Đám cưới ngày xuân, xuất hành năm mới

07:53 Chủ nhật 01/03/2015

Đám cưới là câu chuyện hạnh phúc của một đôi trai gái. Nhưng nó cũng có thể trở thành hạnh phúc của rất nhiều người. Hơn thế nữa, từ một niềm hạnh phúc cụ thể mang tính lứa đôi, nó có thể mang lại sức mạnh cho họ lúc lên đường vì một sự nghiệp lớn.

Niềm hạnh phúc của chú rể Võ Thanh Tùng và cô dâu Trúc Phương trong tiệc cưới tổ chức tại khách sạn Vạn Phát, TP Cần Thơ sáng 28-2 - Ảnh: Thanh Tùng

Đám cưới của Thanh Tùng - Trúc Phương vào ngày mùng 10 tháng giêng Ất Mùi 2015 (28-2) là một đám cưới như thế.

Một cuộc hội ngộ

Về chú rể: đấy là VĐV bơi lội nổi tiếng, người rất thành đạt của thể thao VN năm 2014, với năm HCV tại Asian Para Games 2014 (Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á) tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc. Về cô dâu Trúc Phương: từ lâu đã nghe nói về người yêu của Tùng, hôm nay thì tất cả đều thấy mặt, đó là một cô gái xinh xắn và duyên dáng, lại có tài kinh doanh. Cả trai lẫn gái đều vừa tài vừa sắc. Về người tham dự: hơn 400 khách mời, với con số rất đông đảo người làm thể thao và người chơi thể thao trong tỉnh. Vì thế, đám cưới mà như một cuộc hội ngộ. Về thời điểm: ngày ăn tết cuối cùng của năm, cho nên tất cả đều nghĩ đến một buổi xuất hành. Xuất hành đầy quyết tâm và có nhiều may mắn.

Cần Thơ thường được gọi là Tây Đô, trung tâm của cả một vùng châu thổ rộng lớn chằng chịt kênh rạch và bao la sông nước. Cho nên Cần Thơ cũng là nơi rất thành công về môn bơi lội. Kình ngư Ánh Viên là người nơi đây. Thanh Tùng cũng lập nghiệp nơi đây. Mà đâu chỉ có Thanh Tùng, đó còn là Thành Trung, Thanh Hải. Cùng với Tùng, họ lập nên một bộ ba đáng nể đã mang về cho Việt Nam tới bảy HCV, một HCB và hai HCĐ tại Asian Para Games tháng 11-2014.

Chưa hết, đội tuyển bơi lội người khuyết tật Việt Nam mới được tập trung chuẩn bị cho giải VĐTG năm 2015 tại Glasgow chỉ có bốn VĐV thì ba chàng trai vừa kể tên đều có mặt, chỉ thêm người thứ tư là tay bơi nữ Trịnh Thị Bích Như. Cho nên nhìn Thanh Tùng và Trúc Phương ngập tràn hạnh phúc trong bộ quần áo cưới, người có mặt đều không thể không liên tưởng tới những cuộc thi “dậy sóng, dậy nước” vì nếu không có thể thao, sẽ chẳng có sự đông đủ và sự hân hoan của ngày hôm nay.

Sự bền bỉ của thể thao hay sự bền bỉ của hạnh phúc

Đám cưới năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm thi đấu của Thanh Tùng. HLV Đổng Quốc Cường nhấn mạnh: “Bơi lội là môn thi phải luyện tập bền bỉ và gian nan lắm. Không thể nhanh được, mà cần phải rất kiên trì bởi đấy là một quá trình tích lũy liên tục”. Tại Asian Para Games năm 2010 ở Quảng Châu, Tùng có một HCV và một HCB trong khi cầu lông có hai HCV. Nhưng tới Incheon 2014, cầu lông mất vị thế cũ trong khi Tùng có năm HCV, một HCĐ.

Anh Cường nói tiếp: “Nếu thi trượt đại học, có thể học tiếp và thi lại vào sang năm. Nhưng nếu thi bơi mà hỏng thì dường như phải bắt đầu lại từ năm học lớp một”. Vì khi rơi, không phải chỉ là lùi xuống một bậc, mà là tụt hẳn xuống đất”. Mà đâu chỉ là 10 năm đã qua, anh Cường tin rằng nếu giữ được mức phấn đấu, Thanh Tùng còn có sự nghiệp thể thao đỉnh cao 5-7 năm nữa. Sự bền bỉ của thể thao cũng là sự bền bỉ của hạnh phúc.

Trong Tuổi Trẻ số tết năm Ất Mùi đã giới thiệu 10 đám cưới của các chàng trai, cô gái là học trò thầy Cường. Đám cưới Thanh Tùng - Trúc Phương là đám cưới thứ 11. Rồi đây, sẽ có đám cưới thứ 12, thứ 13 của Thành Trung và Bích Như. Anh Cường vui vì chuyện yêu đương, chuyện dựng vợ gả chồng cho các VĐV khuyết tật bây giờ đã trở thành bình thường như tất cả những chuyện yêu đương và cưới hỏi khác. Vẫn có những éo le, nhưng xã hội đã quan tâm hơn, thấu hiểu hơn và vững tin hơn. Nếu trong những năm trước đây, mối tình của Minh Lý rất nhiều khắc khoải, âu lo thì tình yêu của Thanh Tùng bây giờ đã trở nên một câu chuyện bình thường và giản dị. Chẳng ai còn nhớ rằng Tùng là một VĐV có hạng thương tật S5. Và chính cái bình thường, giản dị ấy trong ngày hôm nay là biểu hiện của sự tiến bộ lớn lao trong cuộc sống.

Tuần trăng mật 7 ngày

Thanh Tùng không đòi hỏi được ưu đãi hay yêu chiều. Trước mặt anh là hai năm đầy thách thức, quyết tâm. Tại Paralympic London năm 2012 anh chỉ về thứ 4. Năm ấy anh bị chấn thương vai, vừa chữa trị, vừa luyện tập và thi đấu. Còn cơ hội mới là Paralympic năm 2016 được tổ chức ở Brazil.

HLV Đổng Quốc Cường khẳng định: “Tùng mới phát huy hết sự khéo léo và tính toàn diện. Cậu ấy còn có thể phát triển thêm nhiều về yếu tố sức mạnh và cơ hội nằm ở đấy”. Nhưng muốn tập tốt để phát triển thêm sức mạnh thì còn cần điều kiện tập luyện, bên cạnh quyết tâm và phương pháp. Anh kể lại chuyến đi thăm Seoul, nơi có trung tâm tập luyện riêng dành cho VĐV khuyết tật, với một bộ thiết bị dành cho VĐV bơi lội tập trên cạn. Rồi anh thở dài: “Cái thiếu của chúng ta chính là ở chỗ đó”. Thật ra cũng đã thấp thoáng những dự án để tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho VĐV khuyết tật VN, nhưng hiện thực bao giờ mới tới?

Lúc chia tay, khi thầy Cường trở lại TP.HCM, HLV mỉm cười nhẹ nhàng nhưng có vẻ dứt khoát: “Vui nhanh nhanh rồi lên tập nhé”. Tùng kỳ kèo: “Thôi, thầy cho em xin 10 ngày”. Trao đi đổi lại, rồi quyết định: Tuần trăng mật của Thanh Tùng - Trúc Phương sẽ kéo dài bảy ngày. Chỉ vừa đúng 1/4 của tuần trăng nhưng biết làm sao được, vì chúng ta đang nói tới các VĐV thể thao khuyết tật đỉnh cao mà giải vô địch thế giới sẽ diễn ra vào tháng 7.

Xin chúc cho hạnh phúc tròn đầy và lên đường may mắn.

Vũ Công Lập | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục