Đừng biến U19 thành một thứ đồ chơi

13:09 Thứ năm 23/10/2014

Đã có người dùng từ “gánh xiếc rong” để chỉ những cầu thủ U19 Việt Nam trong đội hình HAGL JMG liên tục phải chơi những giải đấu gần đây khiến họ "hết pin" ở giải U21 quốc tế.

Cho đến giờ thì nhiều người hâm mộ, yêu quý các cầu thủ U19 Việt Nam vẫn thắc mắc về “lịch trình” khó hiểu của tuyển U19 Việt Nam, khi gần như cùng lúc “gánh” hai nhiệm vụ là VCK U19 châu Á và tham dự U21 quốc tế ở Cần Thơ.

Công Phượng bị chấn thương trước trận đấu với U21 Sydney. Ảnh: Lê Hồ.

Ai cũng biết, đội tuyển U19 Việt Nam dự VCK U19 châu Á thực chất là đội U19 HAGL JMG mở rộng. Hơn nữa, dù không khẳng định HLV Graechen ưu tiên “gà” nhà, nhưng chẳng cần tinh ý cũng thấy rõ ràng ông thầy này ưu ái cho ra sân các cầu thủ lứa U19 HAGL hơn là cầu thủ những lò khác. Vì thế mật độ thi đấu của những cầu thủ U19 HAGL càng dày đặc hơn.

Vấn đề là ở chỗ, trong khi U19 Việt Nam còn chơi ở vòng bảng VCK U19 châu Á thì việc họ sẽ chơi ở giải U21 đã được “book” sẵn. Lịch thi đấu VCK U19 châu Á là từ 9 - 23/10 (trận chung kết), còn lịch để U19 HAGL đá giải U21 quốc tế là ngày 21/10, hiển nhiên họ phải có mặt ở Việt Nam ngay sau vòng bảng kết thúc - 14/10.

Nói một cách dễ hiểu là dường như chính những người lên lịch cũng “không tin lắm” việc U19 Việt Nam sẽ qua vòng bảng, nên đã “yên chí” để chính những cầu thủ này sẽ về lại Việt Nam thi đấu. Vậy thì mục tiêu lọt vào VCK U20 thế giới với việc dự U21 quốc tế, đâu mới là việc phải ưu tiên tối đa?

Ai cũng biết thương hiệu U19 đang rất “hot” và đủ sức kêu gọi khán giả tới sân. Thực tế đã chứng minh việc sân Mỹ Đình đông kín khán giả. Những nhà tổ chức giải U21 quốc tế thừa hiểu câu chuyện này: sự có mặt của U19 Việt Nam đảm bảo cho thành công của giải, đảm bảo đánh bay những scandal như vụ cầu thủ trốn trại đi bar (như năm ngoái).

Sự có mặt của dàn sao U19 HAGL là đảm bảo cho tính hấp dẫn của giải U21 quốc tế. Ảnh: Lê Hồ.

Việc các cầu thủ bị vắt kiệt sức và quá tải bởi mật độ thi đấu dày đặc đã được báo chí và nhiều chuyên gia cảnh báo. Cựu HLV ĐTQG - ông Nguyễn Thành Vinh - cho rằng: “Các cầu thủ bị đặt lên vai áp lực quá lớn và họ liên tục được (hay bị) yêu cầu phải chơi hết mình ở tất cả các giải đấu, các trận đấu”.

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì nhận định: “Các cầu thủ U19 Việt Nam có nền tảng thể lực vào loại khá, bởi những giáo án chuyên sâu của Học viện HAGL JMG đã đảm bảo việc đó. Thế nhưng, việc U19 Việt Nam phải chơi và căng sức ở giải U19 ĐNÁ đã khiến các cầu thủ đốt cháy thể lực”. Ông Hải cũng không ngần ngại chỉ thẳng ra “sự có mặt và cố gắng của những nhân tố U19 là để đánh bóng thương hiệu một số cá nhân”.

Khá may mắn là những cầu thủ U19 HAGL Arsenal JMG đã thắng U21 Malaysia ở trận đầu ra quân. Bản thân HLV Graechen cũng thừa nhận cầu thủ của mình đã không thể duy trì được thể lực đến cuối trận.

Hôm nay (23/10) sẽ lại là một cuộc “tra tấn” về thể lực nữa đối với các cầu thủ U19, khi họ đối đầu với U21 Sydney của Australia. Nếu như việc tham gia liên tục những giải như U22 ĐNÁ - Cúp Hassanal Bolkiah 2014 (tổ chức ở Brunei), hay giải U19 ĐNÁ tổ chức tại Việt Nam được khoác lên những mỹ từ như “chuẩn bị”, “tích lũy kinh nghiệm” cho VCK U19 châu Á, thì mục đích của những Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Công Phượng ở giải này là gì?

Có lẽ khi nhìn những khán đài chật kín khán giả, những nhà tổ chức hài lòng, vì điều này luôn tỷ lệ thuận với sự hài lòng của các nhà tài trợ, tỷ lệ thuận với khoản tiền vé lên tới hàng tỷ đồng mỗi trận.

Để có “những thành công chung” ấy, các cầu thủ U19 lại tiếp tục “cày”. Và ai cũng biết, giải U21 quốc tế chỉ là một giải… vui vẻ mà thôi.

Đắc Lâm | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục