cup 2023...

U23 và đội tuyển Việt Nam càng thành công thì các đội tuyển trẻ nhận nhiều “trái đắng” tại các giải đấu khu vực và châu lục. Đây là nghịch lý rất đáng lo ngại cho bóng đá nước nhà. 

Tiểu Phương | 22:10 19/08/2019
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục