Nghịch lý bóng đá Việt Nam: Đội tuyển mất giá hơn CLB

22:10 Thứ sáu 05/02/2016

Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới này, một HLV hay thậm chí một cầu thủ từ chối ĐTQG để phục vụ CLB như bóng đá Việt Nam.

Thật ra câu chuyện, HLV cầu thủ từ chối ĐTQG trên thế giới có không ít. Có thể là do muốn nhường cơ hội cho cầu thủ trẻ, hay gặp nhất là những bất đồng với HLV ở thời điểm đó. Tuy nhiên những trường hợp này đều chỉ là vấn đề cá nhân đơn thuần, họ có thể trở lại để phục vụ tổ quốc bất cứ lúc nào nếu Liên đoàn thật sự cầu thị. Nhưng với bóng đá Việt Nam thì chúng ta đang tạo ra một tiền lệ rất xấu khi đa số "sợ lên tuyển" ở các cấp ĐTQG. Chẳng những chuyện như chế độ, lương thưởng thiệt thòi hơn CLB mà còn những vấn đề nhạy cảm cực kỳ phức tạp của ngôi nhà VFF.

Lúc này, một trong những vấn đề nóng nhất của bóng đá Việt Nam là tìm HLV trưởng cho ĐTQG và U23 sau khi chia tay HLV Miura. Kế hoạch của Liên đoàn đưa ra thì rất hoành tráng – vô địch AFF Cup và SEA Games nhưng công việc nhỏ nhất là tìm người thay ông thầy người Nhật gặp rất nhiều khó khăn. Ý định ban đầu là mời cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức lên nắm ĐTQG. Với cái uy từ khi còn làm cầu thủ cùng tư cách thành viên Hội đồng HLV Quốc gia, VFF tự tin sẽ mời được chiến lược gia họ Lê. Ấy vậy mà chưa cần Liên đoàn đưa ra đề nghị chính thức thì cựu tiền đạo này đã chối đây đẩy. Thậm chí Huỳnh Đức còn “ngán” chiếc ghế do ông Miura để lại đến mức phải thốt lên “tôi chỉ cần ngày 3 chai bia ở Đà Nẵng là xong.”

Huỳnh Đức và Hữu Thắng đều không mặn mà với chiếc ghế trên tuyển.

Cũng chẳng phải bây giờ, Huỳnh Đức mới từ chối dẫn dắt ĐT Việt Nam. Trong quá khứ cựu tiền đạo này đã 5 lần, 7 lượt lắc đầu với VFF vì muốn ổn định ở SHB Đà Nẵng. Chắc chắn Huỳnh Đức không sợ chuyện “bể nồi cơm” bởi với một người danh tiếng như ông thì nơi nào cũng dang tay chào đón. Với hơn 20 năm gắn bó với bóng đá, chiến lược gia 43 tuổi quá hiểu nội tình bóng đá Việt Nam thối nát như thế nào. Làm HLV đội tuyển chỉ là trên danh nghĩa, họ bị chi phối quá nhiều yếu tố nhưng lại phải yêu cầu đạt thành tích cao. Tệ hơn là chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG giống như “vật thế mạng” mỗi khi nền bóng đá rơi vào cảnh lao đao.

Không chỉ Huỳnh Đức mà người đồng đội trước đây là Hữu Thắng cũng liên tục từ chối nắm tuyển. Dù hiện nay chiến lược gia người Nghệ An được coi là có “gan thép”, đủ khả năng chịu sức ép lớn nhất nhưng vẫn đang lưỡng lự ngồi vào chiếc ghế nóng trên tuyển. Thật ra cựu trung vệ này không sợ sức ép hay búa rìu dư luận mà cái ông đắn đo là quyền hạn của mình. Hữu Thắng từng bị VFF từ chối quyền hạn nhỏ nhất là tuyển trợ lý theo ý mình mà phải theo “ban bệ” được sắp xếp từ trước. Từ đây lại hướng theo một ngã rẽ khác là các trợ lý không nghe hoặc thiếu tôn trọng HLV trưởng. Rồi xuất hiện chuyện mỗi trợ lý “ôm” vài học trò lên tuyển để tạo ra vấn nạn “quân anh, quân tôi” vốn nhiều người đã biết. Như thế có nghĩa là quyền hạn chuyên môn của HLV nội đã bị giảm đi quá nhiều. Rõ ràng đây là điều vô lý bởi khi đội tuyển thất bại chỉ có vị trí HLV trưởng phải trả giá.

Toshiya Miura Chiếc ghế của Toshiya Miura để lại giống như một "tấm lá chắn" của VFF.

Hiện nay, VFF đang cố gắng thay đổi cách làm cũ. Thậm chí BCH VFF khóa VII khẳng định HLV nội sẽ được toàn quyền về chuyên môn cũng như chế độ như thầy ngoại. Một mức lương hậu hĩnh lên đến 9 con số cho người thay Miura là sức hút không hề nhỏ. Thế nhưng hầu hết thầy nội vẫn sợ ngồi vào chiếc ghế vốn chỉ bị coi là “vật thế mạng” này. Vấn đề của bóng đá Việt Nam bây giờ đã rẽ sang một hướng mới… lệch lạc hơn trước kia. Đầu tiên là việc hướng các ĐTQG theo lối chơi nhỏ, đẹp mắt phục vụ NHM, tiếp theo là phải giành được chức vô địch AFF Cup 2016 và nhất là SEA Games 2017. Dễ hiểu hơn, yêu cầu của lãnh đạo VFF “chỉ là” đưa U23 và ĐT Việt Nam đá hay, hiệu quả như… Barca là được. Với yêu cầu như thế thì chẳng nói HLV nội mà kể cả những chiến lược gia hàng đầu thế giới cũng lắc đầu chào thua.

Trước khi chia tay HLV Miura, bóng đá Việt Nam cũng chứng kiến một câu chuyện hài hước khác là tiền đạo Anh Đức giành QBV Việt Nam mà không khoác áo đội tuyển lần nào. Hỏi ra mới biết, chân sút của Bình Dương từ chối lên tuyển vì muốn nhường chỗ cho các cầu thủ trẻ. Thế nhưng đó chỉ là câu nói xã giao còn thực tế có thể rất khác. Chưa ai quên được việc Tấn Tài bị chấn thương ở AFF Cup 2014 nhưng Bình Dương và chính tiền vệ người Khánh Hòa phải bỏ tiền ra chữa trị. Hay như Huy Toàn, Ngọc Thắng chấn thương từ khi lên tuyển nhưng toàn bộ chi phí chữa trị lại do SHB Đà Nẵng lo liệu. Đó là những cầu thủ còn may mắn vì được đội bóng chủ quản lo liệu. Giả dụ như Anh Đức ở tuổi 31 mà bị đứt dây chằng khi lên tuyển thì thì coi như giã từ sự nghiệp thi đấu vì sẽ bị CLB thanh lý hợp đồng. Lúc đó anh sẽ phải tự bỏ ra cả tỷ đồng đều ra nước ngoài phẫu thuật hoặc tàn tật cả đời...

Lên tuyển dù là cầu thủ hay HLV đều là vinh dự với bất cứ ai. Nhưng với bóng đá Việt Nam thì nó đã chuyển sang thành gánh nặng với cách làm việc và hành xử của lãnh đạo VFF. Vì thế nếu không thay đổi thì đội tuyển sẽ còn mất giá dài dài trong tương lai.

Tổng hợp | 22:00 05/02/2016
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục